Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt

(VOV5) - "Điện Biên Phủ là góc chết trong văn học Pháp" - Giáo sư văn học Pháp Laurence Campa khẳng định.

Điện Biên Phủ là trận chiến huyền thoại đánh dấu sự chấm dứt chiến tranh và sự sụp đổ của đế quốc thực dân Pháp, sau này dần trở thành đề tài nghiên cứu lịch sử và đặc biệt từ những năm 2000 trở thành đề tài của những hội thảo giữa các nhà sử học Pháp và Việt Nam.

Nhưng qua 65 năm, Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt được nhìn nhận như thế nào? Cuộc hội thảo về vị trí của Điện Biên Phủ trong văn học và thi ca ơ cả Pháp và Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội diễn ra vừa qua, chi sẻ một góc nhìn về Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt

Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt - ảnh 1 Các diễn giả tham gia cuộc Hội thảo Kể chuyện Điện Biên Phủ của L'space,

"Góc chết của văn học Pháp"

Nhà sử học người Pháp Pierre Journoud tác giả của những công trình nghiên cứu nổi tiếng như Tướng De Gaulle và Việt Nam: 1945-1969, Hòa giải, Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng, Điện Biên Phủ. Nơi tận cùng thế giới cho rằng, với những người nghiên cứu lịch sử như ông Điện Biên Phủ là đề tài không bao giờ cạn. Cuộc hội thảo về 65 năm Điện Biên Phủ - viễn cảnh quốc tế và trong nước đã diễn ra trước đó tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã diễn ra trước đó, cũng như những cuộc hội thảo về đề tài này diễn ra những ngày qua là một minh chứng cho sự quan tâm của những người Pháp.

Ông nói: “Chúng ta tới đây để nói về Điện Biên Phủ, một đề tài không dễ dàng gì với người Pháp. Chúng tôi cũng đã dự các hội thảo, nghe nhũng lời kể của các cựu chiến binh Việt Nam . Những nhân chứng đó là những thành tố không thể thiếu vì họ kể lại những câu chuyện cúa họ, mang tới một phần của sự thật theo cách nhìn của họ vì ai cũng biết là Điện Biên Phủ vốn dược biết đén với nhiều cách nhìn khác nhau. Ký ức sống là thứ không thể thay thế được.”

Ngoài lịch sử, thì cũng có những tác phẩm văn học nghệ thuật Pháp nói về cuộc chiến Pháp – Việt. Như nhà thơ, nhà tiểu thuyết Louis Aragon, hay nhà văn Jules Roy với cuốn Trận chiến Điện Biên Phủ - vốn được ông khẳng định viết để dành tặng “Tất cả những người đã chết ở Điện Biên Phủ”…Tuy nhiên, Điện Biên Phủ như một câu chuyện sống động trong những tác phẩm xuất sắc thì lại chưa thực sự xuất hiện nhiều.

Giáo sư văn học Pháp thế kỷ 20 tại Đại học Paris-Nanterre, bà Laurence Campa, cho rằng: “Có thể nói Điện Biên Phủ là góc chết trong văn học Pháp. Tôi đã tìm hiểu xem tại sao lại như vậy. Cũng giống như cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương, chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là đề tài của những tác phẩm văn học lớn ở Pháp.

Đương nhiên, chúng ta có thể nói là vì người Pháp đã thua trận ỏ Điện Biên Phủ, nói về thất bại bao giờ cũng khó hơn là nói về thành công. Nhưng thực ra không hẳn như vậy. Trận chiến Waterlo chẳng hạn, Napoleon đã thất bại, nhưng Standal đã viết rất nhiều về đề tài này trong cuốn Tu viện thành Parme, Victor Hugo đã dành phần lớn tác phẩm Những người khốn khổ và một tập thơ của ông để nói về đề tài này. Vì vậy nên tôi nghĩ rằng nếu như Điện Biên Phủ có phần bị lãng quên thì chính là bởi vì không có tác phẩm văn học nào đủ lớn để nuôi dưỡng trí tưởng tượng và ký ức tập thể về sự kiện này.” - Giáo sư Laurence Campa khẳng định.

Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt - ảnh 2Tiểu thuyết Điện Biên Phủ của nhà thơ, tiểu thuyết gia Marc-Alexandre Oho Bambe  - Ảnh: .livresselitteraire.com 

Nhưng mới gần đây, có tiểu thuyết Điện Biên Phủ của nhà thơ, tiểu thuyết gia Marc-Alexandre Oho Bambe xuất bản năm 2018, đã đoạt giải Louis Guilloux cùng năm. Anh kể lại, anh đã thai nghén sáng tác trong nhiều năm. Với Bambe, ba tiếng “Điện Biên Phủ “ là một điều gì rất tuyệt vời, bắt nguồn cảm hứng từ câu chuyện mà ông nội kể lại. Ông là người Cameroon, cũng như bao nhiêu người lính Pháp khác bị đẩy vào vòng xoáy của chiến tranh với Việt Nam, nhưng trong địa ngục trần gian đó, ông đã tìm thấy chiếc phao cứu mình ra khỏi bùn lầy, ấy là tình người xuyên biên giới. Oho Bambe nói: “Giờ đây, trong các cuộc hội ngộ của mối quan hệ Pháp - Việt, lời kể của những con người đã đi qua chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho tôi. Nói chuyện với các cựu chiến binh Việt Nam, nhìn ánh mắt của họ, nghe giọng của họ, y như cách kể của ông nội tôi vậy. Tôi hiểu rằng, rất nhiều người lính trong hàng ngũ quân viễn chinh đã nhận ra họ không cần phải là anh hùng của nước Pháp”.

"Đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ văn nghệ sĩ -  đặc biệt ở văn học và hội họa"

Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt - ảnh 3 Tác phẩm Người người lớp lớp của nhà văn Trần Dần về Điện Biên Phủ, NXB Văn nghệ xuất bản năm 1955.

Ở chiều ngược lại, văn chương Việt Nam, đã có những bước thay đổi lớn từ ảnh hưởng của hào khí Điện Biên Phủ.

Theo nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch, phải kể đến “Người người lớp lớp” của Trần Dần: “Đó là một cuốn tiểu thuyết khai mở cho một huyền thoại về Điện Biên Phủ trong tâm thức của những người Việt Nam. Và nó cũng là một quyển tiểu thuyết bắt đầu cho một lối viết hoàn toàn mới về Điện Biên Phủ. Quyển tiểu thuyết này là một câu chuyện không có truyện. Nó là một bức mosaic được khảm bởi rất nhiều những bức chân dung con người -  là những người lính đã tham gia vào trận Điện Biên Phủ, thuộc nhiều thành phần giai cấp khác nhau. Chính vì sự tham gia của một số lượng người rất đông đảo như thế, nên mới có cái tên "Người người lớp lớp", có thể tưởng tượng như những lớp sóng nối tiếp nhau trong một cơn bão làm thay đổi thế giới.”

Có thể nói cuối những năm 50, đầu những năm 60, cuộc kháng chiến chống Pháp và trận Điện Biên Phủ đã là một nguồn cảm hứng rất quan trọng cho một thế hệ văn nghệ sĩ và họ đã làm nên những giá trị hết sức độc đáo của văn học nghệ thuật Việt Nam: “Trận Điện Biên Phủ đối với văn học nghệ thuật Việt nam không chỉ là một biến cố lịch sử, mà nó đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ văn nghệ sĩ, đặc biệt ở các ngành văn học và hội họa, Rất nhiều người sau đó sẽ trở thành những trụ cột chính thống của văn học nhà nước, chẳng hạn như Nguyễn Đình Thi. Có thể nói Nguyễn Đình Thi là một đứa con của Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Pháp.

Nhưng cũng có rất nhiều người sau này, những nghệ sĩ như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái (nhà văn) Nguyễn Xuân Khánh, đặc biệt những người cùng thời với Trần Dần như Hoàng Cầm, Lê Đạt hay Phùng Quán. Có những người vắt sang cả giai đoạn sáng tác của chiến tranh chống Mỹ, và họ cũng mang đến những sự đổi mới rất độc đáo của văn chương, điển hình như nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Tất cả những văn nghệ sĩ này là những người sinh vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20. Họ được thụ hưởng nền giáo dục thuộc địa của nước Pháp. Khi họ 15-16 tuổi thì đã chứng kiến sự sụp đổ của nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Qua con đường tiếng Pháp, họ đã tiếp nhận văn hóa phương Tây, kể cả văn hóa mac-xit. Và cuộc cách mạng chắp cánh cho họ, mang đến cho họ khát vọng về một cuộc cách mạng nghệ thuật, một khát vọng làm nên một nền nghệ thuật hiện đại kiểu Việt Nam.

Có thể nói khó có thể hình dung về nghệ thuật Việt Nam hiện đại nếu thiếu những người như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, kể cả Nguyễn Đình Thi. Chúng ta thật vinh hạnh khi biết rằng bức tranh của Nguyễn Sáng về chính trận Điện Biên Phủ đã được coi là một trong bốn bảo vật quốc gia của Việt Nam. Đó là bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.” – Ông Phạm Xuân Thạch khẳng định.

Điện Biên Phủ trong văn học Pháp – Việt - ảnh 4Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng, một trong những tác phẩm "Bảo vật quốc gia" của Việt Nam.

Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch, có một thời kỳ đề tài Điện Biện Phủ trong văn học lắng xuống, do cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt kéo dài ngay sau đó  

Nhưng ngày nay, nhiều tác phẩm nghiên cứu, văn học được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại. Những nhà văn Pháp và Việt Nam, ngược dòng lịch sử, đã và đang tiếp tục tìm kiếm những ký ức để kể câu chuyện Điện Biên Phủ hôm qua và hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác