Đôi điều về phê bình kí hiệu học văn học ở nước ta

(VOV5) - "Phê bình ký hiệu học” là công trình đầu tiên vận dụng lý thuyết kí hiệu học vào nghiên cứu văn học hiện đại và đương đại Việt Nam.

Ký hiệu học được áp dụng trong mọi nghiên cứu về khoa học xã hội – nhân văn và nghệ thuật, trong đó có văn học. Cùng là giải mã ký hiệu, nhưng ký hiệu học văn học được tiến hành như thế nào? Lý thuyết về kí hiệu học được giới thiệu và vận dụng trong nghiên cứu văn học ở nước ta có bước đi ra sao?

"Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” - Cuốn phê bình ứng dụng của PGS – TS La Khắc Hòa vừa ra mắt, do NXB Phụ nữ ấn hành.

Đôi điều về phê bình kí hiệu học văn học ở nước ta - ảnh 1

Tiếp cận văn học dưới góc độ ký hiệu học là rất khó – Đây là điều đầu tiên mà PGS – TS La Khắc Hòa khẳng định. Có lẽ vậy, nên khi viết về tiểu thuyết “Miền hoang”, ông chỉ đặt một tiêu đề khiêm tốn “Tôi đọc Miền hoang của Sương Nguyệt Minh”: “Tiếp cận văn học dưới góc độ ký hiệu học rất khó, vì có những bình diện không dùng ký hiệu học thì không tìm được nghĩa của nó. Trong quyển của tôi có bài Tôi đọc miền hoang của Sương Nguyệt Minh. Tôi tin tất cả những người không đọc cuốn sách của anh Sương Nguyệt Minh dưới góc độ ký hiệu học, thì có một cuộc đối thoại họ không bao giờ để ý, nhưng tôi xem đó là cuộc đối thoại tạo ra nghĩa thú vị của cuốn tiểu thuyết mà không cuốn tiểu thuyết nào có. Đó là cuộc đối thoại giữa truyền thông và cuộc đối thoại giữa tiểu thuyết.

Trong cuốn tiểu thuyết đó có 4 nhân vật tường thuật, đã tạo thành cuộc đối thoại rồi. Nhưng cuộc đối thoại đó không quan trọng bằng việc chương nào ông cũng mở đầu bằng một đoạn đề từ, mà đề từ tức là thông cáo báo chí. Bao giờ cũng là một thông tin hoàn kết tất cả mọi sự việc. Xong thông tin hoàn kết ấy, mới mở ra thông tin tiểu thuyết ở giữa. Tôi tin nếu như người không có ý thức đọc tác phẩm từ góc độ ký hiệu học, không để ý cuộc đối thoại ấy. Mà xét về nghĩa, đó là cuộc đối thoại quan trọng nhất của cuốn tiểu thuyết đó.” PGS La Khắc Hòa khẳng định,

La Khắc Hòa cũng tiết lộ chi tiết rằng ông đã dành 20 năm để ấp ủ bài viết “Nguyễn Tuân – nhà văn của hình dung từ”. Trong bài này, có đoạn ông viết: “Thì ra, mọi sự độc đáo ở văn Nguyễn Tuân có gốc gác ở hình tượng nghệ thuật, chứ không phải ở các motip truyện kể, hay yếu tố trò diễn… Đúng là Nguyễn Tuân giỏi mô tả hơn kể chuyện. Mà ông kể chuyện chẳng qua cũng là để mô tả. Chất liệu chủ yếu cần được sử dụng để mô tả hình tượng chỉ có thể là hình dung từ…”.

Tồn tại trong thế giới, công việc sáng tạo của nhà văn là quan sát các hệ thống kí hiệu rồi kiến tạo nên một tổ chức kí hiệu – còn gọi là tác phẩm văn học. Và đến người đọc, người phê bình, họ lại giải mã các kí hiệu trong tác phẩm. Đó là quan niệm về sáng tạo và phê bình văn học soi chiếu bởi lý thuyết ký hiệu học.

Kí hiệu học văn học là một trong những khuynh hướng nghiên cứu văn học giàu tiềm năng, đáng được quan tâm hiện nay. Đây là khuynh hướng bám sát vào ngôn ngữ tác phẩm – điều mà phản ánh luận - khuynh hướng đang ngự trị trong nghiên cứu văn học hiện nay còn hạn chế. Tuy nhiên, với mỗi tác phẩm, người nghiên cứu phải tìm được ngôn ngữ riêng, cách tiếp cận riêng. Quá trình đọc tác phẩm như là một quá trình tái thiết ngôn ngữ, đồng sáng tạo cùng nhà văn. Đây là điều nhà nghiên cứu La Khắc Hòa tâm đắc.

Thứ nhất ký hiệu trong văn học là hệ thống ký hiệu gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Gián tiếp thì làm sao mình biết được nhà văn định nói cái gì? Thứ hai nhà văn toàn nói bằng giác quan bên trong, gửi giác quan bên trong ra, thì làm sao ta hiểu được. Thứ ba chữ nào cũng nói bóng, không có tham chiếu ở ngoài . Nên việc đến với tác phẩm văn học, tìm được ngôn ngữ của nhà văn, giống như đi tìm một cái tử ngữ. Nên tôi mới có phụ đề Đọc văn học như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Ngôn ngữ nhà văn tạo ra một lần, một lần cho đi, và mình phải tái thiết lại nó. Mỗi người có một cách tái thiết hệ thống ngôn ngữ đó.”

Lý thuyết về ký hiệu học khởi đầu từ giữa thế thế kỷ 19 và từ những năm 80 của thế kỉ trước, ký hiệu học được coi là phương pháp luận chung cho toàn bộ khoa học xã hội và nhân văn. Ở nước ta, một số lý thuyết kí hiệu học cũng được dịch ra tiếng Việt từ thế kỷ trước và người đầu tiên vận dụng lý thuyết ký hiệu học vào nghiên cứu chất thơ trong tục ngữ ca dao là cố giáo sư – viện sỹ Hoàng Trinh, song không được chú ý ở thời điểm đó. Một số công trình về lý thuyết kí hiệu học cũng đã được xuất bản gần đây, ví dụ cuốn “Từ ký hiệu đến biểu tượng” của tiến sỹ Trịnh Bá Đĩnh.

Theo tiến sỹ Trần Thiện Khanh, dù lý thuyết ký hiệu học không còn xa lạ với thế giới, nhưng với nước ta, việc nghiên cứu vận dụng mới chỉ bắt đầu, và không mấy khả quan: “Theo tôi ở Việt Nam phê bình ký hiệu học với các công trình dịch thuật và nghiên cứu, thực hành thời gian gần đây mới chỉ là bắt đầu. Đây cũng là một hướng hứa hẹn nhiều khám phá mới, những cách đọc mới, cái văn bản văn học quá khứ. Trong việc giới thiệu lý thuyết này ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nghèo nàn. Người ta dường như chỉ ấn tượng, biết đến một lý thuyết ký hiệu học của Nga, còn các xu hướng, các lý thuyết khác về ký hiệu học rất ít được biết đến, đương nhiên việc thực hành cũng khá là xa vời. Vì nó là một xu hướng khá khó trong việc thực hành. Bây giờ bảo là phổ thông xu hướng này, là điều không khả thi lắm.”

Với “Phê bình ký hiệu học” của nhà nghiên cứu La Khắc Hòa, có thể coi đây là công trình đầu tiên vận dụng lý thuyết kí hiệu học vào nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học hiện đại và đương đại Việt Nam, mở ra một hướng nghiên cứu mới, bên cạnh các hướng phê bình đã và đang tồn tại như phê bình phản ánh luận, phê bình thi pháp học, phong cách học, phân tâm học, phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền hay hậu thực dân…

Phê bình ký hiệu học có tính bao trùm, phát triển thành nhiều nhánh, và hệ thống ký hiệu thay đổi theo thời gian. Đó là điều mà tiến sỹ Trần Ngọc Hiếu muốn chia sẻ, theo xu hướng nghiên cứu liên ngành: “Nghiên cứu ký hiệu học có nhiều nhánh. Các khuynh hướng nghiên cứu bây giờ đều trên nền tảng của ký hiệu học. Nếu có một điều gì đáng kể, theo quan sát của tôi thì có lẽ phải bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, ta sẽ thấy những khuynh hướng phê bình trên thế giới nó không được gọi tên bằng những cái tên rất trừu tượng, ví dụ như chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức, phân tâm học...Mà đúng là thời đại giải thể đại tự sự, thì các lý thuyết thường gắn với nội dung rất cụ thể, thậm chí dường như phê bình gắn liền với các chủ đề nữa. Mà đã là phê bình chủ đề thì người ta phải xem các chủ đề đó được kiến tạo bằng các ký hiệu như thế nào và quan trọng hơn là các quy tắc để kiến tạo lên nó".

Quá trình đọc, nghiên cứu tác phẩm văn học là một quá trình sáng tạo tiếp nối, mở ra những hệ ngữ nghĩa mới, khiến chính bản thân nhà văn cũng bất ngờ và thú vị. Đưa lý thuyết vào thực hành là một quá trình. Kết quả thực hành được vận dụng vào đời sống như thế nào lại là việc khác. Nếu những nghiên cứu góp phần nâng cao vị thế của văn chương nghệ thuật, trả lời được câu hỏi văn học đang ở đâu, đang có tác động ra sao trong cuộc sống này… Hẳn đó là điều mà người đọc rất quan tâm!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác