Gặp lại Phan Vũ trong “Ta còn em“

(VOV5) -  “Ta còn em” – câu bắt đầu điệp khúc trong bài hát “Em ơi Hà Nội phố” đã được lấy làm tựa đề cho tập thơ mới đây của nhà thơ Phan Vũ. Tập thơ có lẽ sẽ mang đến một cái nhìn đa diện hơn về người nghệ sĩ tài hoa này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

21 câu hát của Em ơi Hà Nội phố đã quen thuộc với nhiều người khi nghĩ về một Hà Nội đẹp bình yên, lãng mạn. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết đến, nó rút ra từ một bản trường ca gồm 442 câu thuộc 23 khổ thơ của Phan Vũ. 23 khổ thơ này được ví giống như 23 bức hoạ tái hiện toàn bộ những ký ức và kỷ niệm của nhà thơ với thủ đô yếu dấu. Năm 2010, lần đầu tiêntiên Phan Vũ đọc bài thơ này trước đông đảo khán giả thủ đô trong đêm thơ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại thư viện Hà Nội.

Gặp lại Phan Vũ trong “Ta còn em“ - ảnh 1 Bìa tập thơ Ta còn em

Nhà văn Trương Quý cho rằng: “Những người làm nghiên cứu xã hội học hay về văn hóa nhất thiết không thể bỏ qua hiện tượng Em ơi Hà Nội phố. Nhờ bài hát đã chắp cánh cho lời thơ được đi xa hơn, nhưng ngược lại người ta cũng có nhu cầu truy nguyên bản gốc, xem quá trình sáng tạo bài thơ đó là một quá trình liên tục, không phải tác giả viết một lúc 23 khổ thơ trong năm 1972 mà là trong một thời gian khá dài. Bài thơ như nhật ký về một quãng đời ở Hà Nội”

Không chỉ là một nhà thơ, Phan Vũ còn là một đạo diễn, biên kịch và hoạ sĩ. Chính vì lẽ đó thơ ông đầy chất hoạ. Và Hà Nội luôn là một đề tài trở đi trở lại, ám ảnh trong thơ của ông. Phan Vũ đã từng tâm sự: “Năm 19 tuổi đến nay tôi cứ đi lang thang Hà Nội, nhất là ngày tôi đi cùng Bùi Xuân Phái, ông ta vẽ phố và tôi nghĩ về phố. Cả hai đều mê mẩn với những sắc màu của Hà Nội. Thật ra tôi đã mất nhiều thứ ở Hà Nội nhưng vẫn còn một cái gì đó không thể nào ai lấy đi được. Còn em đó là mùi hoa sữa, mùi hoàng lan, những ngôi sao lạc trên khung cửa sổ, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Những cái đó không mất, và nghìn năm còn đây mãi mãi Việt Nam”

Khi ông sáng tác Em ơi Hà Nội phố năm 1972 là lúc quân đội Mỹ ném bom tại thủ đô. Những gì ông trong thơ lại là một Hà Nội yên bình thơ mộng, như nhà thơ Du Tử Lê nói, đó là “những hình ảnh tương phản ngột ngạt” với “một Hà Nội trống hoắc, chết nghẹn, hoang vu”. Ba tiếng “Ta còn em” trong từng đoạn như những hoài niệm thương yêu luôn còn sống động trong tâm hồn nhà thơ.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người bạn vong niên của Phan Vũ chia sẻ: “Có thể chỉ một trường ca đó thôi, làm cho anh Phan Vũ sống mãi. May thay trường ca Em ơi Hà Nội phố thể hiện đầy đủ tính chất của người Hà Nội. Tôi không hiểu sao anh Vũ lại viết được như thế khi đây không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của anh ấy. Anh ấy có lẽ ở Hà Nội không nhiều đâu, nhưng chất Hà Nội thấm vào từng huyết quản của anh. Một người yêu Hà Nội đến đắm say, khủng khiếp thì mới viết ra những điều như thế. Đọc Em ơi Hà Nội phố, có thể Hà Nội không biết, không cần đến Phan Vũ, nhưng Phan Vũ cần Hà Nội. Hà Nội như một chất men say giúp cho anh ấy làm nên sự nghiệp”

Gặp lại Phan Vũ trong “Ta còn em“ - ảnh 2 Nhà thơ Phan Vũ

Phan Vũ là một nghệ sĩ tài hoa và am hiểu sâu sắc về văn hoá, thế nên nếu nhắc đến Phan Vũ chỉ nhớ đến Em ơi Hà Nội phố có lẽ sẽ là một thiệt thòi lớn cho ông. Bởi. Ở tập thơ Ta còn em, nếu phần 1 là trọn vẹn trường ca Em ơi Hà Nội phố thì phần 2 là những tác phẩm đặc sắc, mang tính “Phan Vũ nhất” nhưng chưa từng được biết đến rộng rãi. Những bài thơ xoay quanh 3 chủ đề: tình yêu, thế sự và những bức chân dung tự hoạ bằng thơ.

Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ, biên tập viên của cuốn sách chia sẻ: “Khoảng cuối năm ngoái, bằng cái duyên nào đó mà bản thảo của Phan Vũ đã đến tay tôi. Trước đó chúng ta đều nghe về Phan Vũ, đều biết về Em ơi Hà Nội phố. Thế nhưng khi tôi tìm hiểu về ông ngoài loáng thoáng đôi chút bài thơ đâu đó, và người ta kể chuyện về cuộc đời của ông nhiều hơn. Khi cầm trên tay bản thảo tôi thấy khá bất ngờ vì Phan Vũ có nhiều hơn là chỉ có Em ơi Hà Nội phố, người ta cũng nói về bản trường ca đó mà quên đi những bài thơ khác cũng rất sâu sắc, cho thấy một Phan Vũ đa diện hơn. Chính vì thế tôi muốn là tập thơ dày dặn, đẹp và xứng đáng với vị trí của Phan Vũ".

Trong thơ của mình, Phan Vũ chú ý đến việc phối hợp những mảng màu mạnh. Đó là “màu thanh thiên lẫn trong huyết dụ”, “bờ môi đậm đỏ bích đào” hay “gót son dập dìu đại lộ”… Là một người nghệ sĩ tài hoa, Phan Vũ nhìn đời sống qua tư duy hội hoạ nên thơ ông rất giàu hình ảnh. Thậm chí, ông còn có những bài thơ chân dung tự hoạ và phác hoạ bóng hồng yêu dấu cuộc đời mình.

Phan Vũ giống như một người lãng tử hào hoa, người say mê nghệ thuật, và hơn cả, dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng tình yêu của ông dành cho Hà Nội đủ để khiến những con người thủ đô phải suy nghĩ, liệu mình đã hiểu hết Hà Nội hay chưa?

Phản hồi

Các tin/bài khác