Hiệu Constant và tiểu thuyết mới À bientôt - Hẹn gặp lại

(VOV5)- Hiệu Constant cho biết, đây là tác phẩm chị nung nấu từ rất lâu, một tác phẩm như cuộc hội thoại về văn hóa đông tây mà đại diện là nước Pháp và Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mấy năm trở lại đây, tên tuổi Hiệu Constant được bạn đọc Việt Nam biết tới với vai trò dịch giả của nhiều đầu sách Pháp nổi tiếng sang tiếng Việt, cũng như là tác giả những cuốn tiểu thuyết Đường vắng, Côn Trùng, Đời du học.

Hiệu Constant và tiểu thuyết mới À bientôt - Hẹn gặp lại - ảnh 1
Tác giả Hiệu Constant


A Bientôt vừa ra mắt tại Việt Nam, do Bách Việt và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Hiệu Constant cho biết, đây là tác phẩm chị nung nấu từ rất lâu, một tác phẩm như cuộc hội thoại về văn hóa đông tây mà đại diện là nước Pháp và Việt Nam. Tác phẩm này xuất phát từ "duyên gặp gỡ kỳ ngộ" với một nhân vật mà tác giả rất ngưỡng mộ, nhưng như Hiệu Constant tâm sự:"Nội dung tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Cuốn sách này hoàn toàn khác với những cuốn trước đây của tôi, khác cả về mặt văn phong và cách thể hiện. Khi viết xong tác phẩm tôi cảm thấy mệt mỏi, trống rỗng và sợ. Bởi vì tình cảm của mình tôi dồn vào đấy rất nhiều và có những trang viết tôi vừa viết vừa quá thương nhân vật của mình và đã khóc vì thương cảm cho thân phận của họ. Tôi muốn viết một tác phẩm nào đó có sự đan xen của hai nền văn hóa, ví dụ như trong tác phẩm này là sự giáo dục: giáo dục con cái, giáo dục học đường…Nhưng phải tìm ra sự kiện, nhân vật sao cho phù hợp. Cách đây một thời gian tôi tìm ra nhân vật của mình và tôi bắt đầu bắt tay vào viết tác phẩm. Khi tôi tìm thấy hai nhân vật của mình, họ xứng tầm và có thể đại diện cho mỗi một nền văn hóa để nói lên suy nghĩ mà họ có thể đại diện."


Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc gặp! Cuộc gặp gỡ của một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam và một nhà báo người Việt. Họ có một mối duyên gặp gỡ từ lâu, khi viên đại sứ nhậm chức ở Việt Nam. Khi đó, một vùng của Việt Nam bị lũ lụt. Ông đại sứ cùng đoàn ngoại giao đi cứu trợ. Và ở một làng quê, khi phát quà cho những em nhỏ, ông nhận ra hầu hết đám trẻ đều rất thích thú, tò mò chạy xung quanh những người khách lạ, nhưng riêng một cô bé đầu tóc bù xù, mặt mũi nhem nhuốc chỉ chăm chăm đứng nhìn đại sứ: "Ông giữ lại phần quà trao cho bé gái đó và ông có nói : ngoan nhé, học giỏi nhé và giúp đỡ bố mẹ, sau này sẽ thành công  A Bientôt (tức là Hẹn gặp lại. ) Chính câu Hẹn gặp lại của ông, đã làm thay đổi cả suy nghĩ trẻ thơ của đứa bé. Còn bé thì nó gắng học giỏi, lớn lên thì gắng sức thành người mà có thế làm gì đó để xứng tầm với câu nói của ngài đại sứ." - Hiệu Constant nói.

Hiệu Constant và tiểu thuyết mới À bientôt - Hẹn gặp lại - ảnh 2

Cuộc gặp lại của hai người không tình cờ. Cô bé con năm nào đã thành một nhà báo giỏi, và nhân sự kiện một hội thảo được tổ chức tại Pari về mối quan hệ Việt Nam – Pháp – Châu Âu kể từ 1954 đến giờ, cô đã tìm cách tham dự, đưa tin để tìm lại ngài đại sứ, để nói với ông lời cảm ơn, vì những hình ảnh đẹp đẽ của ký ức được lưu lại, vì một câu nói đã gợi cho cô ước mơ và khát vọng để trưởng thành trên đường đời. Cuộc gặp của họ là bối cảnh để tiểu thuyết bắt đầu, là cái cớ để những dòng hồi ức đan xen của hai nhân vật chính tuôn trào.

Hiệu Constant cho biết:“Vì tôi hiểu Việt Nam và cũng hiểu Pháp, tôi muốn làm sao cho nhân vật của mình diễn tả được nền văn hóa Pháp, người đàn ông Pháp lịch lãm, dí dỏm, hài hước, thông minh, có học thức, với cô gái Việt Nam hiện đại, thông minh, năng động. Từ đầu đến cuối tác phẩm vai trò của hai nhân vật chính bị đảo lộn. Cựu đại sứ giờ đã là một nhà ngoại giao rất tên tuổi ở Pháp. Ông hoàn toàn chủ động khi cô gái xin phép phỏng vấn riêng ông. Nhưng qua thời gian, cô nhà báo hoàn toàn chủ động. Kết thúc câu chuyện ông đại sứ quyết định sang Việt Nam để tìm gặp cô. Trong suốt chiều dài tác phẩm, quá khứ và hiện tại hoàn toàn đan xen nhau như một màn kịch. Cuộc hội thoại trực tiếp của hai người rất ngắn, và mỗi người lại chìm sâu vào quá khứ, đi vào quá khứ của mình, theo những dòng quá khứ thì bạn đọc có thể hình dung ra được mối quan hệ mẹ con, gia đình, mối quan hệ học đường ở Việt Nam và Pháp khác nhau như thế nào.”

Như lời tự sự trong tiểu thuyết của nhân vật ngài đại sứ, một người từ phương trời xa lạ tình cờ đến và rồi bị mảnh đất này níu chân: “Việt Nam, kể từ khi tôi biết vùng đất nho nhỏ nằm mất hút trong vùng Đông Nam châu Á, thì tôi đã dành cho nơi đó một tình yêu đặc biệt. Một đất nước mà nếu được sinh ra và lớn lên ở đó, tôi sẽ khó có thể chịu đựng nổi những khó khăn và thách thức của cuộc sống”…

À Bientôt… như một lời hẹn gặp lại.

Phản hồi

Các tin/bài khác