Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa

(VOV5) - Chất thơ lãng mạn và mềm mại là điều rõ nét nhất trong tranh lụa của họa sĩ Mai Long.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 1 Hoạ sĩ Mai Long
“Tôi quan niệm nghệ thuật tạo ra cho cuộc sống sự bình thản, nhẹ nhàng nhất. Phần lớn tranh của tôi đi vào miêu tả những điều êm đềm nhẹ nhàng và vào lụa rất thích hợp” - Hoạ sĩ Mai Long tâm sự.

Ở tuổi 90, cái tuổi xưa nay hiếm, họa sĩ Mai Long vẫn miệt mài trên giá vẽ, vẫn rung cảm trước những bình dị trong cuộc sống. Họa sĩ Mai Long thuộc thế hệ họa sĩ được đào tạo và trưởng thành trong thời kháng chiến chống Pháp. 

Ông là một trong số 21 học viên của khoá Mỹ thuật kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo. Họa sĩ Mai Long tâm sự, trong những năm học, điều ông trân quý và tự hào nhất là có được tình yêu nghề nghiệp của người thầy. Khi hoà bình lập lại, họa sĩ Mai Long mới bắt đầu tập trung vào tranh lụa. Đến nay ông đã vẽ được hàng ngàn bức tranh lụa.

Hoạ sĩ Mai long nói: “Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan toả, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao”.

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 2

Chất thơ lãng mạn và mềm mại có lẽ là điều rõ nét nhất trong tranh lụa của họa sĩ Mai Long. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm tranh lụa duyên dáng và đầy sức quyến rũ, mê hoặc. Ông vẽ rất nhiều tranh với nhiều thể loại khác nhau nhưng không nhất quán theo trường phái nào, mà thường theo cảm xúc cá nhân. Non nước Việt Nam hiện ra trong những buổi sớm sương mù mờ ảo hay buổi chiều tà hoàng hôn bảng lảng, nhạt nắng. Hay chân dung của người phụ nữ Việt hiền hậu bình dị. Cũng có khi là câu chuyện tình buồn, trong sáng của Thúy Kiều, Kim Trọng…

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 3
“Tôi vẽ thường xuyên, nó là công việc hàng ngày, khi nào chưa nảy nở được đề tài để vẽ thì mình buồn lắm, có khi lại sinh đau ốm. Cái chính mình khoẻ là do mình được làm việc cụ thể hàng ngày trên tranh”. - Hoạ sĩ Mai Long nói.

Chỉ biết rằng, khi xem tranh của Mai Long có lẽ mỗi người tìm về cảm giác thư thái, tự tại tận sâu trong tâm hồn mình. Với tinh thần thừa kế mỹ thuật truyền thống một cách sáng tạo kết hợp cùng trí tưởng tượng phong phú bay bổng, họa sỹ Mai Long đã đạt tới sự dung dị trong bút pháp và xử lý màu sắc. Họa sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: "Hoạ sĩ Mai Long là một tên tuổi quen thuộc với giới mỹ thuật thủ đô. Ông có nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực như hoạt hình, sách mỹ thuật cho trẻ em, cho đến lĩnh vực lụa, sơn mài…

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 4

Đặc biệt tranh lụa ông vẽ rất nhiều. Hoạ sĩ Mai Long là một hoạ sĩ tài năng, nên dù vẽ trên những chất liệu khác nhau nhưng phong cách của ông những người đã từng xem đều nhận ra được ngay. Vẽ tranh lụa rất thơ. Vẽ tranh chân dung rất duyên. Vẽ tranh về miền núi nêu bật  được tính cách chủ yếu của người Thái, người Mông – hai dân tộc ông tiếp xúc những năm ông công tác ngoài Bắc”.

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 5 Hoạ sĩ Mai Long và đồng nghiệp trong buổi triển lãm tranh gần đây của ông tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn.

Bấy lâu nay, ở Việt Nam, hội họa là một nghề vô cùng khắc nghiệt. Từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, những tên tuổi có tiếng đứng vững trong làng tranh lụa không nhiều, trong đó có họa sỹ Mai Long. Ông phải thừa nhận rằng, tranh lụa luôn là một chất liệu khó làm, nên cho đến nay ít hoạ sĩ trẻ tìm đến tranh lụa. Nó đòi hỏi kỹ năng diễn tả từ hình hoạ cho đến làm màu trong tranh. Làm sao để màu sắc luôn giữ được nét trong trẻo và lan toả ? Làm sao để vẫn giữ được nét ý nhị, mơ màng vốn có của tranh lụa ? Vẽ tranh đến nay đã nửa thế kỷ, hoạ sĩ Mai Long mới có thể nhuần nhuyễn sáng tạo trên lụa như vậy.

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 6

Ông tâm sự:“Tôi có một bài viết trên Tạp chí Mỹ thuật về tranh lụa. Nhiều người vẽ tranh lụa nhưng chỉ là vẽ trên mặt lụa. Tranh lụa đòi hỏi một không gian lan toả đòi hỏi phải vẽ công phu, phải rửa. Định vẽ một màu, phải vẽ đến hàng chục lần mới ra được không gian huyền ảo đó. Chỉ vẽ một lần như sơn dầu thì không thể ra được chất của tranh lụa. Vẽ xong lại rửa, vẽ xong lại rửa, có những độ mình phải vẽ hàng chục lần mới ra hiệu quả mình mong muốn”.

Hoạ sĩ Mai Long: nửa thế kỷ bay bổng cùng lụa - ảnh 7Khai mạc triển lãm tranh Mai Long và Trương Văn Ý tại Nhà triển lãm Chọn

Với hoạ sĩ Mai Long vẽ luôn là niềm đam mê bất tận. Tranh lụa của ông triển lãm ở nhiều nước trên thế giới và được công chúng đón nhận chân thành. Có nhận định cho rằng, những tác phẩm tranh lụa của Mai Long đã góp phần nói lên được số phận, tính cách đặc thù của con người Việt, dân tộc Việt. Quả thực, bất cứ ai, có lẽ nếu đã là người Việt Nam, hẳn khi xem tranh Mai Long, đằng sau những bảng lảng, mơ màng dường như sẽ cảm thấy những giá trị thật gắn bó, gần gũi…

Tin liên quan

Phản hồi

Đào quốc việt

Xin địa chỉ của hoạ sĩ Mai Long

Các tin/bài khác