Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt

(VOV5) - Nguyễn Sỹ Ngọc "càng chiêm nghiệm thì càng phát hiện ra những vẻ đẹp mới của con người Việt Nam."

Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc là một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam, người đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay đợt trao tặng thứ hai.

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 1Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1918-2018), ngày 25/12, Hội mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, khi nhìn lại những đóng góp của Nguyễn Sỹ Ngọc với lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 2 Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, người được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét là "đỉnh cao hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam"

Sinh ra tại Thanh Trì (Hà Nội), Nguyễn Sỹ Ngọc từng theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII. Suốt cuộc đời mình, ông luôn đồng hành cùng nền mỹ thuật Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau: Phụ trách công việc ở đoàn kịch kháng chiến thời chống Pháp, làm giảng viên tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, làm họa sĩ cho báo Văn nghệ...

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội mỹ thuật Việt Nam trong bài báo trên Thể thao văn hóa về họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã gọi ông là “Một cây bút minh họa kỳ tài”: “Nổi bật nhất trong các sáng tác của Sỹ Ngọc là các tác phẩm thể hiện hình tượng người lính quân đội nhân dân Việt Nam, tình quân dân cũng như cảnh lao động sản xuất của công nhân ở vùng than. Ngoài ra, ông còn làm công việc vẽ tranh minh họa cũng như tham gia viết bài về các đề tài mỹ thuật.”

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 3Bức tranh Tình quân dân của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc. 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc thuộc những thế hệ đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Có thể nói thời kỳ cống hiến đẹp đẽ, thầm lặng nhất của ông là gắn bó với hiện thực cuộc sống. Hình tượng người công nhân xuất hiện trong tranh ông với một ánh nhìn trìu mến của người nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng ông thấu hiểu tâm hồn người Việt. Và ông đã nhìn ra những nét đẹp đẽ nhất trong tâm hồn họ để thể hiện qua hình tượng anh trai làng, cô công nhân mỏ hay những bà bủ, bà bầm... Cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những tháng năm chiến tranh ác liệt ông cũng có mặt ở khu 4. Những ký họa của ông cũng ghi lại những vẻ đẹp của những người đàn ông, đàn bà Việt trong chiến tranh. Bây giờ nhìn lại những ký họa một thời ấy của ông, những thế hệ sau vẫn thấy xúc động. Bởi không có tình cảm, tình yêu của người nghệ sĩ thì không thể có những nét đẹp như vậy được ghi, giữ lại trên mặt giấy nhỏ.”

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 4Chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam, đăng trên báo Văn nghệ số 481 (ngày 1/1/1973). 

Ngay từ khi còn trẻ, với năng khiếu mỹ thuật và tự học, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã có tác phẩm được tặng bằng khen tại triển lãm Mỹ thuật của SADEAI lần thứ 3 năm 1937. Sau đó 2 năm, ở tuổi 21, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương khóa 13 và tốt nghiệp khoa Hội họa niên khóa 1939 – 1944. Mỹ thuật Đông Dương là thời kỳ vàng để Nguyễn Sỹ Ngọc và các họa sĩ đồng môn tiếp nhận nghệ thuật Châu Âu và sau đó tìm ra lối đi cho riêng mình.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng: “Tranh của Nguyễn Sỹ Ngọc có bút pháp phóng khoáng, sống động và có sức truyền cảm mạnh mẽ, tài hoa trong đường nét và màu sắc”.

Trong bài tham luận tưởng nhớ họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến nhận xét: “Tranh sơn mài của ông luôn mang một phong cách riêng. Bút pháp sơn mài của ông là những khối hình gọn ghẽ, thuyết phục chủ đề, tuyên ngôn của ông là Màu, là hình khối. Bởi thế, trên tranh họa sĩ Sỹ Ngọc ngổn ngang nhân vậy, sự kiện khu trú trên một cảm thức nghệ thuật của riêng ông” “Thập niên 60, 70 khi các bạn dùng chất liệu sơn mài mô tả phong cảnh thiên nhiên êm đềm lãng mạn, thì Sỹ Ngọc chọn những nhân vật sống giữa đời thường vạm vỡ, khỏe mạnh từ anh công nhân trong Mỏ Đèo Nai đến chị người Thái trong Vò lúa giã gạo...”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến nhận xét, dù gánh nhiều vai khác nhau, nhưng Nguyễn Sỹ Ngọc trước hết vẫn là một họa sĩ say nghề. Ông thuộc lớp nghệ sĩ đi đầu của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, và có nhiều tác phẩm. Trong số đó, hiện nay Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đã sưu tập được 27 bức, tuy không đầy đủ, nhưng phần nào gắn với các giai đoạn sáng tác của ông: “Ông thường xuyên ký họa, ghi chép tích lũy sáng tác, và dành nhiều cho sơn mài. Bút pháp của ông phóng khoáng, không tỉa chi li mà sâu lắng, không bận tâm kiểu cách, mà giữ liền mạch trọn vẹn một phong cách hiện thực, gắn bó sâu sắc với đời sống của đất nước."

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 5Bức tranh sơn mài nổi tiếng "Đổi ca" của Nguyễn Sỹ Ngọc.

Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét, Nguyễn Sỹ Ngọc là một tài năng đa ngành mỹ thuật, là một họa sĩ thiết kế sân khấu thuộc thế hệ đầu tiên mở đường cho nghệ thuật thiết kế sân khấu hiện đại của mỹ thuật Việt Nam; là một họa sĩ minh họa sách báo độc đáo và tài năng, một họa sĩ sơn mài bậc thầy, có nhiều đóng góp, đồng thời, cũng là một nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật nhiều tâm huyết.

Hội họa Nguyễn Sỹ Ngọc: Thấu hiểu tâm hồn người Việt - ảnh 6Trong triển lãm Nguyễn Sỹ Ngọc tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, công chúng cũng được thưởng thức những bức ký họa, nghiên cứu nude quý hiếm của ông, vẽ trong một thời kỳ rất khó khăn của dòng tranh này.

Họa sĩ Sỹ Ngọc đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, huy chương, đặc biệt, năm 2000, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Tình quân dân hay Cái bát, Đổi ca, Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đèo Nai (hay Một ngày mới lại bắt đầu).

Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì: “Trong những đóng góp quan trọng của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, những tác phẩm sơn mài của ông cũng thuộc về đỉnh cao của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những ghi chép của ông là những tư liệu rất quý để chúng ta nhìn lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, người Việt vẫn vững vàng, người Việt vẫn giữ được tâm hồn đẹp. Chính những điều ấy đã mang lại những cống hiến thầm lặng, đến giờ vẫn còn nguyên vẹn những giá trị để thúc đẩy sự phát triển của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Đặc biệt, tôi cho rằng nghệ thuật hiện thực vẫn còn nguyên giá trị của nó. Trong rất nhiều thập kỷ, quan niệm nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc không suy chuyển. Ông càng chiêm nghiệm thì ông càng phát hiện ra những vẻ đẹp mới của con người Việt Nam.

Đây cũng là những đóng góp mà đối với thế hệ hậu sinh - những người bây giờ tiếp bước dòng nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc vẫn được thừa hưởng nguyên vẹn những bài học mà ông để lại.”

Chiều 25/12, triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, với sự tham dự của hàng trăm họa sĩ, nhà phê bình nghiên cứu mỹ thuật. Trong số hơn 70 tác phẩm sơn dầu, sơn mài, ký họa, nghiên cứu nude quý hiếm... , ngoài những tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn nhiều tranh của ông từ các bộ sưu tập tư nhân được trưng bày, có những bức tranh lần đầu đến với đông đảo công chúng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác