Hội thảo khoa học "Nguyễn Du và Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh"

(VOV5)- Hội thảo do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Hội Kiều học Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18/11 tại thành phố Hà Tĩnh.

Hội thảo khoa học
Hội thảo khoa học  "Nguyễn Du và Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh". Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: 4 địa danh gắn liền với cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du là Thăng Long (nơi sinh), xứ Nghệ (quê cha), Bắc Ninh (quê mẹ), Thái Bình (quê vợ) đều có những ảnh hưởng, góp phần tạo nên cốt cách Nguyễn Du.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Biện Minh Điền, giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh, cho biết qua các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du như "Thanh Hiên thi tập", "Bắc Hành tạp lục", "Nam Trung tạp ngâm", có thể thấy được dấu ấn nhiều vùng miền văn hóa khác nhau:  Trước hết, Nguyễn Du nhìn văn hóa Hồng Lam khi chưa có bàn tay con người chạm tới. Ví dụ người dân xứ Nghệ một thuở đội nón cời ra làm sao, mang tơi rách như thế nào, nhà tranh cửa liếp ra làm sao. Thứ hai văn hóa Hồng Lam với tư cách là một đối tượng của cuộc sống, xã hội, như một thế giới mà ở đó có cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại, cái sinh hoạt của con người... Văn hóa Hồng Lam còn là miền nhớ, miền thương, nơi cung cấp cho Nguyễn Du những tình cảm sâu đậm nhất. Tôi cho rằng văn hóa sơn thủy trong thơ Nguyễn Du hiện lên như một biểu trưng của sự bền vững.
        
Các đại biểu cũng cho rằng Truyện Kiều là kiệt tác văn học, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du. Thấm đượm tinh thần văn hóa dân tộc, Nguyễn Du cũng là người nâng tầm thơ lục bát, trở thành thể loại chuẩn mực, đại diện cho thi ca Việt Nam. Các đại biểu cũng khẳng định tên tuổi của Nguyễn Du và các tác phẩm của Đại thi hào, nhất là tác phẩm Truyện Kiều đã làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh, đất nước Việt Nam, đồng thời góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác