Isabelle Müller: Chia sẻ những giấc mơ của chim phượng hoàng

(VOV5) - "Trong đôi mặt nâu to tròn rất châu Âu ấy, có niềm tự hào, sự ảnh hưởng của người mẹ Việt, với ý chí kiên cường, sẵn sàng đối đầu với khó khăn và thách thức..."

Trong những năm vừa qua, có nhiều tác phẩm dạng nghiên cứu, hồi ký, trần thuật của các tác giả nước ngoài hoặc một phần gốc gác Việt Nam, viết về những thân phận phụ nữ lấy chồng ngoại bang trong lịch sử những năm Pháp đô hộ hay Mỹ xâm lược Việt Nam. Là một trong những người viết tác phẩm dạng đó, Isabelle Müller (có mẹ là người gốc dân tộc thiểu số Việt Nam, cha là lính lê dương Pháp), đã có nhiều lý do để cho ra đời tác phẩm đầu tiên Loan, từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng; và đang tiếp tục cuốn thứ hai với câu chuyện về tuổi thơ của những đứa con hai dòng máu.

Isabelle Müller: Chia sẻ những giấc mơ của chim phượng hoàng - ảnh 1Tác giả Isabella Müller và cuốn sách Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng.bản tiếng Việt do tiến sĩ Trường Hồng Quang chuyển ngữ. - Ảnh: Loan-Stiftung

Câu chuyện về một người Mẹ "không giống bình thường"

Từ những lời kể của mẹ mình là bà Loan và hơn một năm nghiên cứu lịch sử, địa lý Việt Nam, tác giả Isabelle Müller đã dành 2 năm để hoàn thành tác phẩm Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng. Tác phẩm trở thành best seller 2 năm liền trên trang amazon thể loại tự truyện. Cuốn sách thuật lại cuộc đời của nhân vật chính tên Loan trong một khoảng thời gian dài - sau khi thực dân Pháp thực hiện xong chính sách khai thác thuộc địa và bước vào thời kỳ đen tối nhất của lịch sử quan hệ Việt – Pháp.

Bà Loan tên thật là Đậu Thị Cúc – có mẹ là người Lào và bố thuộc sắc tộc thiểu số bấy giờ chỉ gọi giản đơn là "Mọi” ở Hà Tĩnh. Và cuộc đời của bà, thực sự là của một người phụ nữ Việt Nam “không bình thường” giống như bà thừa nhận.

Tác giả Isabelle Müller kể lại: “Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1990 trong tôi đã luôn thường trực một câu hỏi duy nhất: đó là, liệu mọi người có giống mẹ của tôi không. Và ngay lập tức tôi có thể khẳng định rằng, không, mẹ tôi là một người hoàn toàn đặc biệt. Bà đã vượt qua được khó khăn trở ngại và thậm chí còn khắc phục được nó, ở Pháp - một quốc gia hoàn toàn xa lạ bà vẫn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc của mình. Đấy là một cuộc đấu tranh khốc liệt hơn nhiều để tự khẳng định bản thân mình. Mẹ tôi đã có nhiều giai đoạn trong cuộc đời ở Việt Nam -  nơi mà bà không muốn sống, vì hoàn cảnh sống quá khó khăn với bà. Nhưng mỗi khi bà không muốn sống tiếp, thì lại có một lý do hay một ai đó nói rằng bà phải tiếp tục sống vì mỗi một sự việc trong cuộc đời đều có ý nghĩa của nó. Và một ngày nào đó bà phải kể cho thế giới biết được câu chuyện của mình và tiếp thêm hay động viên những người khác có thêm sức mạnh.”

Isabelle Müller: Chia sẻ những giấc mơ của chim phượng hoàng - ảnh 2

 

Bà Loan sinh vào thời loạn lạc đầu thế kỷ 20, khi những người dân nghèo ngột ngạt đưới ách cai trị thực dân nửa phong kiến, thân phận phụ nữ bị coi rẻ, mạng người hết sức mong manh trước chiến tranh, lại sống trong những hủ tục vô cùng lạc hậu của sắc dân thiểu số ở vùng rừng núi hẻo lánh. Nhưng thật kinh ngạc, cô thiếu nữ bé nhỏ thời xa xưa ấy đã có những suy nghĩ hiện đại, kiên cường như những người phụ nữ mạnh mẽ, hiện đại cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này. Người con gái từ năm 12 tuổi đã bước vào một cuộc hành trình khốc liệt, bỏ nhà trốn khỏi cuộc hôn nhân gả bán, trải qua những tai nạn hiểm nghèo, bị hãm hại vv…, nhưng Loan luôn giữ được sự lương thiện, tinh thần lạc quan và niềm hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, được tôn trọng về phẩm giá. Tên Loan của bà được đặt sau khi đứa con đầu lòng tên Loan qua đời, để tượng trưng cho sự hồi sinh từ cái chết như loài chim phượng hoàng.

Isabelle Müller: Chia sẻ những giấc mơ của chim phượng hoàng - ảnh 3Tác giả Isabelle Müller - Ảnh: Phi Hà

Tác giả Isabelle Müller đã tự mô tả bản thân là người “có 99% tâm hồn là người Việt Nam”. Chị cho biết, câu chuyện của mẹ mình cũng chính là một di sản của gia đình, và chị muốn chia sẻ nó lại với nhiều người trên thế giới, nhất là tại quê nhà Việt Nam.

Viết cuốn sách này, với chị, như một cách đưa mẹ mình trở về quê hương: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mẹ tôi là người đi trước thời đại, bà đã sinh ra quá sớm. Thời xưa con gái không được đi học là chuyện bình thường và bà luôn không hiểu tại sao đây là điều cấm kị chỉ với một tầng lớp trong xã hội. Bà là một người luôn muốn đấu tranh cho sự công bằng. Bà luôn muốn khuyến khich vai trò của phụ nữ. Và bà cũng không hiểu tại sao bà không được phép tự tìm kiếm người chồng mình yêu mà bị ép cưới, bị bán chỉ với giá hai con lợn và ít trầu cau để gia đình có thể tiếp tục tồn tại như nó đang diễn ra. Mẹ tôi là một người luôn cổ xuý cho sự thay đổi, luôn có chính kiến. Bà hoàn toàn không phù hợp với thời đại của mình. Mẹ tôi trong thực tế, tuy là một người phụ nữ rất nhỏ bé chỉ cao có 1m45 nhưng luôn có sức mạnh toả sáng. Bà có khả năng lôi cuốn. Khi bà bước vào một căn phòng lập tức mọi người trong căn phòng đều phải quay lại nhìn. Bà luôn luôn mỉm cười và thường trực những lời tốt đẹp trên môi. Bà không giữ sự từng trải cho riêng mình mà mà chia sẻ với mọi người với mong ước được giúp đỡ người khác.” Isabelle Müller cho biết.

Tôi đã tự hỏi: Tôi là ai?

Tác giả cho biết, vì phải đi học ở Đức từ nhỏ, cô đã quyết tâm học tiếng thật tốt để có thể kể lại những câu chuyện văn chương bằng tiếng Đức để cho mọi người thấy rằng, cô thực sự nối tiếp được sự vươn lên kiên cường, kiêu hãnh của mẹ. “Cuộc sống của một đứa con lai tại Pháp thời đó thực sự rất khó khăn. Ở Paris hay Marsây thời đó có người ngoại quốc châu Á. Ở đó có khu phố của người Hoa và có cộng đồng nhỏ người Việt. Nhưng nơi bọn tôi sống là một ngôi làng biệt lập và ở đó sự kỳ thị rất lớn. Họ chưa bao giờ nhìn thấy một người phụ nữ châu á. Và mọi người đều biết rằng thời đó Pháp vừa thua trận. Việc có có một phụ nữ người Việt Nam luôn kiêu hãnh trong tà áo dài ở  thành phố, khiến mọi người đều coi bà  là biểu tượng cho sự thất bại của Pháp. Do đó thái độ của họ đối với chúng tôi rất kỳ thị. Chúng tôi thường bị cô lập ở trường học. và luôn bị mọi người đánh giá vì chúng tôi là những đứa con lai.”

Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng từng đoạt danh hiệu Bestseller Award trên hệ thống phát hành của Amazon (Đức) ở nhiều hạng mục, là một trong 5 cuốn sách lọt vào vòng chung kết giải thưởng Kindle Storyteller Deutscher Self Publishing Award 2015 (Đức) và đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng khác. Có hơn 1000 bản thảo đã tham gia cuộc thi này. Việc cuốn Loan lọt vào danh sách cuối càng thêm đặc biệt vì ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả là tiếng Pháp, nhưng Loan lại được viết bằng tiếng Đức.

Được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức giới thiệu về nước, cuốn sách Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng đã được tiến sĩ Trương Hồng Quang – người Việt tại Đức dịch và NXB Trẻ ấn hành. Còn bản thân Isabelle Müller, chị từng làm phiên dịch, biên dịch, và bây giờ là viết văn. Cuốn sách thứ hai, về thân phận những đứa con lai, trong gia đình lớn của mẹ chị, vẫn đang được chị ấp ủ:

“Tôi nghĩ rằng mẹ đã tìm được sự bình yên cho mình. Cái cách mà thế giới lắng nghe những đứa trẻ như chúng tôi chính là gốc rễ của vấn đề. Chúng ta đều sống trên trái đất dù là những dân tộc khác nhau với hình dáng khác nhau. Tại sao chúng tôi lại tự trói buộc trong một quốc gia khi tất cả chúng ta đều  sống trên quả đất. Đó chính là tư tưởng của mẹ tôi. Khi hiểu được điều này thì con người ta đã tìm thấy sự bình yên cho bản thân mình. Chúng ta phải chấp nhận một điều là có nhiều người khác nhau. Sống chung với nhau sẽ góp phần  giúp con người ta làm sâu sắc thêm kinh nghiệm và sự từng trải của mình.

Và đối với bản thân tôi, cũng có thời kỳ rất khó khăn và buồn bã với thân phận con lai. Tôi không tìm được gốc gác của mình cả ở Việt Nam lẫn ở Pháp. Họ nói rằng tôi không phải hoàn toàn 100% là người Pháp và ở Việt Nam người ta cũng nói với tôi rằng bạn cũng không phải 100% là người Việt Nam. Tôi đã tự hỏi thế tôi là ai? Và mẹ tôi đã trả lời tôi rằng tôi là một công dân của địa cầu. Con sống ở trên trái đất này và vì thế chả sao cả. Và khi tôi hiểu được rằng bà nói hoàn toàn đúng, thì  có hình dung khác cho câu chuyện và không buồn bã nữa khi hiểu rằng, trái đất này thuộc về chúng ta. Và tôi là một phần của trái đất.” - Isabelle Müller nhớ lại.

Toàn bộ nhuận bút quyển sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng được dùng vào Quỹ từ thiện Loan (Loan Stiftung) do tác giả cùng bạn bè sáng lập từ tháng 5/2016 để xây dựng nhà ở, bếp, khu vệ sinh, tặng học bổng cho học sinh miền núi cao Hà Giang và Cao Bằng.

Isabelle Müller: Chia sẻ những giấc mơ của chim phượng hoàng - ảnh 4Ảnh: Loan - Stiftung 

Ông Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán Công sứ thương mại Việt Nam tại Đức trong bài viết “Chị Isabelle Müller và tấm lòng thơm thảo với trẻ em Việt Nam” đã thuật lại lần đầu tiên gặp cô: “Tôi như nhìn thấy trong đôi mặt nâu to tròn rất châu Âu ấy, niềm tự hào, sự ảnh hưởng của người mẹ Việt, với ý chí kiên cường, sẵn sàng đối đầu với khó khăn và thách thức, bất chấp khó khăn để bảo vệ và nuôi dưỡng con mình. Nhưng trên hết tôi thấy được tình yêu của chị đối với mẹ. Tôi thấy mình được chị tin tưởng và gửi gắm những tâm sự riêng, thấy được trách nhiệm gắn kết, phát triển quan hệ Việt-Đức nói chung và tình cảm đón người chị em ở xa trở về, để góp phần thực hiện những ước muốn làm được điều gì đó cho quê mẹ”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác