Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày”

(VOV5) - Những tác phẩm thuộc hai thế hệ tưởng chừng như đối lập nhưng lại là sự hoà hợp vô cùng kín đáo.

27 tác phẩm tranh lụa và 3 tác phẩm sắp đặt độc đáo của hai mẹ con nghệ sĩ Lê Kim Mỹ và Vũ Kim Thư như đang bình thản kể lại câu chuyện phố phường nơi họ sinh ra và lớn lên. Một Hà Nội dung dị, nhẹ nhõm, gần gụi với hình ảnh những cây cột điện, lũ trẻ con nô đùa, những hàng quán, những phố chợ… đều được hiện ra trong nét vẽ cổ điển, mơ màng của nữ hoạ sĩ Lê Kim Mỹ. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày” - ảnh 1Những tác phẩm của Vũ Kim Thư - Ảnh: phap.fr

Suốt nhiều năm qua, trong dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt Nam, với chất liệu lụa truyền thống, những tác giả thường hết sức lặng lẽ và khiêm nhường thì hoạ sĩ Lê Kim Mỹ dường như đã góp tạo ra dấu ấn cho riêng mình.

Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày” - ảnh 2 Nghệ sĩ Lê Kim Mỹ và các tác phẩm tranh lụa - Ảnh: phap.fr

Ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Tôi nghĩ rằng nữ hoạ sĩ Lê Kim Mỹ cũng đã tạo ra vẻ đẹp riêng cho ngòi bút của mình. Trước đây bà vẫn vẽ trên những khổ lụa to hơn nhưng lần này Đối thoại thường ngày của hai mẹ con bà lại chọn những không gian nhỏ nhưng vẫn đủ khắc hoạ đời sống thường nhật của người Hà Nội. Chúng ta cũng gặp lại những con phố quen thuộc như những cửa hàng quen thuộc, những quán bia, quán phở trên đời sống phố cổ của Hà Nội nhưng với một cái nhìn tinh tế và hết sức nữ tính. Lê Kim Mỹ đã tạo ra cho chúng ta những ấn tượng hết sức tốt đẹp và mang lại sự nhẹ nhõm cho người thưởng thức”

Không phô trương, cầu kỳ, người xem tranh Lê Kim Mỹ có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Màu sắc thanh nhẹ nhưng không hề mang lại cảm giác u ám, buồn tẻ, đó là bởi tính đa dạng trong câu chyện của từng tác phẩm. 27 bức tranh khổ nhỏ như 27 góc phố Hà Nội mà người ta dễ dàng bắt gặp đâu đó nơi cuộc sống thường nhật.

Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày” - ảnh 3 Nghệ sĩ Vũ Kim Thư - Ảnh: phap.fr

Đặc biệt với người Hà Nội thế hệ trước, câu chuyện phố phường mà nữ hoạ sĩ Lê Kim Mỹ đang kể lại càng trở nên chân thật và sống động.

Hoạ sĩ Lê Trọng Lân, nguyên giảng viên trường Đại học Mỹ thuật, cũng là người đồng nghiệp lâu năm của hoạ sĩ Lê Kim Mỹ nhận xét: “Tranh của cô Mỹ toát lên sự bình thường, đơn giản của cuộc sống. Cô biểu hiện bằng một cách đơn giản, thân thuộc nhất. Trong tranh lụa, cô là người vẽ có nhiều kinh nghiệm. Cách giải quyết không giống như những người đi trước. Ví dụ những người đi trước có thể vẽ một lớp màu, sau đó thay đổi bằng cách rửa đi rồi nhuộm để thấm đẫm hơn. Nhưng cô Mỹ ở đây vẽ muốn giữ một tinh thần trong sáng, nên cô không làm theo cách rửa và nhuộm. Cách này làm bức tranh trở nên tươi mát.”

Cũng mô tả những phố phường mình đã đi qua, cô con gái Vũ Kim Thư lại lựa chọn sự kết hợp giấy washi Nhật Bản, giấy dó truyền thống Việt Nam và giấy xuyến chỉ Đài Loan cùng với nét vẽ bằng mực nho. Vũ Kim Thư chia sẻ, cuộc sống tuổi thơ của Kim Thư gắn liền với mẹ và Hà Nội.

Thế nhưng, Hà Nội trong cô không rõ ràng như mẹ mình mà là từng mảng ký ức cùng với sự tưởng tượng bù đắp vào những phần ký ức còn thiếu. Có lẽ chính điều đó tác phẩm cô tạo nên sẽ có cảm giác vừa trừu tượng lại vừa thân thuộc, vừa xa xôi lại gần gũi.

Khi hai mẹ con nghệ sĩ “đối thoại thường ngày” - ảnh 4 Nghệ sĩ Vũ Kim Thư bên các tác phẩm sắp đặt của mình - Ảnh: Diệp Anh/tienphong.vn

Nghệ sĩ Vũ Kim Thư chia sẻ: “Mẹ tôi vẽ từ quan sát thực, còn tôi vẽ từ nhớ lại và tưởng tượng. Xem tranh mẹ tôi có ngõ Gia Ngư, phố Lương Văn Can, cửa hàng Hương béo, tổ dân phố. Góc nào rất cụ thể góc đó. Còn tôi không vẽ một góc nào cụ thể cả. Mà tôi đi với mẹ. Rồi khi về tôi nhớ chỗ đó như thế nào. Khi mà tôi nhớ lại ký ức sẽ không giống hệt như thật. Có những chỗ mình nhớ rất rõ còn những chỗ mình không nhớ rõ, mình phải sang tạo để lấp chỗ đó đi, tại sao nó trở nên trừu tượng hoá trong cách sử dụng”.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và hoàn thành chương trình sau Đại học tại Viện nghệ thuật Chicago Hoa Kỳ, Vũ Kim Thư có cơ hội đi đến nhiều thành phố trên thế giới. Cô chia sẻ mỗi lần đến đâu thứ gắn bó đầu tiên của cô chính là những chiếc bản đồ.

Những tác phẩm của cô giống như những tấm bản đồ phóng to của thành phố. Sử dụng mực Nho với sở trường là vẽ nét, Kim Thư yêu thích cách tạo ra những nét vẽ nảy nở, lan toả trên những khối hình. Kết hợp với sự sắp đặt về ánh sáng, 3 tác phẩm của Vũ Kim Thư đã tạo nên một không gian vô cùng kỳ ảo.

Ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Thế hệ sau càng ngày họ càng muốn trình bày những câu chuyện khác, một cách tiếp cận khác, một cách suy nghĩ khác, bằng chất liệu khác. Tôi nghĩ từng ấy cái khác để nói rằng nghệ thuật đương đại cũng đang chờ đợi để tiếp nhận những khuôn mặt mới, khuynh hướng sang tác mới.  Sắp đặt của Vũ Kim Thư tạo ra không gian vừa ràng buộc ấn tượng thị giác của người xem, vừa tạo ra những ánh sáng khác, như thứ ánh sáng nội tâm, được chiếu qua lăng kính của Vũ Kim Thư”.

Lần đầu tiên, hai mẹ con nghệ sĩ Lê Kim Mỹ và Vũ Kim Thư cùng nhau kết hợp ở một triển lãm. Hai phong cách, hai cá tính với hai mảng nghệ thuật khác nhau, hai mẹ con nghệ sĩ đã kể lại những câu chuyện về phố phường thường nhật theo những cách hấp dẫn riêng biệt. Một Lê Kim Mỹ nữ tính, nhẹ nhõm và một Vũ Kim Thư độc đáo lại tạo nên sự hoà hợp không ngờ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác