LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân

(VOV5) - "Các LHP là tấm gương phản chiếu trung thực gương mặt xã hội..."

Ngày 28/11 này LHP Việt Nam lần thứ 12 bế mạc tại Đà Nẵng. Đây là kỳ liên hoan phim quốc gia đầu tiên không có một hãng phim nhà nước nào tham dự, và cũng là kỳ LHP quốc gia đầu tiên có thêm 1 giải thưởng cho các phim quốc tế tham dự, là giải thưởng phim ASEAN.

Trong thời gian diễn ra liên hoan, một hội thảo về Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, với nhiều ý kiến trăn trở của những người làm nghề.  

LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân - ảnh 1 Chủ tịch đoàn Hội thảo LHP Việt Nam.

Nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh, PGSTS Trần Luân Kim nhận định về vai trò, tác động của Liên hoan phim quốc gia đối với diễn tiến sáng tác, với đà phát triển của hoạt động điện ảnh nước nhà, là “nơi tụ hội đông đảo và tập trung nhất đội ngũ nghệ sĩ cùng anh chị em làm nghề, đã thực hiện cuộc tổng kết bao quát, thấu triệt, công khai tinh hình sáng tác – chế tác phim, cả thành tựu lẫn yếu kém trong thời đoạn giữa hai kỳ Liên hoan phim.

LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân - ảnh 2 PGS TS Trần Luân Kim

Kết quả Liên hoan phim là kết quả trực tiếp đánh giá chất lượng cũng như tác động xã hội của tác phẩm; trong đó, các vấn đề về đề tài, nhân vật, cấu trúc, xu hướng được nhìn nhận một cách vừa chi tiết vứa tổng thể, khi có điều kiện đặt hàng loạt tác phẩm bên nhau để thẩm định và so sánh. Liên hoan phim còn là cơ hội sưởi nóng nhiệt huyết sang tạo, thúc đẩy nghệ sĩ phấn đấu liên tục vươn lên, đạt thành tựu cao hơn trong sự nghiệp nghề nghiệp của mình. Mỗi kỳ Liên hoan phim là một dip thuận lợi quảng bá-- phát hành tác phẩm, tuyên truyền khuyếch trương hoạt động điện ảnh nước nhà, cũng là dịp thắt chặt điện ảnh với truyền thông cùng công chúng xem phim. Đồng thời, qua Liên hoan phim, qua đánh giá của các Hội đồng giám khảo, ý kiến của báo chí cũng như dư luận của công chúng, hoạt động sáng tác điện ảnh có thêm một kênh định hướng cần thiết cho thời gian tiếp sau.”

LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân - ảnh 3 Quang cảnh hội thảo.

Cũng theo ông Trần Luân Kim, giờ đây, hoạt động điện ảnh nước ta đã và đang trải qua những thay đối sâu sắc. Số lượng phim đã tăng lên đáng kể từ kết quả của xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Nhiều tác phẩm với thể loại mới, đề tài đa dạng, câu chuyện sinh động xuất hiện ngày càng nhiều trong LHP quốc gia. Nghệ  thuật thể hiện được cập nhật với các thủ pháp tạo hình tiên tiến. Song cạnh đó, tác phẩm điện ảnh ngày nay chịu áp lực rất lớn từ thị trường, từ sự chọn lựa đầy biến động của người xem. Áp lực này tác động và chi phối mạnh mẽ tới nội dung cũng như phương thức thể hiện của tác phẩm, gây lưỡng lự cho nhiều nhà sản xuất cũng như tác giả phim; đồng thời cũng gây ra không ít thử thách đối với chất lượng tác phẩm cũng như đối với thành quả mà LHP luôn mong mỏi đạt tới.”

Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh thì cho rằng: “Nói chung là nước nào cũng tổ chức LHP quốc tế và quốc gia, có hàng chục LHP lớn nhỏ. Và trên thế giới giờ phải có tới 4000 LHP. Cũng qua LHP, người ta có thể biết được đời sống, lịch sử của đất nước, của dân tộc, người dân ở đất nước đó quan tâm đến vấn đề gì, khát khao ước vọng của họ là gì.

Nếu theo dõi điện ảnh Việt Nam, qua các phim được giải thưởng của LHP Việt Nam, ta có thể biết được phần nào những thay đổi trong xã hội Việt Nam hiện đại, trong tâm lý, trong vị thế của con người Việt Nam. Tôi nghĩ đó cũng có thể là đề tài cho những công trình nghiên cứu. Qua việc các bạn trẻ ngày nay thích xem phim hài, phim giải trí, phim hành động, chán những phim về chiến tranh, về lịch sử… ta cũng có thể hiểu phần nào những biến chuyển trong tâm lý người xem trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Về phương diện này thì các LHP là tấm gương phản chiếu rất trung thực gương mặt xã hội, là những dịp thuận lợi để các nhà nghiên cứu, phê bình phim trong và ngoài nước muốn hiểu về điện ảnh Việt Nam, xã hội và con người Việt Nam.”

Cũng theo nhà nghiên cứu, phê bình Trần Luân Kim, trong nhiều năm trở lại đây, đời sống điện ảnh thay đổi nhanh chóng cùng bối cảnh đất nước phát triển, đổi mới. Nhiều dự án hợp tác sản xuất và giao lưu giữa điện ảnh Việt Nam và quốc tế, các nhà sản xuất trong nước với nhau, hãng phim nhà nước với hãng phim tư nhân; sản xuất phim bằng nguồn xã hội hóa; dòng phim độc lập manh nha hình thành… Ðó là những hoạt động có hiệu quả nhất định ghi dấu ấn qua các kỳ LHP.

Hồi ức về sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả Đà Nẵng đối với LHP Việt Nam cả trước đây cũng như hôm nay, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ sự hài lòng trước những nét mới của LHP lần này: “Tôi may mắn được tham dự hơn 10 LHP Việt Nam, trong tổng số 20 lần LHP. Và chứng kiến một sự thành công và tính chất chuyên nghiệp của đội ngũ tổ chức một LHP. Năm nay đặc biệt kết hợp với giải thưởng ASEAN là một sáng kiến rất hay của Cục điện ảnh. Vì chúng ta biết điện ảnh càng ngày càng mang tính chất giao lưu quốc tế.  Tôi rất hoan nghênh sáng kiến này.”

LHP 20 cũng phản ánh một thực tế trong hoạt động điện ảnh Việt hiện nay: Khi các hãng phim nhà nước dứt bầu sữa bao cấp, hoạt động cầm chừng, thì số lượng phim  của các Hãng tư nhân sản xuất những năm gần đây lại  ra đời rất nhiều, từ thuở chỉ 5-10 phim/năm đến giờ tới 35-40 phim/năm, Các nhà sản xuất tư nhân đang là lực lượng chính duy trì sự phát triển của điện ảnh Việt.

LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân - ảnh 4Nhà phê bình phim Tô Hoàng 

Tại hội thảo, các đại biểu quan tâm nhiều đến chất lượng các tác phẩm điện ảnh những năm gần đây cũng như băn khoăn trước sự thiếu vắng tác phẩm của các hãng phim lớn của Nhà nước.

Nhà báo, nhà phê bình phim Tô Hoàng, thành viên Ban giám khảo phim truyện LHP Việt Nam lần thứ 20 nhận xét: “Chúng tôi trong BGK thì tự phân minh là không có ranh giới giữa phim phát triển theo khuynh hướng thương mại hay phim nhà nước. Chúng tôi chỉ lấy tiêu chí nghệ thuật nghề nghiệp để đánh giá. Nhưng nếu nhà nước không tài trợ cho điện ảnh, cũng là điều không được. Vì một nền điện ảnh muốn phát triển phải có một dòng chính thống. Chúng ta không thể lấy phim thương mại hôm nay để đại diện cho gương mặt điện ảnh dân tộc được. Chúng tôi hơi tiếc rằng nguồn tài trợ để giúp cho lực lượng chính thống ấy hoặc ít quá hoặc không đủ lực để dòng chính ấy bị ngắt đoạn ở LHP này. Thực ra nó vừa tự nhiên, vừa có gì không tự nhiên.”

Diễn viên Ngô Thanh Vân, lần đầu tiên với tư cách nhà sản xuất có phim được lựa chọn đề cử tranh giải trong LHP Việt Nam lần thứ 20, là phim Cô Ba Sài Gòn. Chị chia sẻ: “Có nhiều thuận lợi song không thể phủ nhận một thực tế các nhà sản xuất phim Việt Nam đang gặp không ít khó khăn. Đó là sự cạnh tranh dữ dội từ các nhà sản xuất với yếu tố nước ngoài, sự cạnh tranh khốc liệt về giá vé khiến doanh thu phòng vé bị ảnh hưởng, và ý thức người xem về bản quyền phim điện ảnh.

Đứng trước nhiều áp lực từ các nhà sản xuất nước ngoài và các dự án có yếu tố nước ngoài, chúng tôi vẫn sẽ luôn kiên định tôn chỉ phát triển kịch bản Việt, cho người Việt, tuy nhiên, rất mong về phía các cơ quan quản lý sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các dự án phim thuần Việt, vì một nền điện ảnh hội nhập, nhưng không đánh mất bản sắc. Thời gian vừa qua có một cơn bão hạ giá vé trên hầu khắp các nhà rạp, điều này gây áp lực rất lớn lên các nhà sản xuất và nhà phát hành. Tôi tha thiết mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý chuyên ngành, để phần nào giải toả áp lực tài chính lên các nhà sản xuất tư nhân non trẻ, đang trong quá trình xây dựng và trưởng thành đầy khó khăn như hiện nay.”

Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương cho rằng: Khán giả Việt Nam bây giờ có cơ hội được tiếp xúc nhiều với nhiều phim của các nền điện ảnh trên thế giới. Nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một cao, và cũng không dễ dàng chấp nhận những tác phẩm không được đầu tư kỹ lưỡng. 

Có một tín hiệu vui với các nhà làm phim Việt, mà như ông Nguyễn Danh Dương cho biết. “Hiện nay qua công tác khai thác phim thì chúng tôi thấy, rõ ràng trước đây phim Hàn Quốc là một trong số phim được chú ý, nhưng hiện nay ngoài phim Mỹ, đến phim Việt Nam được quan tâm. Và nhiều phim Việt Nam bùng nổ phòng vé hơn phim nước ngoài. Điều này chúng tôi thấy chứng tỏ sự yêu mến của khán giả Việt Nam với phim Việt Nam, chính là động lực là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho các nghệ sĩ, cho các nhà làm phim hướng đến, để có những tác phẩm xứng đáng. Và nói như nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thì quả thật vừa rồi Cô Ba Sài Gòn cũng đem lại một sức sống mới cho các phòng chiếu, trong thời điểm rất trầm, lắng của thị trường phổ biến phim trong những ngày tháng này."

LHP Việt Nam 20: khẳng định vai trò nhà sản xuất phim tư nhân - ảnh 5 Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan.

Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan khẳng định, về mặt quản lý nhà nước, Ban tổ chức rất mong muốn tại LHP làm sao có được sự cân bằng hài hòa giữa các dòng phim, từ phim chính thống (do nhà nước sản xuất), có dòng phim giải trí, dòng phim nghệ thuật: “Nhưng chúng tôi cũng cho rằng nếu dòng phim chính thông vẫn tiếp tục giữ khuôn mẫu như ngày xưa, thì sẽ rất khó để làm sao tiếp cận với khán giả. Còn dòng phim giải trí phải làm sao loại đi tất cả yếu tố câu khách rẻ tiền, nâng cao tính thẩm mỹ, nhân văn và nâng cao giá trị nghề nghiệp.”

Bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng: “Phim do tư nhân sản xuất thời gian vừa qua có sự nâng cao chất lượng rất rõ rệt.  Nếu các nhà làm phim tư nhân tiếp tục được khích lệ ở các LHP, được khích lệ ở các cuộc chơi chuyên nghiệp, thì chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục có được những  tác phẩm điện ảnh có giá trị.”

Diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khẳng định, với những nhà sản xuất phim tư nhân như chị, việc được lựa chọn tranh giải và giới thiệu trong LHP Việt Nam “như một sự bảo chứng cho chất lượng và tay nghề của đội ngũ sản xuất, gián tiếp mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà sản xuất tư nhân trong việc hợp tác sản xuất cùng các đối tác nước ngoài, những cơ hội đó không dễ gì có được. Không chỉ mang lại lợi ích cho nhà sản xuất, nói rộng hơn, LHP Việt Nam là cơ hội để các nhà sản xuất tư nhân giới thiệu những tác phẩm hay, có giá trị và chất lượng tốt tới bạn bè thế giới, qua đó giới thiệu nền điện ảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ hội quý báu cho các nhà sản xuất tư nhân non trẻ được gặp gỡ giao lưu và học hỏi lẫn nhau, để cùng chung tay góp phần xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, ngày một tiệm cận với tiêu chuẩn của các nền điện ảnh phát triển”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác