Mùa đi qua những câu thơ

(VOV5) - Ở hoàn cảnh đặc biệt như Đỗ Trọng Khơi, miền tâm tưởng của anh gửi gắm tất cả vào thơ để biểu hiện nhân sinh quan, lối sống của mình.


Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Vượt lên bệnh tật, khó khăn từ thời niên thiếu, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi nương vào tình yêu da diết, say đắm với thơ ca làm chỗ dựa tinh thần vững vàng. Tình thương yêu hết lòng của những người phụ nữ trong gia đình là bà, là mẹ, là chị em và người vợ dịu hiền, chu đáo làm nên động lực sáng tạo thơ ca mạnh mẽ cho anh.

Mùa đi qua những câu thơ - ảnh 1
Ảnh tư liệu nhà thơ Đặng Vương Hưng thay mặt bạn đọc của lucbat.com tặng chú rể Đỗ Trọng Khơi và cô dâu bó hoa tươi thắm trong ngày cưới của nhà thơ năm 2009 - Ảnh: website Lục bát Việt Nam

Vừa qua, Khoa Viết văn – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhà xuất bản Phụ Nữ đã cho ra mắt tập thơ “ Ở thế gian” của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Gần 200 bài thơ lục bát với giọng điệu riêng gần với tâm linh góp phần khắc gương mặt thơ Đỗ Trọng Khơi.                   

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ lâu, khi đọc thơ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, tôi có cảm giác anh nói về “mùa” rất nhiều lần, có mùa thời gian và có cả mùa không gian. “Mùa” là hình ảnh ngôn ngữ quen thuộc để nhà thơ chuyên chở thông điệp về cuộc sống bằng sự chiêm nghiệm lặng lẽ, ưu tư. Tập thơ “ Ở thế gian” của Đỗ Trọng Khơi với gần 200 bài thơ lục bát mang đậm suy cảm tâm hồn nhà thơ kể từ ngày anh bén duyên thơ ca cho đến hôm nay.

Mùa đi qua những câu thơ - ảnh 2


Thành thực nhìn vào con người thi sĩ, nhà thơ thâu tóm khá sâu sắc thế giới thơ ca nghệ thuật của chính mình bằng lời “Tựa” thật cô đọng:

“ Chim vóng qua mấy giọng tơ

hè chưa xanh lá đã thu rợp chiều

ngõ nhà non lại màu rêu

vườn nhà chim ngỏ đủ điều ngây thơ”.

Nhà thơ vận dụng nhịp điệu dìu dặt, nhẹ nhàng của thơ lục bát để mở rộng chiều kích rộng dài của không gian đầy biến động lúc giao thời giữa mùa hạ và mùa thu qua cảm giác thực thể về hình ảnh, âm thanh và màu sắc khá chắt lọc và tinh tế. Chất đời gắn kết giữa con người và thiên nhiên lại ẩn sâu trong cái nhìn thấu hiểu, cảm thông về quy luật tồn tại “ Ở thế gian” của một kiếp người. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thường chú tâm đến những khoảnh khắc thời gian đặc biệt có tác động sâu vào tâm lý con người, như “ giao thừa”; “rằm tháng Chạp” hay rất nhiều thời điểm “ mùa thu” đầy ám ảnh trong thơ anh. Những thời khắc ấy đã biến chuyển thành sự khắc khoải, day dứt của hồn thơ mong manh, nhạy cảm và đôi khi như là bất lực, từ chối hiện thực để trở về thời ấu sinh :

“Bây giờ trái đất ngủ vùi

tao nôi bé bỏng khoảng trời mẹ đưa”.

Nhưng cũng chính ở những thời điểm đặc biệt ấy, tình cảm máu thịt với quê hương và người thân yêu đã giúp anh bình tâm trở lại biết quý trọng những gì có trong tay. Láy đi láy lại trong những câu thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi là hình ảnh người mẹ quê mang nỗi đau kiếp người đàn bà không trọn bề may mắn:

“ Đêm nay, Chạp - giữa trăng rằm

chéo khăn mẹ vấn một năm trước thềm”.

Anh mượn thơ để chia sẻ nỗi đau với thân phận người phụ nữ bởi vì ở ngoài đời Đỗ Trọng Khơi luôn nhận được ân tình từ những con người ấy. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tâm sự:

 “Mỗi giai đoạn của cuộc sống với thơ ca thì những người phụ nữ này đều xuất hiện như một nguồn khởi và cũng là  điểm tựa, cái  nền tảng của thơ ca của tôi. Thì các bà mình đều là những phật tử của chùa làng. Những bộ kinh Pháp hoa kim cương, thế rồi tiếp xúc với các nhà sư ở chùa lúc bấy giờ cũng an ủi mình nhiều. Lúc bấy giờ chỉ là an ủi thôi. An ủi, động viên như là phương tiện chuyên tải thời gian. Thế rồi những cái tinh thần, cái tư tưởng về nhà Phật, cái giáo lý nhà Phật nó thấm vào mình lúc nào đó. Và đến bây giờ nó quán xuyến toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình. Mình có nhiều bài viết về mẹ. Ví dụ như bài “ Ngày giỗ cha”. Viết về giỗ cha nhưng lại chính là viết về mẹ:

“ Thảo thơm vị đất hương đồng 
nén nhang – thế một khoảng không mặt trời 
Cau dăm trái, trầu lưng cơi 
canh cua cà nén giỗ Người Trường Sơn 

Bát canh ngọt quả cà ngon 
như hồi cha mẹ sống còn bên nhau 
Tình sâu hoá vết thương sâu 
bàn thờ - mẹ vẫn một đầu chiến tranh 

Cậy dòng hương khói mỏng manh 
mẹ chăm chút quãng xuân xanh tình mình 
Phía bom đạn, phía yên bình

mãi chia đôi phận duyên tình mẹ cha”.

Ở hoàn cảnh đặc biệt như Đỗ Trọng Khơi, miền tâm tưởng của anh gửi gắm tất cả vào thơ để biểu hiện nhân sinh quan, lối sống của mình. Tình cảm xóm làng, người thân đùm bọc yêu thương, cảm thông từ ngày anh còn thơ bé đã tạo nên nếp sống nội tâm, lặng thầm cho đến lúc ngôn ngữ thơ bắt đầu lên tiếng. Đỗ Trọng Khơi chiêm nghiệm về cuộc sống qua lăng kính của thi sĩ thấu hiểu sự đời: “Những ai hiểu một chút thôi về giáo lý nhà Phật đều biết đến hai chữ “ sắc- không” ta gọi là “sắc sắc không không”. Thế thì cái chữ “ không” nó quán xuyến toàn bộ cái tinh thần thơ ca của tôi. Cái chữ “không “ ở đây không phải hiểu theo nghĩa thông thường nghĩa là nó không phải là cái gì cả, một cái không hư vô triệt để. Mà cái không ở đây có thể tính đếm được. Nó giống như cái căn phòng này, cái khoảng không ở đây là cái khoảng không ta sử dụng được. Cái khoảng không này càng rộng bao nhiêu thì khả năng sử dụng càng lớn bấy nhiêu. Và cái quán xuyến cho thơ của tôi là đều trong chữ  “không” ấy. Một cái không rất có thể tính. Vì vậy mà chất liệu đời sống vẫn cứ có được ở trong ấy. Chẳng hạn như câu thơ :

“ Sớm nghe một giọng chim lành

nguôi ngoai bao nỗi mong manh phận người.

Gặp làn mấy trắng rong chơi

như ai ru lại ta thời ấu thơ

Ngợ hư vinh cãi phù du

trong binh boong tiếng chuông chùa thu không”.

Một cõi Thiền xuyên thấm nhẹ mà sâu kể từ khi Đỗ Trọng Khơi còn là cậu bé trai ở quê vùi đầu vào kinh kệ giáo lý nhà Phật để quên đi nỗi buồn khổ đã dần dần thay thế bằng sự am tường lẽ đời để chọn lấy thái độ sống cho mình. Anh không vội vàng sống gấp như thơ Xuân Diệu thuở nào:

“ Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em ơi em, tình non đã già rồi”.

Cảm giác về không gian vô tận của vũ trụ được anh chiêm nghiệm bằng những hình ảnh cụ thể của thời gian gắn với chất liệu đời sống:

“ Kết mùa ngậm bóng hoa – rơi

mà theo hoa rụng về thời sơ sinh

Mà về thăm thẳm tâm linh

lặng nghe tĩnh vắng xóa hình bóng ta”.

Anh không buông bỏ cuộc đời mà cố gắng vượt thoát khỏi tâm trạng buồn khổ để tìm niềm vui, dù nhỏ nhoi:

“ Tôi mong manh cả tiếng cười

ước thành tảng đá sống đời lặng im

nhưng còn trong ngực con tim

còn dòng lệ nẻo đường thiêng của người”.

Ngay từ khi Đỗ Trọng Khơi ra tập thơ đầu tiên, những bài thơ lục bát của anh đã được nhiều người chú ý bởi chất Thiền mong manh đang dần dần hình thành. Cho đến tuyển thơ “ Ở thế gian”, anh đã đi qua chặng đường hơn 30 năm vui buồn cùng thơ ca và thành danh đặc sắc ở thơ “lục bát tâm linh” như nhận định của nhà phê bình văn học Văn Giá:  “Đỗ Trọng Khơi thì viết nhiều thứ, như thể thơ tự do, thơ cách luật... thế nhưng  thơ lục bát là chính là phần nổi trội,  và tinh hoa nhất của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Và tôi có nói rằng là định danh Đỗ Trọng Khơi có “căn” thơ lục bát. Thì ở đây chúng ta thấy có mấy cái đặc sắc. Đây là thơ lục bát tâm linh chứ không phải thơ lục bát thế sự. Là lục bát tâm linh tức là những người viết thơ lục bát tâm linh cũng đã có nhưng thưa thớt, rất ít. Tính từ thời anh Trúc Thông chẳng hạn cũng đã có một hai bài. Nhưng mà phải tính đến Đỗ Trọng Khơi thì cái dòng lục bát tâm linh mới hoàn tất và có thể coi là một dòng đầy đặn  và  có diện mạo. Và đấy là cái đóng góp lớn nhất của Đỗ Trọng Khơi. Cái thứ hai là bởi vì là dòng lục bát tâm tinh cho nên là nó cái lấp lánh của đời sống thẳm sâu của con người, trong cái cõi ẩn ức, cái cõi tâm linh của con người. Đỗ Trọng Khơi đã biểu đạt rất tinh tế và rất giỏi. Trong đó có những bài thơ có thể nói là điêu luyện. và như vậy xét riêng dòng lục bát thì cái công của Đỗ Trọng Khơi là tạo ra vỉa lục bát rieengvaf cũng truyền năng lượng cho dòng lục bát để tiếp tục tìm kiếm và biểu đạt”

Cái nhìn điềm tĩnh và thấu hiểu sự đời trong thơ Đỗ Trọng Khơi đi qua nhiều chặng thời gian. Suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc từ số phận mình, anh xác lập dòng thơ “ lục bát tâm linh” như đánh giá cao của nhà phê bình Văn Giá. Anh nương mình vào thân phận “ rêu, đá, nước, mây…” làm chủ đích sống cho mình, có một điều gì đó phảng phất Trịnh Công Sơn. Cõi vô thường anh hướng đến vẫn không tách rời khỏi đời sống thường nhật:

“ Ta – phiến đá sống bên đường

trái tim lặng lẽ thấm hương sắc mùa”.

Chính cái “ hương sắc mùa” ấm áp mà ám ảnh ấy là tiếng gọi người yêu thơ đến với thơ Đỗ Trọng Khơi. Buổi ra mắt tập thơ lục bát “ Ở thế gian” đã biến thành cuộc tọa đàm, bàn luận về giọng điệu thơ thấm thía chất Thiền của Đỗ Trọng Khơi. Nhà phê bình Văn Giá xúc động chia sẻ:

 “Bản thân tôi thì trong tư cách đại diện cho Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng với Nhà xuất bản Phụ nữ đứng ra tổ chức gặp gỡ và ra mắt tập thơ “ Ở thế gian” của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thì cảm giác đầu tiên là hạnh phúc. Sau đó là xúc động bởi vì sự có mặt của rất nhiều các nhà văn, nhà thơ những người đang sống và viết ở Hà Nộ, các sinh viên và những người ở xa cũng biết và tìm đến, rất nhiều bạn đọc biết tin qua facebook. Trong khán phòng khá là rộng mà ngồi chật kín chứng tỏ họ yêu thơ Đỗ Trọng Khơi quá, yêu con người và cảm phục về con người. Và sau đó cũng là họ yêu văn chương, tha thiết với văn chương”

Vâng, đến với thế giới thơ Đỗ Trọng Khơi, chắc hẳn ta tìm thấy sự tĩnh lặng, an nhiên trong tâm hồn người thơ truyền đến bạn đọc. Như tâm trạng lặng lẽ mà xốn xang của anh mỗi độ “Giao thừa”:

“ Hương thơm chẳng nói chẳng rằng

cứ dìu xuân đến ăn năn bên vườn”.

Phản hồi

Các tin/bài khác