Nghệ thuật xứ An Nam – một cái nhìn về Việt Nam đầu thế kỉ 20

(VOV5)- Những khảo cứu nghiêm túc của Henri Gourdon trong nghệ thuật, giúp độc giả rõ hơn về bối cảnh chung của xã hội An Nam cả về văn hóa, tín ngưỡng…vào đầu thế kỷ 20.


Vào đầu thế kỷ 20, tủ sách “Nghệ thuật xứ thuộc địa”, dưới sự chủ trì của Albert Maybon đã được xây dựng nhằm nghiên cứu một cách hệ thống và bao quát về nghệ thuật của cư dân sinh sống tại các vùng đất thuộc địa Pháp. Cuốn “Nghệ thuật xứ An Nam” nằm trong tủ sách nói trên, được Nhà xuất bản Boccard phát hành năm 1933. Tác giả cuốn sách là Henri Gourdon, giáo viên trường Thuộc địa, Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Nha Học chính Đông Dương. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, tác giả Henri Gourdon đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và các xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật xứ An Nam đạt được tính đến thời điểm đó.

Nghệ thuật xứ An Nam – một cái nhìn về Việt Nam đầu thế kỉ 20 - ảnh 1


Dịch giả Trương Quốc Toàn, người chuyển ngũ cuốn sách này chia sẻ: "Trong cuốn sách này mặc dù tiêu đề là Nghệ thuật xứ An Nam, nhưng cách tiếp cận nó là cách tiếp cận của một nhà nghiên cứu khá chuyên sâu và toàn diện. Tác giả đi từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo rồi mới sang đến các ngành nghệ thuật. Tôi muốn nêu một vài điểm thú vị ở đây, như có sự so sánh giữa hai phương Đông – Tây. Khi tác giả quan sát cái đình làng, bản thân các làng xóm được coi giống như một không gian tự trị rồi, thì khi tác giả quan sát sự hiện diện của những ngôi đình làng ở mỗi một làng, tác giả đưa ra nhận xét là những đình làng ở đây tượng trưng cho quyền tự trị, tương tự như hình ảnh các tháp chuông nhà thờ đại diện cho đơn vị hành chính xã ở Pháp, tức là có bao nhiêu làng thì có bấy nhiêu ngôi đình; cũng giống như có bao nhiêu xã ở Pháp thì có bấy nhiêu nhà thờ và tháp chuông. Một nhận xét khác của tác giả cũng được một số nhà nghiên cứu người Pháp thời bấy giờ chia sê, là ở An Nam các quần thể, tổ hợp công trình không phát triển vươn theo chiều cao, không giống như ở phương Tây phải xây càng cao càng tốt, còn ở An Nam người ta xây các công trình theo một tỷ lệ vừa phải, thân thiện, nhưng người ta kết hợp, dàn hàng ngang ra thành các quần thế và kết hợp với các không gian xanh. Đấy là một nhận xét khá là tinh tế"

Nghệ thuật xứ An Nam – một cái nhìn về Việt Nam đầu thế kỉ 20 - ảnh 2
Dịch giả Trương Quốc Toàn - Ảnh: Báo Tiền phong


Cuốn sách được chia làm 5 phần: Phần mở đầu mô tả khái quát các đặc điểm xã hội, dân tộc, lịch sử chung của đất nước An Nam, ba phần tiếp theo mô tả các ngành nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, thủ công mỹ nghệ, và cuối cùng là xu hướng vận động của các lĩnh vực này trong bối cảnh An Nam là thuộc địa của Pháp. Cuốn sách đã đưa người đọc đi theo một cuộc hành trình từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo rồi mới đến nghệ thuật xứ “An Nam”. Tác giả bàn đến nhiều vấn đề từ hành trình lịch sử, ảnh hưởng tôn giáo, tín ngưỡng, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội khác hơn trong cái nhìn của người Pháp. Tuy có một số điều gây tranh cãi hoặc góc nhìn không chính xác về nghệ thuật Việt Nam một thuở, nhưng nó cũng cho thấy, như họa sĩ  Bùi Hoài Mai nhận xét:" Khi đọc cuốn sách này tôi thấy một điều thú vị, đó là tôi hiểu được tư duy của một người như ông Gourdon, thời điểm đó. Vào thời điểm đó, thông tin chỉ là như vậy, và hiểu biết của ông là như vậy. Và cái nhìn thoáng qua, theo kiểu đó nó sẽ phản ánh điều gì? Qua quyển sách này, chúng ta sẽ thấy là phải đi tìm hiểu nó, và sẽ thấy rằng à, mặc dù có vẻ như hình thức chỉ là bản sao, nhưng bên trong nó thì bằng cách nào đó người Việt vẫn tìm được cho mình một góc văn hóa mà đối với họ văn hóa là một sản phẩm tạo cho họ một cảm giác vừa đủ."


Như họa sĩ Bùi Hoài Mai, dịch giả Trương Quốc Toàn và nhiều nhà nghiên cứu khác chia sẻ, tác phẩm cũng thể hiện quan điểm của tác giả là góc nhìn của người đứng từ nghệ thuật phương Tây đề cao cái tôi trong nghệ thuật, cũng như vấn đề tư liệu không đầy đủ vào thời điểm đó, nên khi đặt trong bối cảnh hiện tại có thể có những vấn đề đối thoại lại được. Như tác giả Gordon khẳng định văn học nghệ thuật An Nam ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, An Nam không có hội họa mà chỉ có thợ vẽ vì tác phẩm thường vô danh, sự sùng bái nghệ thuật Trung Hoa đã tác động nguy hại tới cái tôi trong nghệ thuật…, vv. Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cho rằng: " Tôi đọc thấy tác giả tham khảo hai học giả quan trọng của thời đó, một là Doumer – một trong những người Pháp đến sớm ở Việt Nam, và ông có một công trình rất quan trọng đó là nghiên cứu về văn nghệ, về tiếng hát bình dân của người An Nam. Và hai nữa là Léopold Cardière, một cha cố ở Huế, có thể coi là học giả hàng đầu, lứa đầu tiên của người Pháp đến Việt Nam. Và ông này có hàng chục công trình viết về tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt. Và cũng là một trong những người tạo ra tạp chí rất quan trong BAVH (Những người bạn của cố đô Huế), thì việc tham khảo những tác giả như vậy cũng là một phẩm chất thể hiện sự nghiệm túc của tác giả Gordon. Tuy nhiên bên cạnh thì có thể có một số quan điểm mà tại thời điểm đó do mảng tư liệu hoặc có thể do thông tin mà tác giả chưa thể kiểm chứng nên có thể dẫn đến một số cái nhận định mà đến hôm nay chúng ta biết là hoàn toàn có thể đối thoại lại được"


Nhưng trên hết, những khảo cứu nghiêm túc của Henri Gourdon trong nghệ thuật, đã thể hiện cái nhìn một người Pháp từng sinh sống và gắn bó với xứ An Nam một thời gian dài, giúp độc giả hình dung về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa và các ngành thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam thời kỳ đó, cũng như rõ hơn về bối cảnh chung của xã hội An Nam cả về văn hóa, tín ngưỡng…vào đầu thế kỷ 20.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác