Nguyễn Trương Quý với những câu chuyện về Hà Nội

(VOV5) - Nhà văn Nguyễn Trương Quý, với những tản văn và truyện ngắn nổi bật thời gian qua, được độc giả nhớ tới như một tác giả đằm sâu trong văn hóa Hà Nội.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội nhưng Nguyễn Trương Quý lại quyết định rẽ ngang sang viết báo, viết văn và dịch sách. Từ tác phẩm đầu tay là tập tiểu luận “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), các tập sách đã ra mắt của Nguyễn Trương Quý, từ tản văn, tiểu luận, du khảo cho đến truyện ngắn, đều là những lát cắt về Hà Nội: Ăn phở rất khó thấy ngon (2008); Hà Nội là Hà Nội (2010); Xe máy tiếu ngạo (2012), Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013), Còn ai hát về Hà Nội (2013),  du khảo Một thời Hà Nội hát (2018)

Như anh lý giải, Hà Nội trở đi trở lại trong sáng tác của anh, khi: “vốn văn hóa của tôi thu nạp được từ đây, nên việc Hà Nội là một đề tài trong sáng tác của mình cũng là lẽ tự nhiên. Bởi vì tôi nhận thấy ở đấy một không gian có tính số phận, một khu vực văn hóa có các diễn biến đổi thay, một nơi sinh sống của nhiều kiểu người, phận người chịu ảnh hưởng của bề dày lịch sử. Những điều đó theo tôi là đáng kể để tìm hiểu, giải mã và ghi lại. Thêm vào đó, vì là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nên tôi chịu ảnh hưởng của những tác động của Hà Nội lên mình.

Nguyễn Trương Quý với những câu chuyện về Hà Nội - ảnh 1Nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Tập tiểu luận đầu tay của Nguyễn Trương Quý “được hình thành từ những bài viết về không gian kiến trúc Hà Nội, các đời sống sinh hoạt trong cái vỏ kiến trúc đó, và một đôi nét suy ngẫm về bản sắc giá trị của Hà Nội. Nó cũng là những quan sát và suy nghĩ có phần hồn nhiên, bồng bột thời những năm hai mươi tuổi. trước những Hà Nội đổi thay lúc đó.Cuốn sách cũng có may mắn được sự đón nhận nhiệt tình, coi như một cái duyên với đề tài Hà Nội. 15 năm sau cuốn sách ra đời thì Hà Nội thay đổi và tôi cũng đã có những khác biệt nhưng nó vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ.”

Những sáng tác của Nguyễn Trương Quý, đặc biệt là du khảo, tiểu luận, tản văn, có thể có khởi đầu từ những bài báo của anh – vốn rất giàu thông tin mới, và luôn phảng phất thoáng chút hóm hỉnh, khi triển khai thành tác phẩm, đều giữ được giọng văn hóm hỉnh cuốn hút ấy, nhưng hoàn toàn không dựa vào cảm tính, "cảm nhận" như thường thấy, mà có những cứ liệu, những nghiên cứu đối chứng cẩn thận, chính xác trong cái nhìn lịch sử, mở ra những chân trời mới cho bạn đọc tiếp cận lịch sử văn hóa Hà Nội, đặc biệt với cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” xuất bản năm 2018.

Nguyễn Trương Quý với những câu chuyện về Hà Nội - ảnh 2

Hà Nội xưa nay vẫn là một đề tài phong phú cho các nhà văn, và cũng là đề tài làm nên tên tuổi nhiều nhà văn lớn. Nguyễn Trương Quý chọn lựa những góc tiếp cận rất riêng của mình, khi nhận thấy rằng: “Hà Nội thường được tiếp cận ở hai hướng: Các chất liệu sử thi thông qua các sự kiện lớn, và yếu tố phong tục với những câu chuyện nhỏ. Thật ra cũng khó rạch ròi nếu người viết triển khai song song cả hai tuyến.

Tôi quan tâm đến những câu chuyện nhỏ ghi lịch sử của Hà Nội, những vấn đề về kiểu sống, lối ăn mặc, những di sản phi vật thể mà tôi gọi là các dấu chân hóa thạch vô hình, như các biểu tượng văn hóa trao truyền qua bài hát, tranh vẽ, bài thơ…Tôi biết nhiều bài hát đã đi vào trong tâm trí người Hà Nội và nhiều vùng khác, bởi vì nó cung cấp toàn bộ những hình ảnh, biểu tượng về Hà Nội, mà đến giờ người ta vẫn gắn Hà Nội với những hình ảnh đó”.

Nguyễn Trương Quý chia sẻ rằng anh “thích nhìn Hà Nội ở khía cạnh phúng dụ của nó, nơi mỗi con người là một bản thể sinh động, sự thích ứng của môi trường sống. Cho dù chẻ nhỏ đến đâu, thì những dữ kiện lịch sử cũng vẫn có đường dây liên kết với các bối cảnh lớn. Rõ ràng là có những tác phẩm hoành tráng, đại tự sự, nó vẫn lấp lánh những cái nho nhỏ của những câu chuyện thường nhật, của những quan hệ con người với nhau, như lối sống…Vì thế để viết được về cái rất nhỏ, tôi vẫn phải bỏ công khảo sát những văn bản lớn, những câu chuyện có tính biên niên, để xác định cái bất ngờ đó nằm ở đâu.”

Có người chọn giọng ngợi ca, có người chọn giọng ngậm ngùi khi nói về quá vãng. Còn Nguyễn Trương Quý nghĩ mình “cần tránh những xu hướng một màu khi viết về Hà Nội: Hà Nội sinh động hơn thế và cung cấp cho người viết những góc nhìn, đặt ra những câu hỏi tại sao và như thế nào. Người viết phải luôn luôn trăn trở xem là tại sao lại như thế, và cái duyên cớ sinh ra những hiện tượng đó từ đâu.”

Nguyễn Trương Quý với những câu chuyện về Hà Nội - ảnh 3Một góc nhìn về Hà Nội - Ảnh: Vũ Minh Quân 

Năm nay, Nguyễn Trương Quý dự kiến sẽ ra mắt một cuốn tản văn tiếp theo về một khía cạnh đời sống thị dân Hà Nội, ăn và mặc trong vòng một thế kỷ qua, hứa hẹn những điều hấp dẫn khi những câu chuyện xưa được anh nghiên cứu kỹ lưỡng, và đã hé lộ đôi chút qua một vài bài đăng báo rất thú vị thời gian qua: “Trong cuốn sách này tôi tập trung vào đối tượng đàn ông Hà thành, những người mà dường như được phác họa nhiều, nhưng những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Đằng sau việc ăn những món chỉ Hà Nội mới có, mặc những bộ cánh âu hóa, để thành những đặc trưng hình ảnh của người Hà Nội, là những quan niệm văn hóa gì? Nhiều thứ hiện nay ta nghiễm nhiên coi là đặc trưng, có nét truyền thống thực, thì thực tế lại mới chỉ hình thành trong vòng một thế kỷ.”

Có rất nhiều nhà văn được định danh với những sáng tác chuyên về một vùng đất, như Trần Kiêm Đoàn viết về Huế, như Bình Nguyên Lộc về Nam Bộ vv…  Nguyễn Trương Quý chia sẻ rằng: “Tôi cũng không chủ ý gắn mình với địa danh Hà Nội. Song nếu đó là ấn tượng của độc giả với tôi thì có thể đó cũng là cái duyên. Tuy nhiên, Hà Nội là một định đề đã có sẵn ở đó. Tôi rõ ràng có rời nó đi đâu, thì cũng phải tham chiếu đến. Cho dù tôi chọn đề tài khác, không gian khác, tôi vẫn giữ lợi thế của mình khi có Hà Nội là một đối sánh, nhất là một đối sánh còn nhiều khoảng trống cần khám phá.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác