Nhà hát kịch Hà Nội khẳng định thương hiệu bằng những tác phẩm chính kịch

(VOV5) - Nhà hát Kịch Hà Nội 55 năm qua đã dàn dựng hơn 100 vở diễn, gây được tiếng vang rộng rãi, góp phần tạo nên thời kỳ hoàng kim cho sân khấu kịch. Dù kịch mục của nhà hát khá đa dạng từ những vở kịch ngắn, kịch thơ, đến những vở kịch nước ngoài, chùm hài kịch, kịch dân gian nhưng chính kịch vẫn là xương sống, là nhân tố chính tạo nên thương hiệu của nhà hát.


Nhà hát kịch Hà Nội khẳng định thương hiệu bằng những tác phẩm chính kịch - ảnh 1
Những vở diễn nổi tiếng của Nhà hát Kịch Hà Nội trong 55 năm qua. Ảnh: dangcongsan.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Hơn nửa thế kỷ qua, nhà hát kịch Hà Nội luôn được công chúng yêu mến bởi các vở diễn chính kịch. Những vở diễn nổi tiếng của nhà hát như: “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Đêm tháng 7”, “Bức tranh mùa gặt”, “Tôi và chúng ta”, “Lũy hoa”, “Thầy Khóa làng tôi”, “Cát bụi”, “Hà My của tôi”, "Sám hối", "Hà Nội đêm trở gió", “Điện thoại di động”... đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt bởi phản ánh những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Và dù ở thời kỳ nào thì những vỡ diễn chính kịch vẫn thu hút người thưởng thức. Nghệ sĩ Nhân dân Minh Hòa, Phó Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội, cho biết: “Mỗi nhà hát đều cố gắng tạo cho mình một phong cách riêng. Nhưng Nhà hát Kịch Hà Nội với truyền thống của mình thì vẫn luôn luôn bám sát những vấn đề nóng của xã hội, những vấn đề ngày hôm nay công luận lên tiếng thì Nhà hát Kịch sẽ cùng lên tiếng với công luận để nói lên tâm tư, nguyện vọng của những người dân trong cuộc sống. 55 năm qua, cho đến ngày hôm nay vẫn luôn luôn đi theo truyền thống của Nhà hát và phong cách mà mình đã định hình. Nhưng bên cạnh đó cũng có những vở kịch giải trí nhẹ nhàng để đáp ứng nhu cầu rộng rãi hơn của khán giả thủ đô”.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa cho biết những vở diễn chính kịch là những vở diễn thuộc dòng kịch chính thống, bám sát cuộc sống, phản ánh cuộc sống, làm những nhiệm vụ phản ánh, đấu tranh với những tiêu cực mạnh mẽ, ca ngợi những gương tốt, gương điển hình của đất nước. Những đề tài tưởng như khô cứng, nhưng với tài năng của biên kịch và khả năng diễn xuất của diễn viên, nhà hát kịch Hà Nội luôn có những vở diễn hay. Hiện nay cùng với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật diễn xướng, phương tiện nghe nhìn, người xem có nhiều cơ hội thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác, nhưng nhà hát kịch Hà Nội vẫn hấp dẫn công chúng bằng những tác phẩm chính luận. Nghệ sỹ nhân dân Minh Hòa cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, Nhà hát dựng vở "Những người con Hà Nội" là vở để kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, là một vở chính kịch rất khô khan nhưng khán giả đến xem đánh giá rất cao. Đó là một minh chứng cho dòng kịch chính thống mà Nhà hát đang theo đuổi. Khi họ đến xem, chủ quan của mình thấy anh em nghệ sỹ diễn nhiệt huyết, hết lòng và ai cũng đam mê, say sưa với nhân vật của mình, ngày tập 3 suất, gần như cả buổi trưa cũng tập.Vở kịch dài 2,5 giờ đồng hồ không một khán giả nào bỏ về. Một vở kịch không mang tính giải trí, khán giả họ ngồi từ đầu đến cuối vở diễn, vỗ tay không đứng dậy và vẫn cứ ngồi, diễn viên chào đến 3 lần khán giả mới đứng dậy đi về thì đó là minh chứng cho sự thành công. Có những sự thành công về mặt kinh tế nhưng có những sự thành công phải đánh giá về mặt nghệ thuật”.

Lựa chọn dòng chính kịch để lôi cuốn khán giả, ngoài sự chắc chắn, hấp dẫn của kịch bản còn phải kể đến yếu  tố thể hiện của diễn viên. Hiện nay, nhà hát kịch Hà Nội đang sở hữu những nghệ sỹ có tài, có sắc được đông đảo công chúng yêu mến, quen mặt thuộc tên như: NSND Hoàng Dũng, NSND Minh Hoà, NSƯT Xuân Đồng, NSƯT Tiến Đạt, NSƯTCông Lý, NS Kiều Thanh…Và những diễn viên trẻ đã thành danh như  Quang Minh, Thanh Hường, Lê Thiện Tùng.  Chính kịch là một thách thức đối với các nghệ sỹ và khi nghệ sỹ trẻ được diễn những vở chính kịch thì đó là cơ hội rất tốt để trau dồi nghề nghiệp và bản lĩnh của mình trên sân khấu. Nghệ sỹ Lê Thiện Tùng cho biết: “Với những khán giả khó tính, họ muốn "Tôi đến đây để thưởng thức nghệ thuật" thì chính kịch vẫn là loại hình nghệ thuật quý giá mà chúng ta vẫn phải gìn giữ và bảo tồn, phát huy nó ngày một tốt hơn. Những vở diễn chính kịch là những vở diễn thực sự khó khăn với người nghệ sỹ đã lao động hết sức, thật sự là lao động vì nghề nghiệp mà không phải đơn giản là khi diễn 1 vở chính kịch họ nhìn thấy những cái khô khan nhưng ở bên trong đó là một sự khổ luyện và từ tác giả đến êkíp sáng tạo đã tìm tòi và sáng tạo ra được những cái gì đó để gửi đến những hơi thở cho khán giả”.

Đồng hành cùng sự phát triển của nhà hát kịch Hà Nội, dòng chính kịch đã, đang và tiếp tục được khán thính giả yêu thích và ủng hộ. Các vở chính kịch tiếp tục được dàn dựng và cơ hội thể hiện cho các tài năng trẻ ngày một nhiều hơn. Hiện tại, Nhà hát kịch Hà Nội vẫn tiếp tục dàn dựng, công diễn những tác phẩm chính kịch với nhiều đề tài. Bên cạnh tiếp cận và đi sâu vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện tại, diễn tả những con người hôm nay thì đề tài về chiến tranh cách mạng vẫn được công chúng quan tâm và là một nguồn cảm xúc cho các nghệ sĩ của nhà hát kịch Hà Nội./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác