Nhà văn Ngô Tất Tố - cầu nối giữa báo chí và văn chương

(VOV5) - Những bài báo của nhà văn Ngô Tất Tố “không chỉ mới trong câu văn mà còn mới trong mạch nghĩ

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Nhà văn Ngô Tất Tố - cầu nối giữa báo chí và văn chương - ảnh 1Nhà văn Ngô Tất Tố và bút tích 

Có lẽ không cần phải nhiều lời khi nhắc đến nhà văn Ngô Tất Tố. Chỉ với tiểu thuyết “Tắt đèn” – tác phẩm thuộc hàng kinh điển giai đoạn 1930-1945, nhà văn Ngô Tất Tố đã sớm khẳng định vị trí của mình trong văn học Việt Nam hiện đại.

Cuộc đời cũng như sự nghiệp của Ngô Tất Tố đã trở thành đối tượng khảo sát của nhiều nhà phê bình. Thậm chí, tên tuổi của nhà văn Ngô Tất Tố đã được “phổ thông hóa”, theo cách nói của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Cuộc đời, sự nghiệp của Ngô Tất Tố có ảnh hưởng sâu rộng trong buổi nhận đường. Với những đóng góp của giới nghiên cứu, lí luận phê bình, đặc biệt là công tác giảng dạy trong nhà trường, tên tuổi và sự nghiệp của Ngô Tất Tố đã được phổ thông hóa. Một tên tuổi, một sự nghiệp được coi là hành tranh không thể thiếu của một người được coi là trưởng thành về mặt văn hóa.”

Với khoảng ba mươi năm cầm bút, ông để lại một di sản đồ sộ. Trong đó, không chỉ có tiểu thuyết “Tắt đèn”, các phóng sự “Việc làng”, “Tập án cái đình”, “Lều chõng”, nhiều tác phẩm dịch thơ Đường, chú giải Kinh Dịch… mà còn bao gồm một số lượng các bài báo được đăng tải trên khoảng 30 tờ báo, tạp chí khác nhau.

Trong cuốn “Tổng thư mực Ngô Tất Tố” của hai tác giả Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch. “Ngô Tất Tố đã để lại hơn 1.500 tác phẩm” với hơn 30 bút danh, trên 20 chuyên mục trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, thống kê này có thể vẫn còn thiếu sót: “Tôi ghi nhận việc ông Đắc Điềm đã tiếp cận từng tờ báo lẻ một để thấy trên từng tờ báo đó, Ngô Tất Tố có những bài báo gì, kí tên là gì, dưới những mục nào. Năm 2010 đã ra cuốn “Tổng thư mục Ngô Tất Tố”, tức là tổng các bài báo đó, thống kê được rất nhiều tác phẩm nhưng, theo tôi vẫn để lọt một số mảng báo chí của Ngô Tất Tố, mà tôi tính vào hai tờ: tờ “Tuần lễ” làm từ năm 1938 đến năm 1940 ở Vinh và tờ “Trung Việt tân văn” xuất hiện đầu năm 46 ở Hà Nội.”

Dĩ nhiên, việc xác định lại các bài báo của Ngô Tất Tố, nhất là khi ông dùng nhiều bút danh và viết cho nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau là chuyện cần thêm nhiều thời gian lẫn công sức của các nhà nghiên cứu. Tuy vậy, với những gì đã biết, di sản này vẫn đủ sức khiển nhiều người khâm phục.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng những bài báo của nhà văn Ngô Tất Tố “không chỉ mới trong câu văn mà còn mới trong mạch nghĩ”: “Ngô Tất Tố đã viết báo trong một nghĩa vụ công dân đấu tranh cho lẽ phải, cho đạo lí của cái đương thời, của việc đang xảy ra. Nó là sự lên tiếng trước thời cuộc, trước vận nước. Ông vạch trần các thứ bánh vẽ, lừa dân của tầng lớp thống trị, vạch ngay khi bọn gian viết chưa khô mực, bọn bịp nói vừa dứt lời. Chúng tuyên truyền kinh tế phục hưng, đời sống dân chúng được cải thiện. Ngô Tất Tố từ tốn dẫn chứng: gạo 4đ/ tạ bây giờ kinh tế phục hưng lên 12đ, vải trắng 22x/ mét bây giờ lên 40 xu. Kinh tế phục hưng như thế mà người lao động, như Ngô Tất Tố viết, chỉ biết trông vào giọt mồ hôi – cái sản nghiệp mà trời ban cho họ thì họ sẽ sống ra sao.”

Nhà văn Vũ Trọng Phụng từng nhận xét Ngô Tất Tố là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho”. Ở lĩnh vực báo chí, ông luôn bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc khi phê phán nhiều vấn đề của xã hội thuộc địa, cũng không ngại chỉ trích nhiều người trong bộ máy quan chức nhà nước từ Toàn quyền, Thống sứ… đến nha lại, cường hào. Chính đề tài thời sự và sức nóng của hiện thực từ hoạt động báo chí đã “tiếp sức” cho những tác phẩm văn chương của ông ra đời. Và đến lượt nó, văn chương Ngô Tất Tố cũng mang đậm màu sắc của hiện thực xã hội lúc bấy giờ.

GS. Phong Lê không ngần ngại gọi Ngô Tất Tố là nhà văn hiện đại, dẫu nghiệp văn của ông nằm trọn ở nửa đầu thế kỉ XX: “Trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Nhà Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân thời, rất cùng thời với chúng ta trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm và bao trùm một nhà văn hóa, nhà học giả… Ngô Tất Tố luôn làm ta kinh ngạc vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu sa của sự sống và của cả nền văn hóa, và vì sự nhạy cảm, thức thời, cập nhật của thời sự, của hiện tại.

Cũng có lẽ chính vì vậy, hầu hết các tác phẩm văn chương của nhà văn Ngô Tất Tố đều được “chào đời” trên các trang báo, tạp chí. Ông đã tận dụng thế mạnh của báo chí để đưa tác phẩm đến với bạn đọc nhanh nhất. Và mặc khác, ở một lí do khách quan, những trang viết của ông là sự gặp gỡ giữa cái hay của nội dung, tư tưởng và thị trường.

Sự nghiệp của nhà văn Ngô Tất Tố có nhiều đỉnh cao vinh quang. Chỉ riêng ở góc độ nhà văn của dân quê và nhà báo của thành thị, chúng ta cũng tìm thấy ở ông cả sự nhân văn lẫn sắc sảo. Trong giai đoạn chuyển mình của lịch sử, tự ông đã xây đắp cho mình một vị trí vững vàng không chỉ trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại mà cả trong giai đoạn giao thời của lịch sử.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác