Những đạo diễn Việt kiều từ “làng” điện ảnh Pháp với dòng chảy điện ảnh Việt Nam

(VOV5) -Sự tham gia của các đạo diễn Việt kiều như một làn gió mới với thị trường điện ảnh Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây, đặc biệt là những năm gần đây. Nhưng những người mở đường và làm rạng danh cho dòng chảy này, lại là những đạo diễn có tên tuổi, học từ điện ảnh Pháp. 

Mở đầu cho làn sóng các đạo diễn Việt kiều về Việt Nam làm phim là đạo diễn Lê Lâm với phim Đế chế tàn vụn quay năm 1982. Ông cũng là đạo diễn Việt kiều đầu tiên được giới điện ảnh nước ngoài chú ý đến. Với bộ phim ngắn đầu tay Long Vân Khánh Hội làm năm 1980 tại Pháp, được giới thiệu trong chương trình Triển vọng của điện ảnh Pháp tại  Liên hoan phim Cannes năm đó, cũng như được mời tham dự các LHP lớn nhất của thế giới, Lê Lâm đã có những thành công tiếp sau đó với bộ ba phim về đề tài Đông dương, cả phim truyện và phim tài liệu truyện: Đế chế tàn vụn, 20 đêm và một ngày mưa.

Những đạo diễn Việt kiều từ “làng” điện ảnh Pháp với dòng chảy điện ảnh Việt Nam - ảnh 1 Đạo diễn Lê Lâm chia sẻ kinh nghiệm làm phim với giảng viên, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - Ảnh: Cao Mạnh Tiến/skda.edu.vn

Đau đáu với đề tài Việt Nam với sự gắn kết trong một trang lịch sử đau thương đã qua giữa Việt Nam và Pháp, những bộ phim rất thành công đã vẽ nên chân dung vị đạo diễn "giữa hai nền văn hóa, giữa hai nước, giữa hai quá khứ lịch sử" như nhà phê bình điện ảnh Pháp nổi tiếng Serge Daney nhận xét.

Đạo diễn Lê Lâm tâm sự việc ông làm phim tài liệu Công binh như một phim truyện, cũng như việc làm cả chùm phim đề tài Đông Dương là có nguyên cớ sâu xa: "Một khi muốn kể như phim truyện thì phải tìm được ngôn ngữ nào xứng đáng và thích hợp với chiều sâu của câu chuyện. Chiều sâu phải thấm thía đi sâu vào dân tộc của mình, thành ra khó lắm. Mà tôi còn là Việt kiều sống ở hải ngoại nữa, nên mình bắt buộc phải sưu tầm, phải nghiên cứu về dân tộc của mình một cách rất chu đáo. Và mình lại nghĩ lại, nhớ lại mình là người Việt, lúc mình sống ở Việt Nam như thế nào."

Hồ Quang Minh tốt nghiệp tiến sĩ khoa học vật lý trường Bách khoa liên bang Thuỵ Sĩ. Ông từng đi làm nghề thương mại xuất nhập khẩu để kiếm sống, nhưng sau đó bỏ tất cả để theo học điện ảnh ở Pari, dù chỉ được học lớp chuyên tu vì khi đó đã 26 tuổi. Khi đạo diễn Lê Lâm thực hiện bộ phim đầu tay Long Vân Khánh Hội, thì Hồ Quang Minh làm phụ tá cho Lê Lâm. Hồ Quang Minh kể lần đầu tiên về nước năm 1981 ông chỉ định về thăm gia đình, nhưng may mắn gặp được nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng, quay phim chính của Hãng phim truyện Việt Nam, và được ông giới thiệu cho một số đồng nghiệp Việt Nam như các đạo diễn Huy Thành, Hồng Sến, Phạm Văn Khoa…Từ cơ hội đó, Hồ Quang Minh là đạo diễn điện ảnh Việt kiều đầu tiên trở về Việt Nam làm phim cùng với các Hãng phim nhà nước của Việt Nam, sản xuất bởi các hãng phim Việt Nam hoặc liên kết.  

Vào năm 1985, Hồ Quang Minh thực hiện bộ phim  Con thú tật nguyền của  Hãng phim Giải phóng. Những năm tháng đó, việc giao lưu với nước ngoài khó khăn. Vì thế, như đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết “Khi tôi ký chẳng hạn hợp đồng hợp tác phim “Con thú tật nguyền” với hãng phim Giải phóng, thì một trong những nhiệm vụ của tôi là đưa phim ra nước ngoài. Với tư cách là một Việt kiều có lẽ dễ hơn vì những năm đó Việt Nam còn bị cấm vận.” Tiếp đó ông làm các bộ phim Trang giấy trắng (1991), Bụi hồng (1996) và mang những phim này tham dự một số liên hoan phim quốc tế. “Bụi hồng” đã đoạt Bông sen bạc và một giải nhất kỹ thuật cho nhà quay phim Lê Đình Ấn trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X tại Hải Phòng.

Những đạo diễn Việt kiều từ “làng” điện ảnh Pháp với dòng chảy điện ảnh Việt Nam - ảnh 2 Một cảnh trong phim Thời xa vắng

Kể cả Thời xa vắng (thực hiện năm 2003) thì đạo diễn Hồ Quang Minh có trong tay bốn bộ phim truyện và hai phim tài liệu. Tại LHP điện ảnh châu Á Vesoul (Pháp) năm 2005, bộ phim Thời xa vắng nhận giải Emile Guimet (Viện bảo tàng Quốc gia về nghệ thuật châu Á). Đây là giải dành cho những bộ phim, ngoài chất lượng điện ảnh, còn đề cao văn hóa châu Á.

Năm 1993, đạo diễn trẻ người Pháp gốc Việt  Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim đầu tay  Mùi đu đủ xanh tại  Pháp. Ngay từ tác phẩm đầu tay này, Trần Anh Hùng đã thành công. Mùi đu đủ xanh giành được giải Trẻ và giải Camera vàng trong Liên hoan phim Cannes năm đó. Sang năm  1994, phim được đề cử tranh  giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất và giành được giải César cho tác phẩm đầu tay.

Những đạo diễn Việt kiều từ “làng” điện ảnh Pháp với dòng chảy điện ảnh Việt Nam - ảnh 3 Một cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng

Năm  1995, Trần Anh Hùng trở về Việt Nam làm phim  Xích lô, với sự tham gia của nhiều diễn viên Việt Nam cùng tài tử Hồng Kông Lương Triều Vỹ. Phim đã giành được Sư tử vàng và giải FIPRESCI tại Liên hoan phim Venice năm 1995. Năm  1999, Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim thứ ba cũng ở Việt Nam,  Mùa hè chiều thẳng đứng với sự tham gia của nhiều diễn viên Việt Nam nổi tiếng. Sau này, ông thực hiện một số phim nghệ thuật khác khá thành công nhưng không liên quan đến đề tài Việt Nam. Kể về cách ông lựa chọn diễn viên cho phim, Trần Anh Hùng cho biết: "Khi mà họ xuất hiện thì chất nhân văn của họ sẽ tỏa ra như thế nào đó, dựa vào đó tôi sẽ so sánh với cái nhân văn của nhân vật trong phim. Nếu mà hợp thì đó là người thể hiện tốt cho phim." 

Những đạo diễn có xuất xứ từ cái nôi điện ảnh Pháp này, đều gắn bó ít nhiều tới hoạt động điện ảnh ở Việt Nam. Nếu Hồ Quang Minh tham gia một thời gian trong việc làm phim, thì đạo diễn Trần Anh Hùng thường về nước giảng dạy các khóa ngắn đào tạo đạo diễn trẻ trong nước. Đạo diễn Lê Lâm ngoài tổ chức chiếu phim, hội thảo về điện ảnh, hợp tác với các cơ quan điện ảnh trong nước, thì với uy tín của mình tại các LHP của Pháp, còn tự nguyện tuyển chọn, giới thiệu các phim hay các đạo diễn Việt Nam với những LHP này.

Sau sự mở đường của thế hệ tài năng này, dòng phim thị trường của các đạo diễn Việt kiều trong một vài năm trở lại đây cũng được coi là khá thành công về mặt thương mại trong nước.. Nhưng đó lại là câu chuyện  khác!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác