Nỗ lực đưa xiếc Việt ra thế giới

(VOV5) - Hàng loạt tiết mục xiếc Việt Nam lên đường xuất ngoại, bước đầu xác lập vị thế xiếc trên bản đổ sân khấu thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nỗ lực đưa xiếc Việt ra thế giới - ảnh 1Nhiều tiết mục được xây dựng với hình ảnh VH truyền thống ( (Nguồn internet) 

Trở về từ Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017, diễn viên Ngọc Ánh và Thu Thùy, Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam lại gấp rút hoàn thiện tiết mục “Cánh chim Việt” chuẩn bị cho chuyến lưu diễn sắp tới. Với giải Vàng tại Liên hoan “Cánh chim Việt”, đã nhận được nhiều lời mời hợp tác của các nước như Tây Ban Nha, Anh, Mexico… Tiết mục được bạn bè quốc tế đánh giá là có bản sắc, sử dụng đạo cụ độc đáo, âm nhạc hấp dẫn cùng trang phục mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Theo diễn viên Thu Thùy, “Cánh chim Việt” đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về nghệ thuật cũng như bảo đảm doanh thu cho những nhà tổ chức biểu diễn quốc tế: "Mình dựng theo kiểu dân gian của Việt Nam mình thì sẽ luôn ăn khách ở thị trường quốc tế. Đi lưu diễn tại nước ngoài cùng với các bạn mình sẽ có thể học hỏi được nhiều điều từ các bạn và về đây trở thành một giáo viên để dạy lại các em".

 Xác định xiếc Việt phải hướng đến công chúng quốc tế, các nghệ sĩ Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mạnh dạn thể hiện những ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật xiếc như tiết mục “Cô gái làng hoa” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Hà, “Tạo hình trên dây da” của cặp đôi Nguyễn Thị Thu Hường và Nguyễn Văn Thái.

Khán giả như nghẹt thở với những động tác tung hứng nguy hiểm cùng khả năng diễn xuất rất “hồn” của các nghệ sĩ. Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các chương trình, tiết mục xiếc Việt Nam thành công trên sân khấu thế giới đều thể hiện được sự khác biệt, bản sắc của Việt Nam. Những trò kỹ xảo trên sân khấu được thay bằng những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, là sự tổng hòa của âm nhạc, vũ đạo, của các kỹ xảo xiếc và kỹ năng biểu diễn của diễn viên:    

Trong nghệ thuật yếu tố lạ là yếu tố quyết định thành công. Bởi khi là về thể loại, tiết mục, lạ về trang phục, lạ về hình thức biểu diễn, lạ về động tác, kỹ năng, kỹ xảo của xiếc vì thế cho nên chúng ta đã thành công. 

Nếu trước đây, xiếc Việt chủ yếu là mô phỏng các tiết mục đã thành danh trên thế giới, trình diễn dừng lại ở những kỹ xảo, kỹ thuật nhỏ lẻ thì những năm gần đây với sự đầu tư thỏa đáng, liên tục tham dự liên hoan, cuộc thi nghệ thuật xiếc lớn trên thế giới, xiếc Việt đã có bước đột phá, hấp dẫn không ít tập đoàn giải trí quốc tế.

Khởi đầu là chương trình xiếc “Làng tôi” với tour diễn dài 3 năm tại châu Âu và các nước khác trên thế giới, cùng hàng loạt các chương trình, tiết mục biểu diễn tại Lào, Campuchia, Anh... Các tiết mục, chương trình được dàn dựng theo phong cách hiện đại, khai thác tối đa tính sáng tạo của nghệ sĩ. Nhạc công xem diễn viên diễn mà chơi nhạc và diễn viên cũng nghe theo nhạc để diễn. Bà Phouk Narin, Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Xiếc Campuchia, người đã đưa nhiều tiết mục xiếc Việt đến với khán giả xứ chùa Vàng đánh giá:

Tiết mục của các bạn luôn được chuẩn bị công phu, kỹ thuật điêu luyện, khác hẳn với các kỹ thuật nhỏ lẻ, tạp kỹ thông thường, và các tiết mục này có đầy đủ tính chất, chất lượng có thể tham gia các cuộc thi lớn mang tầm quốc tế cùng như đáp ứng được thị hiếu nhiều tầng lớp khán giả.

Xiếc là loại hình nghệ thuật tổng hợp, với ngôn ngữ hình tượng, không bị hạn chế bởi rào cản ngôn ngữ. Thông qua ngôn ngữ xiếc, dấu ấn văn hoá của dân tộc, của đất nước được thể hiện, không chỉ phô bày những kỹ năng, sức sáng tạo của nghệ sĩ mà còn phản ánh cuộc sống, xã hội, tình yêu của con người Việt Nam.

Do đó, con đường hợp tác với các đơn vị giải trí nước ngoài trong việc đưa xiếc Việt ra thế giới, cũng như đưa học sinh các nước đến tại Việt Nam đào tạo xiếc không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, đất nước, xây dựng thương hiệu xiếc Việt mà còn là nguồn thu đáng kể cho các nghệ sĩ xiếc. Hiện nay, Việt Nam đã đưa nhiều đoàn đi biểu diễn khắp châu Âu, có những tiết mục được mời lưu diễn 2 năm liên tiếp, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt Nam và ngỏ ý muốn hợp tác sản xuất chương trình.

NSUT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ: "Ngành xiếc có đặc điểm chung đó là không có ngôn ngữ, không sử dụng lời nói, mà chỉ dùng hình thể, âm nhạc, dùng động tác, đó là thuận lợi để anh em diễn viên, nghệ sĩ giao lưu. Để quảng bá giới thiệu loại hình xiếc, liên đoàn đang xây dựng chương trình Sông Trăng, bây giờ đang có một công ty rất lớn của Đức sau khi sang Việt Nam khảo sát họ đem một nhóm sáng tạo sáng để cùng với mình dàn dựng theo thị hiếu của khán giả bên đấy, làm cùng với mình để vở diễn chặt chẽ hơn, phù hợp với khán giả bên đấy hơn".

 Chủ động xây dựng các chương trình nghệ thuật có tiếng vang trong nước, sau đó đi lưu diễn ở nhiều nước, đó là con đường hội nhập với thế giới mà các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đang thực hiện. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác