Thành phố Cần Thơ đưa di sản đờn ca tài tử hội nhập

(VOV5) - Theo số liệu thống kê, chỉ riêng tại tỉnh Cần thơ đã có hơn 1.000 nghệ nhân thực hành đờn ca tài tử, sinh hoạt trong 170 câu lạc bộ, đội, nhóm tại cộng đồng. Cùng với chính sách của địa phương, đội ngũ nghệ nhân với các hoạt động biểu diễn, truyền dạy, đã góp phần không nhỏ phát huy giá trị của đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, trong thời kỳ hội nhập. 

Thành phố Cần Thơ đưa di sản đờn ca tài tử hội nhập - ảnh 1
Giới thiệu Đờn ca tài tử với sinh viên nước ngoài
Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Từ giữa tháng 9-2016, cứ mỗi sáng thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, Nhà hát Tây Đô và Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Cái Răng, Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Cần thơ luân phiên phục vụ đờn ca tài tử trên chợ nổi Cái Răng và bến Ninh Kiều. Những điệu đờn, lời ca ngọt ngào trong sớm tinh mơ bồng bềnh sông nước níu chân du khách và làm ấm lòng thương hồ giữa cuộc mưu sinh. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần thơ tổ chức thực hiện, trở thành "sản phẩm du lịch" đặc trưng của Cần thơ. Du khách Thanh Huyền cho biết: "Thật  tốt cho mọi người vì có thể thưởng thức chương trình mình thích mà không cần mất tiền vé và rất thoải mái. Bây giờ cũng phải tổ chức như thế này để khán giả trẻ biết được cái gốc của đờn ca tài tử".

Trước đó, từ năm 2005, Trường Đại học Cần Thơ triển khai chương trình "Học phần nhiệt đới" dành cho sinh viên đại học, sau đại học nước ngoài tham gia học tập, nghiên cứu về văn hóa, ẩm thực, đời sống, nông nghiệp… của Việt Nam. Trong khóa học, giảng viên Lê Đình Bích, phụ trách phần văn hóa và âm nhạc dân gian Nam bộ, đã đưa đờn ca tài tử vào giáo án để giảng dạy. Sự đa tài vừa dạy, vừa hát, vừa diễn giải của thầy Bích đã cuốn hút nhiều sinh viên nước ngoài. Đặc biệt, để những nốt nhạc Hò, Xự, Xang, Xê, Cống... của đờn ca tài tử được sinh viên nước ngoài đón nhận, thầy Bích ký âm lại bằng nhạc 7 nốt phương Tây. Chính cách làm ấy đã mang âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ đến gần với thế giới. Thầy Bích cho biết: "
Chương trình mà tôi giảng dạy cho sinh viên Australia, sinh viên Pháp và Nhật có bài giảng về phần vẻ đẹp của văn hóa và âm nhac hạ lưu sông MêKông. Đây là phần học mà tất cả sinh viên đều yêu thích và họ mong muốn được học những nhạc cụ của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhạc cụ đờn ca tài tử".

Ở Cần Thơ còn có những nghệ nhân đờn ca tài tử nỗ lực truyền nghề trong cộng đồng như lão nghệ nhân Hai Đức, ở quận Cái Răng, với cây đờn sến 3 dây độc nhất vô nhị; ông Lý Hùng, thương hồ ở chợ nổi Cái Răng, với tiếng đờn, tiếng ca mộc mạc đời sông nước… Những tấm lòng trân quý nghệ thuật dân tộc đó đã giúp bạn bè thế giới hiểu và đánh giá cao về đờn ca tài tử Nam bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng.

Hiện tại, Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ đang mở lớp truyền nghề đờn ca tài tử căn bản cho 30 nghệ nhân đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử trong toàn thành phố. Một số địa phương như Bình Thủy, Thới Lai… lại quan tâm chăm lo, bồi dưỡng tài năng trẻ cho đờn ca tài tử. Là một trong những người gắn bó với hoạt động tổ chức, hướng dẫn biểu diễn đờn ca tài tử cho thanh thiếu nhi, nghệ nhân ưu tú Kiều Nga, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa quận Thốt Nốt, cho rằng: "
Nếu nhân rộng việc đưa đờn ca tài tử vào nhà trường thì lực lượng kế thừa đờn ca tài tử sẽ được trẻ hóa. Ví dụ như mấy em cấp 1 tiểu học thì mình dạy theo bài nhỏ thôi phù hợp với tuổi của nó, cấp 2 thì mình dạy bài lớn hơn 1 chút. Ở Thốt Nốt hiện mình chỉ chọn được 1 số diễn viên có khả năng ca hát để chỉ dẫn thêm thôi, để tìm ra một lực lượng mới thì chưa làm được".

Cùng với các hoạt động trao truyền, giới thiệu đờn ca tài tử trong cộng đồng, thành phố Cần thơ đã ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy đờn ca tài tử giai đoạn 2016-2020. Quan điểm cốt lõi mà Đề án xác định là giữ gìn bản sắc, giá trị gốc của đờn ca tài tử; đồng thời phát triển các giá trị mới của đờn ca tài tử phù hợp với thị hiếu công chúng trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, việc đưa đờn ca tài tử đến với đời sống tinh thần của giới trẻ, từng bước tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa giải trí thường nhật cũng được tính đến. Một trong những mục tiêu cụ thể mà Đề án này hướng tới là ban hành các quy định, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động đờn ca tài tử, vinh danh những người tâm huyết với nghiệp đờn ca. Đề án là động lực để các nghệ nhân Cần Thơ an tâm theo đuổi nghiệp cầm ca, góp phần đưa di sản đờn ca tài tử hội nhập và phát triển.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác