Trần Văn Lưu, Ngô Mạnh Quỳnh – truân chuyên và viên mãn

(VOV5) - Tọa đàm về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Mạnh Quỳnh -  hai nghệ sĩ mang cốt cách Hà Nội tiêu biểu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cuộc tọa đàm tháng 10 năm nay của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng - tháng sinh nhật lần thứ 7 của CLB - không phải về một văn nhân như thường lệ, mà về hai nghệ sĩ thuộc hai lĩnh vực khác: nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (thường gọi Mạnh Quỳnh). Đây cũng là xu hướng phát triển của câu lạc bộ mở rộng việc tôn vinh, giới thiệu các tác giả thuộc các chuyên ngành văn nghệ khác nhau, trong đó có nghệ thuật tạo hình.

Trần Văn Lưu, Ngô Mạnh Quỳnh – truân chuyên và viên mãn - ảnh 1 Cuộc tọa đàm  về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng - Ảnh: Huy Thắng

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu vốn đã được biết đến với những bức ảnh chụp văn nghệ sĩ trong kháng chiến, như bức ảnh chụp 7 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở Xóm Chòi, Thái Nguyên năm 1949. Di sản ông để lại có đến ba trăm bức, trải dài suốt những năm kháng chiến ở Việt Bắc và nhiều năm sau hòa bình lập lại ở Hà Nội.

Nhưng phải đến năm 2018, 15 năm sau khi nhà nhiếp ảnh qua đời, cuộc đời và sự nghiệp của ông mới được NXB Kim Đồng hé mở với bạn đọc rộng rãi qua cuốn sách "Văn nghệ & Kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu". Một sự tri ân đầy ý nghĩa xuất phát từ một nhà xuất bản chuyên về làm sách cho thiếu nhi, nhưng thiết nghĩ mới chỉ là bước đầu. Sự nghiệp cầm máy của Trần Văn Lưu xứng đáng được tiếp tục phát huy qua nhiều ấn phẩm hơn nữa, sự đóng góp của ông xứng đáng được tưởng thưởng bằng nhiều hình thức hơn nữa, để có được vị trí tương xứng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam mà ông đã góp phần không nhỏ ghi lại lịch sử văn nghệ bằng ống kính của mình, ít nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh thuộc lớp họa sĩ "tây học" đầu tiên: ông tốt nghiệp khoa sơn mài, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, khi 25 tuổi. Đề tài thi tốt nghiệp của ông là một bức tranh sơn mài khổ lớn, bức "Chùa Thầy". Cùng với bức tranh "Lên chùa", đây là những đóng góp xứng đáng của họa sĩ Mạnh Quỳnh vào nền mỹ thuật nước nhà, trước hết là với tư cách họa sĩ sáng tác.

Trần Văn Lưu, Ngô Mạnh Quỳnh – truân chuyên và viên mãn - ảnh 2Cuộc tọa đàm diễn ra trong không khí ấm cúng, với những hồi ức sống động về hai nghệ sĩ lão thành của Hà Nội - Ảnh: Huy Thắng. 

Nói "trước hết" là bởi tiếp đó, Mạnh Quỳnh còn tham gia vào nhiều lĩnh vực mĩ thuật khác, như xuất bản và minh họa sách báo. Ông chính là họa sĩ làm truyện tranh đầu tiên ở nước ta, tạo dấu ấn một thời với những nhân vật như Kaico, Vá, Vếu... Ông cũng từng minh họa rất thành công những cuốn sách do Nguyễn Văn Vĩnh dịch hay viết lời, như Chuyện ngụ ngôn La Fontaine, Qui li ve (Gulliver) du kí, Lên tám; vẽ phụ bản cho các ấn phẩm đặc biệt như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm... Đương thời, người ta cho rằng trẻ em thích các truyện ngụ ngôn La Fontaine của ông Vĩnh dịch là qua các bức minh họa của Mạnh Quỳnh.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh còn chinh phục người yêu cái đẹp ở mảng tranh kí họa trên giấy dó, trên lụa rất đặc sắc của ông. Chỉ bằng vài nét chấm phá, tranh ông gợi ra những hình ảnh rất dân dã và cũng rất có hồn. Ngoài ra, Mạnh Quỳnh còn được nhớ tới là người thầy của nhiều thế hệ họa sĩ, những người được ông truyền thụ không chỉ kĩ thuật vẽ vững vàng, mà trước hết là tinh thần làm việc bền bỉ và niềm say mê khám phá cái đẹp mang bản sắc Việt.

Các sách của họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa, gần đây nhất đã được NXB Kim Đồng tái bản 4 cuốn - những lớp vỉa đầu tiên trong các tầng trầm tích ông để lại...

Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã tổ chức tọa đàm về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Mạnh Quỳnh -  hai nghệ sĩ mang cốt cách Hà Nội tiêu biểu trong những ngày tháng 10 mang nhiều ý nghĩa này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác