Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ

(VOV5) - 23 tác phẩm của 5 họa sĩ với phong cách, chất liệu và đề tài riêng giống như “một bản ngũ tấu đầy thanh điệu".
Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 1 5 họa sĩ chụp ảnh cùng họa sĩ Thành Chương (áo đỏ) và đại diện VP UNESCO tại Hà Nội

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 2Trần Công Dũng, Ranh giới, sơn mài, 120x70cm, 2017 

Triển lãm số 5 đã đem đến 23 tác phẩm của 5 họa sĩ với phong cách, chất liệu và đề tài riêng. Như cách so sánh của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, cuộc triển lãm giống như “một bản ngũ tấu thanh điệu, mời gọi sự tương tác thẩm mỹ của người đất kinh kỳ, để hoàn tất nốt công đoạn thẩm thấu tác phẩm vào tâm hồn”. Anh bộc bạch: “Mùa thu Hà Nội rất đẹp lại có không gian này tạo ra được một phòng tranh tương đối ấm cúng. Theo như mình nói hơi văn chương một chút thì đây giống như một ban nhạc ngũ tấu 5 người, mỗi người chơi một nhạc cụ, phong cách khác nhau, có thể trình bày được một bản nhạc để mọi người truyền đạt được cảm xúc nhất định về cuộc sống, về đời sống nghệ thuật nói chung và đời sống Hà Nội nói riêng”.

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 3Hoàng Hải Anh, Tĩnh vật, sơn dầu, 60x80cm, 2017 

Đến với triển lãm, người xem có lẽ sẽ ấn tượng với những nét tương phản mà cộng hưởng trong phong cách của các họa sĩ. Những nét tươi sáng, bình dị, ung dung tự tại trong tranh tĩnh vật của Hoàng Hải Anh. Hồn cốt Hà Nội đằng sau hoa văn của các cánh cổng cũ trong tranh sơn mài Trần Công Dũng không khỏi khiến người xem xao xuyến. Còn khác với bốn họa sĩ giàu tính hiện thực, họa sĩ Lê Anh Quân lại nói về thân phận con người qua những bức tranh trừu tượng. Anh Quân tâm sự: “Năm sáng tác này tôi sáng tác trong năm nay, 2017. Chủ đề xuyên suốt là về hình ảnh của những đứa trẻ, mượn hình ảnh của những đứa trẻ để nói lên cảm nhận cá nhân, về thế giới quan xung quanh về thân phận con người, về những nỗi niềm cảm nhận thấy ở xã hội”.

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 4

Lê Anh Quân, Hình và bóng, acrylic trên toan, 60x180cm, 2017

 

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 5 Họa sĩ Lê Anh Quân phát biểu tại lễ khai mạc

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lê Trọng Lân cho rằng: “Tranh của Quân tìm về chất của sơn dầu, tạo ra những độ dày, không gian không phải mong manh nhẹ nhàng như của Dũng. Tranh của Quân và Dũng là hai trạng thái đối nghịch nhau. Một người nặng về tạo không gian bằng độ dày, độ xốp, bố cục rất mạnh có sự biến chuyển về hình dạng cũng như thế trong không gian đó. Còn anh Dũng biểu hiện lại nội tâm của mình, nhẹ nhàng đối với thiên nhiên và chú ý đến hòa sắc là chính”.

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 6Hoàng Đức Dũng, Buổi sáng, sơn dầu, 110 x135cm, 2017 

 

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 7 Họa sĩ Hoàng Đức Dũng (ngoài cùng bên trái) và khách đến dự triển lãm

Quả vậy, những tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Hoàng Đức Dũng khiến người xem có đôi chút bối rối với không gian mơ màng. Anh mang đến những trong trẻo, tinh khiết của những buổi sớm mai nơi làng quê yên ả. Nói như nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Long, có thể tranh của Đức Dũng dường như đang “cân bằng lại tâm trạng bất an của người phố thị hôm nay” nhưng chắc chắn “phía sau những khung cảnh thiên nhiên dường như tĩnh lặng kia là những trăn trở triền miên về kiếp người”. Họa sĩ Hoàng Đức Dũng bộc bạch: “Đây là một phong cách khá tiêu biểu của tôi, vẽ một không gian mờ ảo, các hình thể không thực sự rõ ràng. Những dòng sông hoặc những đối tượng tôi diễn tả thường là trong một không gian giữa thực và ảo, giữa cái rõ và mờ, giữa hư và thực. Thực ra cuộc sống luôn vận động và phát triển và khi vẽ tôi muốn diễn tả cuộc sống trong vận động đó”.    

Triển lãm số 5 – bản ngũ tấu mùa thu của những họa sĩ trẻ - ảnh 8

Trịnh Vũ Hiếu, Mơ 1, gốm và sơn mài, cao 72cm, đường kính lớn nhất 50cm, 2017

 Tương phản và cộng hưởng với những tác phẩm tranh vẽ, Trịnh Vũ Hiếu đem đến triển lãm những chiếc bình chất liệu gốm kết hợp sơn mài. Ẩn hiện giữa những họa tiết loan phượng cổ là những gương mặt nửa tỉnh nửa mê tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem. Anh tâm sự anh muốn tìm ra mối liên hệ giữa những trạng thái giữa cuộc sống hiện tại và câu chuyện quá khứ. Họa sĩ Lê Trọng Lân nhận xét: “Về gốm tôi thấy đây cũng là điều đặc biệt. Gốm người ta thường làm chất men với dáng vẻ thuần khiết nhưng đây tác giả mạnh dạn đưa những họa tiết, hình ảnh mới và chất liệu sơn mài đưa cả vào trong gốm, tôi cho đây cũng là một điều táo bạo. Tôi thấy rất mới và khác. Sáng tạo mà làm được những điều khác cũng là điều đáng mừng. Còn vẻ đẹp như thế nào do từng người cảm thụ và đánh giá”.

Nằm tại không gian ấm cúng giữa lòng phố cổ những ngày vào thu, cuộc trình diễn nghệ thuật của nhóm ngũ tấu có lẽ sẽ khiến mỗi người xem tìm về góc yên ả trong tâm hồn. Dù kể câu chuyện quá khứ, hiện tại hay mơ về tương lai, mỗi tác phẩm dường như đều đang cố gắng chạm đến được “những ngóc ngách của kiếp nhân sinh, của tình yêu và thân phận, của vật chất và tinh thần”.

Từ ngày 11 – 21/9, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội giới thiệu triển lãm số 5 với 23 tác phẩm của 5 họa sĩ trẻ Hoàng Hải Anh,  Trần Công Dũng, Hoàng Đức Dũng, Trịnh Vũ Hiếu và Lê Anh Quân. Triển lãm được bảo trợ bởi Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. 

Phản hồi

Các tin/bài khác