Vai trò của báo chí trước những năm 1945: Như một kênh đưa văn học đến với công chúng

(VOV5) - Văn chương đã nâng cánh cho tài năng, đã đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí.

Trước cách mạng có rất nhiều  văn trên báo. Không phải chỉ có những tờ báo văn như Đông Dương, Nam Phong, An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Phong hoá, Ngày nay… mới có hiện tượng báo chí mới cần tới sự hỗ trợ to lớn của văn chương mà  ngay những tờ công báo như: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, rồi Tân Dân, Thanh nghị, Trung Bắc chủ nhật, Hữu ích…cũng đăng rất nhiều tác phẩm văn học. Thậm chí có nhiều tờ như Phổ thông bán nguyệt san mỗi số còn đăng trọn hẳn một cuốn tiểu thuyết.

Vai trò của báo chí trước những năm 1945: Như một kênh đưa văn học đến với công chúng - ảnh 1 Gia Định báo là một tờ công báo, nhưng sau này cũng đăng những tác phẩm vănhọc.

Về vai trò của báo chí trong quá trình hình thành nền văn học Việt Nam hiện đại, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ngay từ khi mới hình thành, báo chí Việt Nam đã đi cùng sự ra đời và phát triển của văn học chữ quốc ngữ Việt Nam. Nói về một truyền thống đã mất của báo chí Việt Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết: “Nền văn học quốc ngữ Việt Nam ra đời cùng lúc với nền báo chí Việt Nam. Cũng có nghĩa báo chí có vai trò rất quan trọng đối với sự ra đời và tồn tại của văn học quốc ngữ. Mà văn học quốc ngữ tức là văn học của người Việt hiện đại.

Với việc xuất hiện báo chí, văn học người Việt có thêm một kênh nữa (trước đây chỉ là kênh khắc in sách thôi), thì bây giờ có thêm kênh tồn tại trên báo chí. Vừa để đăng tác phẩm, nhất là những tác phẩm nhỏ, lẻ có thể đến được với công chúng. Vừa có thể tháo rời những tác phẩm lớn thành nhiều kỳ và đăng trên các báo. Bây giờ nhìn báo chí của chúng ta không thấy một loại mà từng xuất hiện rất dày đặc ở các thời trước, tức là tiểu thuyết dài kỳ (feuilleton). Báo chí của chúng ta đánh mất truyền thống đó rồi. Báo chí từ sau năm 1945, nhất là sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau năm 1975 trên cả nước bỏ quên cách này.”

Vai trò của báo chí trước những năm 1945: Như một kênh đưa văn học đến với công chúng - ảnh 2 Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân -Ảnh: Báo Thể thao và văn hóa.

Vẫn biết ảnh hưởng qua lại giữa văn học và báo chí là ảnh hưởng song phương, đa chiều nhưng là một môn khoa học cơ bản với bề dày lịch sử lâu đời nên văn học đã trở thành cái gốc, là dòng sữa mẹ trong lành nuôi dưỡng báo chí phát triển và tất nhiên hướng tác động từ văn học tới báo chí mới là hướng tác động thuận chiều: vừa mạnh mẽ hơn vừa sâu sắc hơn.

Văn chương đã nâng cánh cho tài năng, đã đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí, đã không chỉ nâng cao bút lực mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường bút hồn cho mỗi bài báo. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Học trò - sản phẩm của nhà trường Pháp Việt – là sản phẩm chính của văn học quốc ngữ. Tức là văn học quốc ngữ trong một chừng mực nhất định chinh sách ngôn ngữ của thực dân. Mà chính sách đó là muốn song hành ở đây chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Đến những năm 30 văn học ấy mới đạt được đỉnh cao phát triển. Có nghĩa là từ những năm cuối thế kỷ 19 cho đến 20 năm đầu thế kỷ 20 văn học chữ quốc ngữ đó vẫn chưa ở trình độ phát triển cao. Nhưng bây giờ nghiên cứu lại, chúng tôi lưu ý là trong những năm như vậy hàng loạt những nhà hoạt động văn hóa bằng phương tiện báo chí, đã tải một lượng tri thức rất đáng kể của phương Tây, của thế giới hiện đại dưới dạng chữ quốc ngữ đến với công chúng. Nên những nhà báo hàng đầu cũng là những nhà truyền bá văn hóa hàng đầu, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Hàng loạt những tác giả làm cho mặt bằng của đời sống qua báo chí là rất đáng kể. Và trên cái nền đó văn học mới phát triển được. Cho nên văn học đạt tới đỉnh cao ở giai đoạn sau, từ những năm 30 trở đi văn học phát triển hơn.”

Vai trò của báo chí trước những năm 1945: Như một kênh đưa văn học đến với công chúng - ảnh 3

Theo nhà báo Yên Ba, sự manh nha hình thành văn học trên báo chí có rất sớm, là động lực hai chiều để cả hai cùng phát triển, ngay từ một trong những tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Bắc kỳ thời thuộc Pháp: “Từ năm 1901 ở Nam Kỳ có tờ Nông cổ mín đàm. Nông cổ mín đàm nghe rất nôm na nhưng thực ra nó là bàn chuyện nông nghiệp, kỹ nghệ bên bàn trà. Và chủ bút là Paul Canavaggio, một người Pháp. Ngay trong số 1 của Nông cổ mín đàm, bên cạnh các thông tin về chính quyền thuộc địa, thì Paul Canavaggio đã cho đăng ngay dưới dạng dài kỳ truyện Tam quốc chí. Tức là đã bắt đầu sử dụng báo như một kênh để đưa văn học. Báo chí lúc đó không còn giớ hạn ở công báo như Gia Định báo nữa.”

Nhìn lại đội ngũ nhà báo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều thú vị: hầu như tất cả những nhà báo lúc bấy giờ đều là nhà văn và trong mỗi nhà báo dường như đều có một nhà văn. Về vai trò của báo chí trong quá trình hình thành và phát triển nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân kết luận: “Chính sự phát triển của văn học Việt Nam cho đến năm 1945, chính là văn học hiện đại của người Việt. Như thế là báo chí quốc ngữ đặt dấu ấn cho mặt bằng trình độ hiện đại của văn học người Việt. Cũng chính nó cung cấp những kiệt tác lớn nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Báo chí không phải chỉ có đăng tác phẩm mà có dư luận, có phê bình. Cũng vì thế mà cộng đồng văn học nếu như xưa kia với văn học chữ Hán, thì cộng đồng gồm những người sáng tác, những người tiêu dùng văn học là một cộng đồng rất nhỏ, nhưng khi có văn học chữ quốc ngữ rồi thì cộng đồng văn học của người Việt lớn hơn nhiều so với trước kia. Và văn học của người Việt như chúng ta thấy chỉ trong khoảng thời gian đầu thế kỷ như vậy thôi cũng đã rất phát triển rồi.”

Cho đến hôm nay báo chí vẫn không ngừng toả ra một từ trường lớn thu hút ngày càng nhiều những người từ địa hạt văn chương (và cả những người từ nhiều lĩnh vực khác) ra nhập vào làng báo.  Rất nhiều nhà báo trẻ đang là những cây bút đầy triển vọng ngày nay trước khi được đào tạo nghề, họ đã từng được giải thưởng văn nghệ trên báo chí. Sự gặp gỡ của văn chương và báo chí có thể tạo ra một nguồn năng lượng lớn để có thể xuất hiện những tài năng văn học thực sự.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác