Văn hóa từ sự trích dẫn (Đọc "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng)

(VOV5)- Nhà xuất bản Văn học lần đầu tiên tái bản riêng cuốn Những người ở lại của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc kháng chiến bảo vệ Thủ đô của quân dân Hà Nội tháng Chạp năm 46, với nhân vật chính là các trí thức, học sinh tham gia vào cuộc chiến, trong đó tập trung miêu tả tấn bi kịch của gia đình bác sĩ Thành, xảy ra ngay giữa cơn lốc của thời cuộc.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh bài viết:




Qua các hồi ức về văn học kháng chiến, chúng ta biết rằng vở kịch cũng như vở diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cả một lớp người Hà Nội ra đi kháng chiến, và bản thân tác giả cũng rất tâm đắc với đứa con tinh thần này của mình, mặc dù với nó, Nguyễn Huy Tưởng đã phải chịu không ít hệ luỵ. Sau 64 năm ra đời (cuốn sách được in xong đúng ngày cuối cùng của năm 1948, do Hội Văn nghệ Việt Nam ấn hành), đây là lần đầu tiên vở kịch được tái bản độc lập; những lần trước đó đều là in chung trong các tuyển tập hoặc toàn tập của tác giả.

Chỉ bằng cảm quan, có thể thấy ngay đây là một ấn phẩm quý. Cuốn sách được in đúng như nguyên bản, từ khuôn khổ, kiểu chữ, bát chữ, cho đến cách “mi” (mise) trang. Đặc biệt, bìa sách vẫn giữ nguyên cách trình bày cũng như các hoạ tiết của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, với kiểu chữ Gô-tích cho các chữ “Những người ở lại” rất gợi cảm, và lô-gô (xưa gọi là vi-nhét) của Hội Văn nghệ Việt Nam, mang hình ngôi sao trên một vòm trời với hai chữ VN lồng vào nhau nổi tiếng một thời. Một điều cũng rất đáng nói là, mặc dù không được in bằng đúng thứ giấy dó màu ngà vàng của thời chống Pháp, cuốn sách vẫn gây được cảm giác cổ nhờ cách xử lí nền giấy bằng một gam màu khá giống với giấy xưa…

Văn hóa từ sự trích dẫn (Đọc

Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi xin không đi sâu vào nội dung cũng như hình thức của ấn phẩm, mà muốn nói về một khía cạnh khác. Đó là cách ứng xử của tác giả với những gì được ông trích dẫn trong tác phẩm.

Trong các nhân vật của vở kịch, có Kính, một học sinh trường trung học Phan Chu Trinh, 17 tuổi, không chịu theo ba mẹ đi tản cư mà đã ở lại tham gia chiến đấu. Kính háo hức đi vào cuộc chiến với tất cả vẻ hồn nhiên của một thanh niên mới lớn, và đặc biệt anh rất thích hát. “Cứ thấy Kính là thấy đòi hát” – Lan, một nhân vật của vở kịch đã có nhận xét như thế về người bạn học đồng thời là đồng đội của mình. Và cứ mỗi lần Kính hát, dù là một đoạn dài hay chỉ đôi ba câu của một bài gì đó, tác giả đều ghi chú rất cụ thể về tên bài hát và tác giả. Khi là Chiến sĩ Việt Nam hay Trương Chi của Văn Cao, khi là Bài hát của một người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, khi là bản Xuất quân của Phạm Duy, với đoạn trích:  “Đi là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng, đi là mang mối thù thiên thu”…

Cũng có khi người viết không nêu cụ thể tên tác giả thì ít nhất cũng cho biết rõ về bài hát. Ví dụ như khi, theo kịch bản, có tiếng Kính hát “Sông núi rừng thiêng chính khí ca - Tinh binh rộn rã trên đường xa”, Nguyễn Huy Tưởng ghi chú đó là “Hai câu đầu trong bản: Mê đời chiến sĩ của một người nhạc sĩ L.K.I.” Phải chăng chú thích như thế dễ gây ấn tượng với bạn đọc hơn, khi tác giả bài hát chính là một người trong cuộc – một nhạc sĩ Liên khu một?

Mà cũng không chỉ riêng với việc trích dẫn lời bài hát. Ngay khi tác giả có sử dụng ý, tứ của một ai đó, ông cũng nói rõ đó là của ai. Ở đầu Cảnh thứ nhất, Hồi hai, Kính – lại vẫn nhân vật này – có một lúc hứng chí, nói thao thao bất tuyệt về thế trận giữa ta và Pháp, nhân đó say sưa nhắc đến các địa danh nổi tiếng của Hà Nội, những nào là Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Gai, hồ Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, bờ sông, cầu Long Biên, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân… để rồi kết thúc bằng một câu rất văn vẻ: “Liên khu một là hình bóng của Thăng Long, của Đông Đô, của Hà Nội ba mươi sáu phố phường…” Và khi Quảng, một nhân vật của vở, khen “Kính nói gì mà hay thế?” thì chàng nói rõ ngay, đó là “lời một nhà văn mới vào thăm Liên khu một, mà mới nghe tôi đã thuộc lòng” – nhà văn đó chính là Tô Hoài, theo như ghi chú của tác giả…

Ở một tác phẩm khác cũng của Nguyễn Huy Tưởng – truyện phim Lũy hoa, một người chị em gần về đề tài với Những người ở lại, ta cũng lại thấy điều tương tự. Lần này “trích dẫn” của nhà văn có liên quan đến một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật khác: tranh áp phích. Trong một đoạn phác họa không khí Hà Nội trước khi bước vào cuộc chiến, tác giả tả ở đầu phố Tràng Tiền có dựng sừng sững một cái áp phích lớn vẽ hình nước Việt Nam với hàng chữ “The Vietnam for the Vietnamese”. Tất cả chỉ có thế, nhưng ông cũng ghi chú đó là “Của họa sĩ Trần Văn Cẩn”, như khi trích dẫn một văn bản bằng giấy trắng mực đen vậy!

Vì sao Nguyễn Huy Tưởng lại phải kỹ lưỡng và cẩn thận đến như thế? Phải chăng vì các tác giả đó đều là chỗ bạn bè của ông, ông nhắc đến họ như những kỷ niệm không thể quên của một thời khói lửa? Phải chăng đó là những tác phẩm tốt, có lợi cho phong trào văn nghệ mà ông muốn cổ suý, tôn vinh? Hay chẳng qua chỉ đơn giản là do thói quen, khi nhắc đến, viện đến một cái gì của ai khác, ông tự thấy có trách nhiệm phải nói cho rõ xuất xứ, điều mà bây giờ ta gọi là “quyền thân nhân” đối với một sản phẩm trí tuệ?...

Thay vì tìm giải đáp cho những câu hỏi nói trên, thiết nghĩ, cách làm đó của Nguyễn Huy Tưởng thật đáng trân trọng. Lại nhớ đến một câu của Nguyễn Minh Châu trong bài Bên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng ngắm hồ Gươm: “Nghĩ về ông bao giờ tôi cũng tưởng tượng ra một nhà văn đồng thời là một nhà văn hóa”. Lại chạnh nghĩ đến những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đang diễn ra nhan nhản ngày nay, khi mà không ít người viết hay có thói quen “quên” nêu người mà họ trích dẫn, thậm chí cả khi “cắt - dán” hàng trang liền. Liệu có cần nói thêm trường hợp, người ta “quên” luôn rằng đó là của người khác, và đề ngay tên mình vào, như đã từng xảy ra với “nhà thơ” này, “nhà nhạc” nọ?!

Phản hồi

Các tin/bài khác