Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga

(VOV5)- “...Trong cuốn sách này, đời sống cũng như diện mạo văn học Việt Nam thời đại chúng ta được trình bày một cách toàn diện và rực rỡ".

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Một tuyển tập truyện ngắn của Việt Nam lại mới ra mắt độc giả Nga trước năm mới 2016, đó là tập truyện ngắn đương đại Việt Nam nhan đề “Ngải đắng ở trên núi”. Đây là cuốn sách được chờ đợi từ lâu, vì lần cuối cùng truyện ngắn Việt Nam được dịch và in bằng tiếng Nga từ năm 1993 — tức là hơn 20 năm trước. Như vậy, trong năm 2015, có hai tuyển sách quan trọng của tiếng Việt đã được chuyển ngữ ra tiếng Nga, trước tuyển truyện ngắn “Ngải đắng ở trên núi” (do Quỹ quảng bá văn học Nga Việt bảo trợ), là Truyện Kiều (do người Việt tại Nga bảo trợ, ấn hành).


Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga - ảnh 1
Ảnh: vn.sputniknews.com


Theo dịch giả Elena Ekulina, thì “trong cuốn sách này, đời sống cũng như diện mạo văn học Việt Nam thời đại chúng ta được trình bày một cách toàn diện và rực rỡ: tất cả có 23 truyện ngắn của 12 tác giả”. Tuyển truyện gồm tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng như Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Tạ Duy Anh, Thùy Linh, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh, Thụy Anh…


Những phu chữ Việt đường xa gánh nặng
Người chịu trách nhiệm tuyển chọn và tổ chức dịch quyển sách này, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, hiện đang là biên tập viên của Đài Tiếng nói nước Nga, đại diện phía Nga của Quỹ quảng bá văn học Nga Việt cho biết:  “Tham gia dịch các tác phẩm trong tập sách gồm hai cán bộ Ban tiếng Việt đài phát thanh Tiếng nói nước Nga là anh Igor Britov và chị Elena Nikulina và dịch giả Nguyễn Quỳnh Hương, chuyên gia tiếng Nga của Báo ảnh Việt Nam.”

Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga - ảnh 2
Các dịch giả Elena Nikulina (phải) và Igor Britov (trái) tại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, sau lễ trao Huy chương Hữu Nghị cho các nhà báo Nga Ban tiếng Việt đài Sputnik, thuộc Hãng thông tấn quốc tế "Nước Nga ngày nay" (trước đây là đài "Tiếng nói nước Nga")


Dịch giả Elena Nikulina cho biết, chị đã đọc rất nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Chị rất yêu thơ Xuân diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên. Và những 80, chị đã tham gia dịch nghĩa nhiều bài thơ của các tác giả đó khi ở Liên Xô cũ xuất bản bộ tuyển tập văn học Việt Nam gồm 15 quyển bằng tiếng Nga. Nhưng chị nói, chị biết rất ít về văn học Việt Nam đương đại. Do đó chị rất vui khi chị Nguyễn Thị Kim Hiền mời mình tham gia dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga: “Tôi đã dịch truyện ngắn Lễ phủ chiều cuối năm của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Tôi thích phong cách của nhà văn người Việt này, đã mô tả tâm hồn người phụ nữ 1 cách sâu sắc và tinh tế. Tôi đã đọc kỹ tất cả các truyện trong tuyển tập và nhận ra rắng văn học VN hiện đại đã thay đổi đến mức nào. Mặc dù tất cả các truyện phản ánh thực tế Việt Nam, truyền thống và phong tục Việt Nam, nhân vật trong truyện mang tính cách đặc trưng của con người Việt nam, thế nhưng ước vọng theo đuổi hạnh phúc của họ, cuộc sống nội tâm của họ là những đặc điểm chung thống nhất trên toàn thế giới, và do đó rất dễ hiểu và gần gũi với tôi. Tôi muốn tiếp tục dịch các tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam và mong rằng văn học đương đại Việt Nam sẽ đến với đông đảo độc giả Nga.”

Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga - ảnh 3
Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền (ngoài cùng bên phải) và dịch giả Thúy Toàn tại Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất


Dịch giả Nguyễn Kim Hiền cho biết: “Cách đây mấy năm, tôi được Hội nhà văn Việt Nam mời về dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, tôi rất muốn làm sao để tổ chức dịch được các tác phẩm văn học Việt Nam giới thiệu với độc giả Nga. Hàng năm, chúng tôi đi Hội chợ sách quốc tế Moskva, thấy sách nước ngoài dịch rất nhiều, nhưng không hề có quyển nào của các nhà văn Việt Nam đương đại. Sau khi những dịch giả nổi tiếng như Marian Tkachev và Nikolai Nikulin qua đời, trong lĩnh vực dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga hầu như trống vắng chuyên gia dịch. Tôi đã mời một số người Nga biết tiếng Việt tham gia dịch truyện Việt Nam nhưng phần lớn không mấy người nhận lời.” Quá thiếu dịch giả Việt có thể chuyển ngữ sang tiếng Nga một cách chuyên nghiệp, cũng như ngược lại mức nhuận bút bèo bọt cho những bản dịch phải lao tâm khổ tứ, khiến cho nhiều người cũng không mặn mà.


"Tôi muốn độc giả Nga cũng chia sẻ tình yêu Việt Nam như tôi"
Chị Nguyễn Thị Kim Hiền cho biết, sau một quá trình dài, hai đồng nghiệp nơi chị Kim Hiền làm việc - anh Igor Britov và chị Elena Nikulina, hai chuyên gia rất giỏi tiếng Việt, làm việc lâu năm ở mảng Việt Nam, đã tham gia dịch thuật và rất hào hứng. Anh Igor Britov tốt nghiệp Học viện ngoại giao Moskva, chuyên gia tiếng Việt và văn học Pháp. Chị Elena Ekulina tốt nghiệp trường đại học quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, trước đây làm ở ban biên tập tiếng Việt nhà xuất bản Tiến Bộ, sau khi Liên Xô tan rã chuyển về ban Việt ngữ đài Tiếng nói nước Nga. Cả nhóm cùng làm trong mấy năm liền để dịch được những truyện ngắn nổi bật của các nhà văn Việt Nam. Dịch giả thứ ba là Nguyễn Quỳnh Hương, người mà chị Kim Hiền cũng chưa gặp bao giờ. Giám đốc Quỹ quảng bá văn học Nga Việt Hoàng Thúy Toàn gửi các bản dịch của Quỳnh Hương cho chị Kim Hiền qua email. Chị Hiền cho biết “Mãi sau tôi mới biết Quỳnh Hương là cán bộ của tạp chí Báo ảnh Việt Nam, một người rất giỏi tiếng Nga. Các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy mà Quỳnh Hương dịch cho tuyển tập này là do chị lựa chọn. Phải nói rằng số người Việt dịch được sang tiếng Nga như Quỳnh Hương là rất hiếm.”

Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga - ảnh 4
Dịch giả Nguyễn Quỳnh Hương



Dịch giả Nguyễn Quỳnh Hương cho biết, chị bắt đầu dịch truyện ngắn sang tiếng Nga từ cách đây khoảng 3 năm, sau hơn 20 năm làm công việc biên dịch tiếng Nga chuyên nghiệp. Với chị dịch truyện ngắn chừng 5000 -7000 chữ cũng là 1 việc làm vừa sức, vừa đủ để nghỉ giải lao, thư giãn khi làm công việc chính. Chị  thích đọc những truyện ngắn nhỏ nhỏ xinh xinh và hiền lành, nữ tính, những câu chuyện làm mình cảm thấy yêu cuộc sống hơn, yêu công việc của mình hơn: “Vì thế nên mình chọn dịch Đỗ Bích Thúy. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đưa mình về với cuộc sống của nông thôn miền núi, nơi có những vùng đất tuyệt đẹp mình chưa được đặt chân đến, những người dân tộc với phong tục tập quán hay và lạ. Thúy luôn luôn là nhà văn mình yêu thích. Tiếng Việt của Thúy rất đẹp, tinh tế và chính xác. Ngoài Đỗ Bích Thúy, mình cũng thích truyện của Nguyễn Ngọc Tư vì qua những truyện của Nguyễn Ngọc Tư mình thấy hiểu thêm nhiều về văn phong Nam Bộ. Ngôn ngữ và văn phong của Tư rất độc đáo, cách diễn đạt khúc chiết, đậm chất Nam Bộ. Mình cũng thích Phan Thị Vàng Anh, những câu chuyện của Vàng Anh rất thông minh, sắc sảo, có những câu văn chỉ cần đọc qua một lần đã để lại ấn tượng không bao giờ quên.”

Văn học đương đại Việt Nam đến với độc giả Nga - ảnh 5



Dịch giả Igor Britov nói, đáng tiếc là ở Nga, trong hơn 20 năm qua, đã không xuất bản một cuốn sách nào của các nhà văn Việt Nam đương đại. Vì thế, anh sẵn sàng gắng sức để dịch văn học Việt Nam: “Còn một cảm hứng nữa thôi thúc tôi dịch văn học Việt Nam. Đó là tình yêu của tôi đối với đất nước Việt Nam. Tôi muốn độc giả Nga cũng chia sẻ tình yêu Việt Nam như tôi. Văn học là nhịp cầu giúp họ đến với đất nước, con người Việt Nam.”


Việc dịch thuật văn học dù khó khăn, phức tạp nhưng lại là điều hấp dẫn Igor đến mức bây giờ anh đang là giảng viên dạy môn lý thuyết cơ bản văn học dịch ở trường Đại học Nhân văn quốc gia Nga. Anh Igor cho biết: Ngoài quyển sách đầu tiên, số truyện ngắn Việt Nam mà anh đã dịch xong sang tiếng Nga cũng đã khá nhiều để in một tập mới. Anh rất mong phía nhà nước và cộng đồng Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ đề án dịch văn học của nhóm chúng tôi, để đưa văn học Việt Nam đến với độc giả Nga một cách rộng rãi: “Bây giờ, tôi coi dịch văn học Việt Nam là một trong những công việc chính của mình. Và thậm chí trong các giờ giảng ở trường đại học, tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm dịch với các sinh viên khoa tiếng Việt. Tôi đang dạy cho họ môn lý thuyết văn học dịch.”


Tuyển truyện ra mắt nằm trong chương trình Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam (được hình thành sau khi thủ tướng Nga Mevedev thăm Việt Nam), do đó được in tại nhà xuất bản Lokid Premium (Moskva), do ngân hàng VTB, Nga tài trợ. Trước đây, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga đã hỗ trợ nhiều đợt cho việc ra mắt những tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam, cũng như do những khó khăn khách quan về lực lượng dịch thuật và kinh phí, mới chỉ giới thiệu một tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Nga là tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, do dịch giả Inna Zimonina chuyển ngữ.



Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền cho biết, những phản hồi đầu tiên về tuyển truyện rất đáng phấn khởi và khích lệ động viên các dịch giả rất nhiều: “Đáng tiếc là lần này Nhà xuất bản bỏ lại một số truyện chưa in, như Ba người trên sân ga của Hữu Phương, Ông cá hô của Lê Văn Thảo, hoặc Xóm sở Mỹ của Thu Trân… Hiện nay nhóm chúng tôi vẫn tiếp tục dịch để ra tập tiếp theo. Rất mong công việc quảng bá văn học Việt Nam với độc giả Nga sẽ được sự giúp đỡ không chỉ từ phía Nga, mà cả sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ phía nhà nước và cộng đồng Việt Nam.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác