Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn

(VOV5) - Bức tranh Trường Sơn trong bom đạn ở cả bề rộng và chiều sâu hiện lên sống động trong các tác phẩm văn thơ của các nhà văn, nhà thơ quân đội. 

Cách đây 60 năm, ngày 19.5.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược với nhiệm vụ mở tuyến đường Trường Sơn, chi viện cho miền Nam và các nước bạn để đánh Mỹ, mà đơn vị đầu tiên là Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn). 

Cũng từ đây, ngày 19-05 trở thành ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Góp phần làm nên một Trường Sơn huyền thoại ngoài bộ đội, thanh niên xung phong , lái xe, dân công hỏa tuyến  còn phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ , trong đó có văn công, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh, các nhà văn nhà thơ…

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn - ảnh 1Cụm trọng điểm A.T.P. mùa khô năm 1970 - Tranh sơn dầu của "người họa sĩ của Trường Sơn" Nguyễn Đức Dụ. 

Tuyến đường dài gần hai mươi nghìn cây số là chiến trường ác liệt nhất, nhiều gian khổ thử thách nhất:  sốt rét rừng, những cơn đói, chèo đèo lội suối , san núi bạt rừng, nơi hứng chịu nhiều bom đạn và chất hóa học nhất. Vậy mà bao thế hệ người lính đã đến với Trường Sơn, với tinh thần Xẻ dọc Trường Sơn  đi cứu nước, từ đây tỏa đi các chiến trường. Đồng hành với những người lính có cả những văn nghệ sĩ. Khi đó họ đồng thời cũng là chiến sĩ.

Có mặt ở Trường Sơn năm tháng đó chàng lính trẻ Thành Chương ngoài công việc tháo gỡ bom mìn, bắc cầu bắc phà vẫn không gác bỏ niềm đam mê hội họa của mình. Hành trang của người lính ngoài ba lô, cây súng còn có cả giấy vẽ, bút chì: “Với điều kiện thời đó, không thể mang theo màu được. Điều kiện chiến tranh thì ác liệt, thời gian thì hạn hẹp, mà tại sao vẫn vẽ được và vẽ nhiều như thế, có mấy lý do thế này: Thứ nhất, thực sự cuộc sống ở chiến trường rất sôi động. Ngoài sự say mê ra, mình còn có một ý thức trách nhiệm phải ghi lại những hình ảnh của cuộc sống hào hùng này của dân tộc, của đất nước, của những người chiến sĩ.”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng khi đó là tổ trường tổ phóng viên ảnh – đã mười năm sống chiến đấu ở Trường Sơn, có trong tay hàng trăm bức ảnh tư liệu quí. Ngay những năm 70 của thế kỷ trước ông đã ấp ủ làm ba tập sách ảnh chân dung về tuyến đường, chân dung về Binh chủng và chân dung những chiến sĩ Trường Sơn. Nhưng điều kiện chiến tranh khi đó không cho phép. Để rồi 30 năm sau, năm 2007 ông mới thực hiện được – một công trình sách ảnh có tên Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh .

Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn - ảnh 2Cầu treo trên đường Trường Sơn. Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km đường kín cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. -Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng/TTXVN 

Ông kể lại một kỷ niệm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Si Nguyên năm 1970 tại Trường Sơn. Khi đó tướng Võ Nguyên Giáp vào chiến trường phổ biến chiến dịch Nam Sơn 719: “Gần 6 giờ tối thì ông đi ra thăm một đơn vị xe. Lính lái xe đội mú sắt áo giáp, còn đằng sau là trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và ông Tư Thuận, Bí thư khu ủy khu 5. Lúc bấy giờ 6h thì không còn nắng nữa, tôi chụp bằng phim độ nhạy cao. Đấy là tấm ảnh (tướng Giáp) đầu tiên tôi chụp năm 70 mà tôi nghĩ tấm ảnh đó rất quý vì nó mang tính tư liệu, nó có ý nghĩa lịch sử.”

Bức tranh Trường Sơn trong bom đạn ở cả bề rộng và chiều sâu hiện lên sống động trong các tác phẩm văn thơ của các nhà văn, nhà thơ quân đội. Không khí của cuộc sống chiến đấu đã dội vào trong cảm xúc các nhà văn nhà thơ để từ đó cuộc sống bước vào những trang văn, thơ thật sống động tự nhiên. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như Dấu chân ngươì lính của Nguyễn Minh Châu,  Mở rừng của Lê Lựu, Đất trắng của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Nắng Đồng Bằng của Chu Lai, các tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều,  Nam Hà…., rồi thơ của các nhà thơ Nguyễn Mỹ, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Trần Nhật Thu…v.v và .vv. Nhiều văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn - ảnh 3Ký họa Trường Sơn của họa sĩ Hoàng Đình Tài. 

Nhà văn Nam Hà - tác giả của những cuốn tiểu thuyết sử thi đồng thời cũng là tác giả bài thơ nổi tiếng “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” được ông sáng tác trong những năm 1964-65-66 ở chiến trường Trường Sơn. Ông nói về xuất xứ ra đời của bài thơ này: “Mãi đến năm 66, lần đầu tiên đánh Mỹ ở chiến trường A Sầu, tôi rất xúc động. Tôi ngồi ở gốc cây già trong rừng, viết tiếp bài thơ ấy. Tôi làm trong hai tiếng đồng hồ thì xong hoàn toàn, không sửa một chữ nào cả. Có thể nói tất cả những gì mình nghĩ ngợi, mình tích tụ, trận đánh thắng đó là điều kiện khách quan để chủ quan của mình bộc lộ. Tới tháng 9/1966, trên đường hành quân tôi nghe trong mục Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, ca sĩ Linh Nhâm của Đoàn Văn công Tổng cục chính trị đã ngâm bài thơ ấy trên Đài Tiếng nói Việt Nam: Đất nước của những người con gái con trai cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp mặt. Và đó là một sự động viên tinh thần rất lớn.”

Nhắc đến Trường Sơn không thể không nhắc tới người lính lái xe Phạm Tiến Duật - một hiện tượng thi ca của thời chống Mỹ, một ngôi sao tiêu biểu của đường Trường Sơn. Chùm thơ của ông, các bài như Cô gái thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính, Lửa đèn …được nhận giải Nhất trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1970.  Thơ ông mang đến một luồng gió mới .

Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn - ảnh 4 Nhà thơ Phạm Tiến Duật - một gương mặt thơ ca tiêu biểu thời kháng chiến chống Mỹ.

Theo như lời của nhà thơ Vũ Quần Phương –nhà thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn, chính hiện thực đời sống của Trường Sơn tạo ra cảm hứng cho nhà thơ. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói về những yếu tố lạ, hay nói cách khác là những đóng góp về thi pháp của thơ Phạm Tiến Duật: “Mọi người biết đến anh Duật bới thơ anh mang một yếu tố khác lạ mà trước đó chưa có.  Cái khác lạ đó nằm ở chỗ nào? Đối với anh Duật, tất cả những chất liệu gặp trong cuộc đời anh đều đưa vào thơ. Mà nó vào thơ một cách tự nhiên thôi.”

Nếu ngày đó thơ Hoàng Nhuận Cầm thể hiện chất học trò, sinh viên, thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện chất trí tuệ, nghĩ ngợi của người trí thức, thơ Nguyễn Mỹ thể hiện sự nên thơ , mới mẻ thì thơ Phạm Tiến Duật thể hiện chất ngang tàng, khí phách của người lính với ngôn ngữ bình dị như lời nói. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thể hiện cuộc chiến đấu bằng cách nắm chân dung, tâm hồn của những người ra trận: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm.

Có lúc người ta đã nghi ngờ về câu thơ này của Phạm Tiến Duật, thế nhưng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã phân tích cho cthấy không khí thời đại, những nét đẹp làm nên phẩm chất nổi bật của người lính Trường Sơn, người lính cụ Hồ, đó chính là khí phách, niềm lạc quan, sự đĩnh đạc tự tin và tình yêu cuộc sống: “Trong những bài thơ viết về các cô thanh niên xung phong, các cô giao liên thời chống Mỹ, tôi thích nhất bài Khoảng trở hố bom của chị Lâm Thị Mỹ Dạ. Rõ ràng trong bài Khoảng trời hố bom thì chị Lâm Thị Mỹ Dạ đã nâng hình tượng cô gái thanh niên xung phong lên một tầm cao mới, được rọi chiếu một ánh sáng hết sức nhân văn: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/Vầng dương thao thức. Cuộc sống bước vào thi ca thời chống Mỹ thật giản dị, tự nhiên.

Văn nghệ sĩ với đường Trường Sơn - ảnh 5Thanh niên xung phong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh gian khổ không làm tắt đi niềm lạc quan và mong mỏi ngày thống nhất đất nước của họ - Ảnh Tư liệu. 

Đôi khi tôi nghĩ rằng, có lẽ cái hiện thực cuộc sống ấy, đã ẩn chứa chất thi ca đích thực rồi. Hình như ở chiến trường tiếng bom rất nhỏ. Hình như ở chiến trường sự đau thương, sự mất mát hy sinh nó luôn lướt đi, để nhường chỗ cho một tình cảm rộng lớn hơn: tình yêu của người lính nghĩ về cuộc đời, nghĩ về đồng đội, về người thân của mình một cách trong trẻo. Và tôi thấy đấy cũng là một phẩm chất nổi bật của những người lính Trường Sơn đã được các nhà thơ đưa vào trong thơ.” – Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nói.

Hành trình đến với Trường Sơn là hành trình của những người lính đi từ Bắc vào Nam, kéo dài 16 năm gian khổ, bao máu xương và nước mắt, nhưng như câu thơ của nhà thơ Anh Ngọc: Góp từng bước ta làm nên ngàn dặm/ gieo giống bây giờ nghĩ tới mùa sau. Khát vọng và niềm tin đó phải chăng đã tiếp thêm sức mạnh và làm nên chiến thắng chung cuộc, cho những mùa đất nước hòa bình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác