Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa

(VOV5)- Nguyễn Hữu Khoa không chỉ nổi danh với sở trường biếm họa trong bút danh Còm. Điều gì khiến gần đây Nguyễn Hữu Khoa chuyên tâm vẽ hoa đào, và hoa đào trong tranh của anh có điều gì đặc biệt?


Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa - ảnh 1


Nguyễn Hữu Khoa không chỉ nổi danh với sở trường biếm họa trong bút danh Còm. Ngoài ra anh còn tích cực cộng tác với các báo, các NXB với những bút danh như: N-K, Khoái, Khoa.  Họa sĩ đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân như: Hí họa 1, Hí họa 2, Xuân nồng, Đào xuân 1 và mới đây là Chân dungxuân. Sinh năm 1973 tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, tốt nghiệp khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Khoa đã tự học thêm về hội họa và có những dấu ấn riêng. Điều gì khiến gần đây Nguyễn Hữu Khoa chuyên tâm vẽ hoa đào, và hoa đào trong tranh của anh có điều gì đặc biệt?
                             

Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa - ảnh 2


Thật bất ngờ khi người nổi tiếng với bút danh họa sỹ Còm này cho biết, thời trẻ anh không hề có chút cảm tình nào với cây đào. Sinh ra tại làng đào Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội gia đình anh cũng như bao người dân trong làng có thêm nghề trồng đào Tết. Từ nhỏ anh đã phải còng vai gánh nước tưới đào, cùng gia đình vất vả chăm chút cho cây từ lúc nó còn là cái cây nhỏ xíu cho đến khi ra hoa và còn phải “trông trời trông đất trông mây” nữa mới mong có cành đào đẹp mang ra chợ bán có tiền ăn Tết. Vất vả thế nên lúc ấy cậu bé Khoa chỉ ước ao được chuyên tâm học hành. Vẽ tranh, nổi danh với tranh biếm, sống được nhờ tranh in báo, vẽ bìa sách, rồi gặt hái được những thành công nhất định với thể loại tranh hí họa chân dung, một ngày Nguyễn Hữu Khoa dừng chân ngắm lại hoa đào: "Lần đầu tiên tôi vẽ hoa đào là vào năm 2010. Sau quá trình tìm hiểu về loài hoa này tôi đã có những hiểu biết khá sâu sắc. Thế rồi gắn bó với nó để biến loài hoa còn khá mờ nhạt trong hội họa thành một hình ảnh là chủ thể trong tác phẩm hội họa…"

Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa - ảnh 3


Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa cho biết, trong hội họa Việt, chưa thấy ai chuyên tâm vẽ loại hoa quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về này. Có chăng loài hoa này chỉ khiêm tốn xuất hiện như một chi tiết nhỏ để làm nền trong tranh, trong toàn cảnh, hoặc có vẽ thì số lượng còn ít ỏi. Có mấy ai hiểu loài hoa này một cách thấu đáo. Làng đào thì cũng chỉ có duy nhất Nguyễn Hữu Khoa là họa sỹ, hiểu và gắn bó với cây đào. Thế cho nên không lý gì  họa sỹ này không gắn bó với hoa đào, chuyên tâm chăm chút, tỉa tót những bông hoa đào phơi phới sắc xuân trong hội họa: "Tôi đẩy sâu suy nghĩ, tìm tòi và thể nghiệm qua nhiều chất liệu, nhiều phong cách khác nhau để có những tác phẩm hoa đào mang sắc thái mùa xuân mạnh mẽ, rõ ràng nhất…"

Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa - ảnh 4


Nguyễn Hữu Khoa vẽ hoa đào bằng rung cảm nghệ thuật cùng ký ức tuổi thơ gắn liền với loài hoa mang biểu tượng mùa xuân. Theo họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa, khó khăn lớn nhất khi vẽ tranh về đào là phải tìm sự khác biệt để tạo thành mỗi bức riêng, chứ không thể giống nhau, lặp lại. Có những bức anh vẽ cả cành, rồi cả cây, có bức thì vẽ chi tiết từng bông hoa để tạo sự khác biệt. Có bức nét vẽ khỏe khoắn, có bức nét vẽ lại mềm mại toát lên sự tinh tế của bông hoa: "Cái khó thứ nhất là phải hiểu cấu trúc cây đào, thân, cành, lá, nụ, hoa. Thứ hai là phải tìm tòi chất liệu. Chất liệu sơn dầu không thể vẽ bông đào sắc thắm tươi, nụ hồng mong manh vì thế tôi thể nghiệm sang chất liệu bột màu, acrylic để có màu sắc tươi hơn và lên được màu hồng phấn…"

Vẻ đẹp hoa đào trong tranh của Nguyễn Hữu Khoa - ảnh 5


Tính đến thời điểm này, Nguyễn Hữu Khoa trở thành họa sỹ vẽ nhiều tranh nhất về hoa đào  Triển lãm đầu tiên “Đào xuân” năm 2014 chỉ với 33 tác phẩm, thì đến triển lãm năm nay “Chân dung xuân”, số lượng tác phẩm đã lên tới con số 70. So với triển lãm trước, triển lãm sau có nhiều cái mới hơn, khiến người xem không hề nhàm chán khi xem tranh ở cùng một đề tài. Cũng là hoa đào nhưng ở “Chân dung xuân”, đào đã mang dáng vẻ tươi tắn và được tác giả đẩy sâu mạch suy nghĩ cũng như cảm xúc: "Khác với triển lãm trước lần này tôi tập trung vẽ cận cảnh những bông hoa đào. Tôi liên tưởng mỗi bông hoa nó cũng giống như chân dung của mỗi con người. Chân dung hoa đào cũng là chân dung của mùa xuân."


Hơn ai hết, Nguyễn Hữu Khoa rất muốn níu giữ vẻ đẹp của loài hoa xuân nổi tiếng ở làng Phú Thượng. Bởi anh hiểu với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì chẳng mấy chốc làng anh không còn đất để trồng đào: "70 bức tranh nhưng mỗi bức một vẻ, đều có sắc thái riêng, không bức nào giống bức nào. Mỗi bức một góc nhìn khác nhau. Có bức vẽ cành đào nắng xuân rực rỡ, có bức cành đào trong mù sương…"


Khi được hỏi trong một vài năm tới liệu anh có ý định tổ chức tiếp một triển lãm thứ ba về hoa đào nữa không. Nguyễn Hữu Khoa bảo: chắc chắn chứ! Bởi theo anh sắc thái của hoa đào còn rất nhiều, anh chưa khai thác hết. Anh vẫn tiếp tục vừa vẽ vừa trăn trở vừa tìm tòi thể nghiệm để mỗi một lần đem tranh giới thiệu với công chúng phải tạo nên sự mới mẻ, sự khác biệt.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác