Viện Goethe giới thiệu Liên hoan phim Đức lần thứ 4

(VOV5)- Lần thứ 4 liên tiếp, Viện Goethe tổ chức Liên hoan phim Đức thường niên tại Việt Nam. Sau thành công của Liên hoan phim các năm trước với tổng cộng hơn 50.000 khán giả, năm 2013 Liên hoan sẽ tiếp tục diễn ra từ ngày 05/09 đến ngày 03/10. Tuyển tâp các bộ phim gây sức hút nhất của Đức sẽ được trình chiếu tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang và lần đầu tiên tại Thái Nguyên.

Cũng như mọi năm,Liên hoan phim Đức năm nay muốn mang lại cho khán giả Việt Nam cơ hội trải nghiệm những bộ phim mới nhất của Đức và khám phá những khía cạnh khác nhau của đất nước này qua màn ảnh. Với hơn 50 suất chiếu, chúng tôi giới thiệu các bộ phim nguyên bản tiếng Đức với phụ đề tiếng Việt, tiếng Anh hoặc thuyết minh tiếng Việt đã từng rất thành công tại các rạp trên khắp thế giới cũng như tại Liên hoan phim Berlin và các Liên hoan khác. (Các giải thưởng được đề trong quyển chương trình và trên trang mạng của chúng tôi).

Năm 2013, các bộ phim của Đức tiếp cận những đề tài đương đại và lịch sử về gia đình và bản sắc, về tình yêu, cái chết, về tình bạn và tinh thần trách nhiệm. Liên hoan phim Đức năm nay tại Việt Nam gửi tới quí khán giả 10 bộ phim xuất sắc của những đạo diễn tên tuổi với sự tham gia của các diễn viên Đức nổi tiếng.

Bộ phim khai mạc có tựa đề „Barbara“ kể về câu chuyện của một người phụ nữ bị giằng xé giữa hai đất nước, Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức cũng như giữa hai người đàn ông. „4 ngày trong tháng 5“ lại giới thiệu một giai đoạn khác biệt của lịch sử Đức. Mong đợi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 đang đến gần, mối quan hệ xích lại gần nhau hiếm thấy giữa lính Nga và người dân Đức nảy sinh khi quân đội Xô Viết chiếm đóng một trại trẻ mồ côi. Bộ phim tài liệu „Giai điệu quê hương Nước Đức cất lời hát“ đưa khán giả tới bối cảnh âm nhạc truyền thống của Đức đầy sống động, độc đáo và sáng tạo.

Sự tồn tại song song của các nền văn hóa khác biệt là một chủ đề được đề cập đến trong bộ phim „Kinh cầu cho một người bạn“. Được quay tại Berlin, bộ phim khắc họa sự tiến triển của một tình bạn kì lạ giữa một cậu bé Palestin và một cựu chiến binh Thế chiến thứ 2 người Do Thái.

Tình cảm hài tất nhiên sẽ là một phần không thể thiếu trong Liên hoan phim: „Vincent muốn ra biển“, đã từng rất thu hút người xem tại Tuần lễ phim Đức và Liên hoan phim châu Âu năm nay, là một bộ phim du hành kể về anh chàng Vincent bị hội chứng thần kinh Tourette, cô bạn Marie bị chứng chán ăn tâm thần và anh bạn Alex bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế trốn khỏi trại an dưỡng lên đường thực hiện chuyến phiêu lưu.

Thể loại tâm lý với bộ phim „Giữa đường đứt gánh“ kể về hành trình tới cái chết trong vòng tay gia đình sau khi rời khỏi bệnh viện và sự chăm sóc y tế giai đoạn cuối. Trong „Điều còn lại“, việc chữa trị vô vọng cho người mẹ của Marko khỏi căn bệnh tinh thần kéo dài bỗng dưng trở thành thử thách mang tính quyết định cho cả gia đình. Bộ phim kinh dịSáng“ đưa ra ấn tượng về một trái đất hậu tận thế bị mặt trời thiêu đốt và biến thành vùng đất hoang phế không có sự sống, nơi con người phải vật lộn để tồn tại.

Những bộ phim mang tính giải trí cho các gia đình phải nói đến „Ngôi nhà của những con cá sấu“, kể về cậu bé Victor luôn tìm mọi cách khám phá những mảnh ghép xung quanh cái chết của người bà họ tên Caecilie, và bộ phim hoạt hình „Hội nghị các loài thú“ kể về các loài vật tổ chức hội nghị nhằm mục đích chấm dứt hoàn toàn tình trạng thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Liên hoan phim Đức 2013 hứa hẹn mang đến cho khán giả yêu phim và các gia đình những khoảnh khắc xem phim thú vị, xúc động và hào hứng với những bộ phim được lựa chọn đề tài đa dạng.

Vé xem phim được phát miễn phí bắt đầu từ 10 giờ, ngày 29/08 tại:Viện Goethe Hà Nội. Ngoài ra còn chương trình đố vui về phim dành cho khán giả, khi trả lời chính xác các câu hỏi xung quanh các bộ phim của Liên hoan với những giải thưởng có giá trị. Trên trang mạng của Liên hoan, có thông tin và chương trình chiếu phim đầy đủ tại tất cả các thành phố: http://www.goethe.de/ins/vn/prj/dfv/enindex.htm

 

Phản hồi

Các tin/bài khác