Vũ Ngọc Khải: Trở về với 1648kilomet

(VOV5) - Vũ Ngọc Khải từ nước ngoài trở về với những dự án đưa nghệ thuật tới cộng đồng và những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Từng giành giải nhất Cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế Ayang Young Choreographer Competition tại Hàn Quốc năm 2018, Vũ Ngọc Khải là một trong những nghệ sĩ, biên đạo múa trẻ Việt Nam làm việc nhiều năm ở nước ngoài, trình diễn tại nhiều sân khấu quốc tế và có những thành quả nhất định.

Nhưng mới đây nghệ sĩ tài năng này đã quyết định về nước, không chỉ để phát triển sự nghiệp, mà muốn làm những công việc thực sự có ý nghĩa sâu sắc hơn khi đưa nghệ thuật tới cộng đồng và những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Vũ Ngọc Khải: Trở về với 1648kilomet - ảnh 1Tác phẩm Đáy giếng của Vũ Ngọc Khải. - Ảnh: Khiếu Minh/Báo Hà Nội mới 

Cuộc hẹn phỏng vấn tiếp giữa chúng tôi lùi tưởng vô tận, khi mà vừa mới về nước, Vũ Ngọc Khải lập tức lên sàn diễn với dự án Đáy giếng tại Liên hoan múa đương đại Hà Nội đình đám cuối tháng 6 vừa qua. Ngay sau đó anh đã không nghỉ dù chỉ một ngày, tiếp tục cùng đồng nghiệp trong tổ chức có tên 1648kilomet thực hiện chuỗi work shop mùa hè cho các nhóm trẻ đặc biệt.

Anh cho biết cùng nghệ sĩ ký họa Christopher Boyd (người Pháp sống ở Bỉ), nghệ sĩ múa đương đại Ichi Go (người Nhật sống ở Đức) mang đến cho trẻ em từ 10 đến 17 tuổi chuỗi ngoại khóa ở cả Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh.

Trải nghiệm làm việc với các nhóm trẻ đặc biệt, Vũ Ngọc Khải đã bắt đầu những ngày trở lại Việt Nam như thế!

Vũ Ngọc Khải: Trở về với 1648kilomet - ảnh 2Vũ Ngọc Khải hỗ trợ nghệ sĩ Ichi Go lên workshop cho trẻ của mái ấm Mai Tâm - Ảnh: Nguyễn Minh Nam.

Văn Quý Ngọc Ái, nhà sản xuất Đáy giếng, người đồng hành cùng Vũ Ngọc Khải với 1648kilomet kể lại: "Năm 2015 Khải có ý định làm show múa đầu tiên dùng các chất liệu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì Khải có ưu tư một vấn đề là: Càng đi nhiều mình càng cảm thấy yêu cội nguồn của mình. Nhưng bản sắc của Việt Nam mình về mặt hình hài liệu có khác gì dân tộc khác hay không?

Bản thân mình cũng là người có trải nghiệm khi người ta nhìn mà không biết mình là Việt Nam. Vì thế bọn mình muốn kể những câu chuyện về Việt Nam thông qua múa, thông qua âm nhạc, thông qua câu chuyện học ăn, học nói, học gói, học mở. Bắt đầu từ “Nón” và kế tiếp là “Đáy giếng”, sau này không biết là cái gì nữa, nhưng bọn mình vẫn muốn neo lại với chính mình đầu tiên, để rồi những niềm vui, những sự trong trẻo của văn hóa Việt Nam không mất đi."

Vở “Nón” của Vũ Ngọc Khải kết hợp với âm nhạc dân tộc của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang từng trình diễn nhiều nơi tại Châu Âu, có dấu ấn đặc biệt là buổi diễn trước gần 300 khán giả là các bộ trưởng các nước châu Âu và những vị khách quý tham gia sự kiện khép lại Một năm vì Châu Âu ở Luxembourg.

Tham gia dự án của các biên đạo nước ngoài, Việt kiều và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, hàng năm Vũ Ngọc Khải vẫn trở về cùng hợp tác với đồng nghiệp trong nước biểu diễn và biên đạo trong các vở múa đương đại như: Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương Sớm, Tích Tắc, Ta đã ở đó, Tơ...

Tiểu sử của nghệ sĩ trẻ tài năng này, nếu giới thiệu thật ngắn gọn như chị Thu Hà, điều phối viên Viện Goethe thì: "Vũ Ngọc Khải vừa mới đây, làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sĩ). Anh trước đây học ở Cao đẳng múa Việt Nam, tiếp đó học tại Học viện múa ở Rotterdam - Hà Lan, là một trong những nghệ sĩ Việt Nam chinh chiến quốc tế rất nhiều, từng làm việc tại các nhà hát ở Việt Nam, Bỉ, Ý, Đức và Thụy Sĩ. Là một người rất giàu kinh nghiệm và cũng là người có nhiều đam mê, đặc biệt là đam mê với việc khai thác các chất liệu truyền thống hoặc các chất liệu Á Đông."

Vũ Ngọc Khải: Trở về với 1648kilomet - ảnh 3Vũ Ngọc Khải lên workshop cho múa đương đại Made in Vietnam tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. - Ảnh: Sơn Trần. 

Từ năm 2016, Khải đã lên lớp chuyển động cho các bạn khiếm thị thuộc trường Nguyễn Đình Chiểu – như anh nói là nền tảng ý tưởng giúp hình thành dự án phi lợi nhuận “Từ tôi đến bạn”. Dự án ra đời với mong muốn tổ chức các chương trình dài hơi hướng tới cộng đồng, đặc biệt là những bạn khó khăn như khuyết tật chi, khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ vv....

Năm 2018, thắng giải nhất Cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế tại Hàn Quốc, cũng là năm Vũ Ngọc Khải đồng thời đồng sáng lập và trở thành giám đốc nghệ thuật của 1648kilomet (biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các hoạt động cộng đồng).

Anh kể, nhóm đã kết hợp với các nghệ sĩ mảng âm nhạc, múa rối, nhiếp ảnh... với mục đích nghệ thuật nâng cao năng lực cảm xúc, sức khỏe tâm lý cho cộng đồng: “Là một nghệ sĩ múa, được tôi luyện nhiều, gặp chấn thương cũng nhiều nên mình hiểu hơn về cơ thể con người, nhờ thế mình có thể chia sẻ, hỗ trợ mọi người cách đi, đứng, nằm, ngồi, . đúng cách.” Từ tháng 1-2018, “Từ tôi đến bạn” của 1648kilomet đã được triển khai ở nhiều nơi tại Việt Nam với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam (Ngô Hồng Quang, Nguyễn Minh Nam) và các nghệ sĩ quốc tế.

Vũ Ngọc Khải: Trở về với 1648kilomet - ảnh 4Vũ Ngọc Khải lên workshop cho múa đương đại Made in Vietnam tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. - Ảnh Đại Ngô

Chị Văn Quý Ngọc Ái chia sẻ: "Khi bọn mình thành lập tổ chức 1968kilomet - là chiều dài Việt Nam theo đường chim bay, bọn mình cũng luôn nhắc nhở mình: mình là ai, và làm sao mình có ở đây và tiếp tục làm việc này thế nào. "Đáy giếng" chính là câu trả lời tiếp theo của bọn mình.

Vở “Đáy giếng”, có sự tham gia của nghệ sĩ trống dân tộc Thành Nam và nghệ sĩ kèn sona Ngọc Khánh, mở ra hướng tìm tòi về trống trận Tây Sơn cộng hưởng với vũ điệu - con đường mà Vũ Ngọc Khải rất thiết tha muốn tìm kiếm đến tận cùng những cái hay cái đẹp của tiền nhân trong những dự án tiếp theo.

Tìm về cái đẹp của truyền thống, và nâng tầm trong một bối cảnh hiện đại, để ngày càng nhiều khán giả, thính giả hiểu hơn, yêu hơn những tinh túy văn hóa của cội nguồn ông cha. Anh chia sẻ: "để khai thác hoàn toàn bộ trống trận Tây Sơn, thì cần một thời gian rất dài nghiên cứu và cần cả những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc. hay là những truyền nhân, những nghệ nhân, để có thể hỗ trợ cùng Khải để làm cho những dự án sau nữa."

'Chính mình khi làm mới biết trống trận Tây Sơn hay như thế nào, và nó đặc biệt so với các loại trống trận khác ra làm sao. Hoặc cái chiếu cói, cũng là chiếc chiếu đấy nhưng Bắc, Trung. Nam thì khác nhau như thế nào. Bọn mình muốn tiếp tục làm để được học, được tiếp tục yêu hai chữ Việt Nam, cũng như chia sẻ với khán giả và tiếp tục nối tiếp điều ấy." - Chị Ngọc Ái khẳng định.    

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác