Vũ Trọng Phụng – vẫn mới dẫu trăm năm

(VOV5)- Như tin chúng tôi đã đưa, lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hiện thực xuất sắc Vũ Trọng Phụng vừa diễn ra tại Hà Nội. Mất đi khi còn rất trẻ, chỉ 27 năm tuổi đời, hơn 10 năm tuổi nghề, Vũ Trọng Phụng để lại gia tài đồ sộ ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự… trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào tầm kiệt tác ở thế kỷ XX. Số phận tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng có nhiều thăng trầm qua các giai đoạn lịch sử.

 Nhấn váo đây để nghe âm thanh:



Nhà thơ Hữu Thỉnh nhắc lại gia thế, hoàn cảnh xuất thân hết sức nghèo khổ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng như những nỗ lực phi thường của nhà văn, để lý giải nghị lực vượt lên thử thách trong cuộc sống cũng như những thành công trong văn nghiệp Vũ Trọng Phụng. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Vũ Trọng Phụng đã thành công khi xây dựng một loạt các nhân vật điển hình. Trong việc khó khăn nhất của đời văn mỗi người cầm bút, là xây dựng được những đứa con tinh thần đáng để bạn đọc nhớ tới, thì Vũ Trọng Phụng tạo dựng nhân vật thật thảnh thơi, thật tài ba và nhẹ nhõm: “Ngô Tất Tố nhận xét rằng, Phụng chết, nhưng để thấy tác phẩm của ông còn sống mãi với mai sau, thế cũng là thọ lắm rồi. Lời nhận xét của bậc đại trí giả bậc nhất Ngô Tất Tố củng cố thêm nhận xét sau đây của Lan Khai: Tài năng kỳ dị của Phụng, cái tài năng đã mang đến cho ta những áng văn bất hủ. Đây là một lời đánh giá cách đây hơn 50 năm”

 Vũ Trọng Phụng – vẫn mới dẫu trăm năm - ảnh 1Vũ Trọng Phụng – vẫn mới dẫu trăm năm - ảnh 2Vũ Trọng Phụng – vẫn mới dẫu trăm năm - ảnh 3
Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã xuất bản và áp phích phim dựa theo tác phẩm của ông

Giáo sư Hà Minh Đức thì nhận xét: Vũ Trọng Phụng được coi là kiện tướng của các nhà văn tả chân, ông là người “gặp thời”, đó là thời của sự thành thị hóa, đề tài Hà Nội được Vũ Trọng Phụng đem lại giá trị lớn và bổ sung cho nhiều điểm còn khuyết thiếu ở các nhà văn cùng thời, như đặt ra những vấn đề: đô thị hóa, Âu hóa, tha hóa... qua các phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn. Trời cho ông một cái thời, và tài năng ấy tiếp nhận được cái thời ấy. Vũ Trọng Phụng là một trí thức với tinh thần tự học, tự trau dồi để trang bị cho mình lượng kiến thức sâu rộng trước khi dấn thân vào nghiệp viết văn, làm báo; vì vậy mà trong các tác phẩm của ông đấy chất liệu đời sống và hiện đại. Nhưng, cách đánh giá tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có sự khác nhau rất nhiều qua các thời kỳ: “Thực ra trong xã hội cũ đánh giá Vũ Trọng Phụng không thống nhất. Nếu nói về phóng sự, cái tên Vua phóng sự đất bắc thì đó là sự đánh giá rất cao. Nhưng ở những tác phẩm khác, ví dụ như Số đỏ, thì một số nhà văn thời kỳ đó cũng không phải đã tán thưởng. Một số nhà phê bình có tên tuổi, trong đó có Trương Chính, có Vũ Ngọc Phan chẳng hạn, cũng có những điểm phải nói là chê trách mặt này mặt khác nhiều, mà ngày nay những điểm chê trách ấy có thể sự đánh giá lại hơi khác đi. Đấy là trước kia. Còn hội nghị Việt Bắc năm 1947 thì có hai ý kiến: Nguyễn Đình Thi ca ngợi Vũ Trọng Phụng, cho rằng như thế rất đáng quý, nhưng cái hiện thực của VTP chưa cao. Còn Tố Hữu có nói rằng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng, tuy rằng Vũ Trọng Phụng chưa phải là cách mạng. Tôi nghĩ đấy là cách đánh giá cần ghi nhận. Những nhận xét sắc sảo, nhưng cũng chưa phải đúng bản chất văn học của Vũ Trọng Phụng. Lần lượt qua nhiều năm, chúng ta kỷ niệm ngày sinh ngày mất của Vũ Trọng Phụng. Trong hội thảo 90 năm ngày sinh, yếu tố nhấn mạnh nhất là tính hiện đại của Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện đại. Và như nhà thơ Hữu Thỉnh nói là “có mặt hôm nay” thì tác phẩm của ông cũng có mặt hôm nay. GS Jinoman trường ĐH Berkeley nói tất cả những gì Vũ Trọng Phụng nói đều có trong cuộc sống hôm nay, và tất cả những gì mà cuộc sống hôm nay có cũng đã có ở thời kỳ Vũ Trọng Phụng. Niculin cho rằng khi Vũ Trọng Phụng phê phán Âu hóa, không phải tinh thần ngại một cái gì phát triển hiện đại, mà chính là phê phán Âu hóa mang tính chất tiêu cực.”

 

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học nhận định: “Hơn 50 năm sau khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã trở lại một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam, khi được sưu tầm di cảo, xuất bản và tái bản sách, tổ chức hội thảo, đặt tên đường phố… Ông đã trở lại gần như nguyện vẹn trong cuộc sống hôm nay với sự đón nhận trân trọng của hậu thế. Vũ Trọng Phụng là cây bút đặc biệt trong thế hệ đầu nguồn – thế hệ vàng của văn chương Việt Nam hiện đại: “Cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là người khai mở và dành ưu thế tuyệt đối trào lưu hiện thực vào giữa những năm 30, với những gương mặt rất khác nhau, trong sự kế tục nhau để không quay lưng với nhau. Tình hình văn nhân của ta trước 1945 là như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh những gương mặt rất khác nhau, trong sự kế tục nhau để không quay lưng với nhau để có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao, Kim Lân, Bùi Hiển vv…và làm nên những mùa màng thật ngoạn mục cho văn học 1930-45. Với VTP, những dấu ấn mà ông để lại trong văn học VN là cực kỳ đặc sắc. Cho đến hôm nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, bao biến động của xã hội, Vũ Trọng Phụng vẫn còn đấy, tác giả của Giông tố, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, người khai sinh và đem lại sự bất tử cho những Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, thị Mịch, cô Hồng, em Chã…Bất chấp một tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật, vượt thoát ra khỏi giới hạn lịch sử 45, văn phẩm Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỷ bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội, qua biết bao là chân dung con người, gồm cả phần con và phần người, bởi sự soi sáng những vấn đề lớn của dân tộc và số phận của nhân dân trên một hành trình dài hướng tới sự thật, gắn bó với sự thật, không có gì khác ngoài sự thật, tìm chân lý qua sự thật, nhằm vào mục tiêu nhân đạo hóa hoàn cảnh và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội”

 

Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, người dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm, biên soạn những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng, thì cho biết: Trong số các nhà văn thời kỳ 1930-1945, cho đến nay, Vũ Trọng Phụng thuộc số nhà văn được làm tuyển nhiều nhất, nhưng cho đến giờ tác phẩm của ông vẫn chưa sưu tầm được hết.

 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trải lòng về việc hậu thế đã và đang đối xử như thế nào với di sản Vũ Trọng Phụng:“Có những tác phẩm trong quá trình in đi in lại nhiều lần thì nó có những biến động rất đáng kể về mặt văn bản. Tôi đã sưu tầm và làm một cuốn khảo sát văn bản Giông tố. Tôi chỉ so sánh 4 bản đầu tiên: 1 là bản đăng ở Hà Nội báo, 2 là bản in lần đầu tiên, thứ 3 là bản in năm 1951 của NXB Mai Lĩnh và thứ 4 là bản năm 1956 của NXB Văn Nghệ. Thì tôi thấy rất rõ là, các nhà quản lý Việt Nam đã để lại dấu vết vào văn bản nhiều nhất.  Bởi vì NXB Mai Lĩnh xin giấy phép năm 1951 là xin giấy phép của Phòng quản lý báo chí của Sở thủ hiến Bắc Kỳ, do người Việt Nam quản lý. Trong văn bản tất cả những câu nào có chữ “hiếp” chẳng hạn, là bỏ hết, thay bằng dầu ba chấm. Năm 1956 NXB Văn nghệ in lại, không có cuốn nào cả nên đành phải in lại theo bản đó. Còn đương nhiên là bản gốc thời trước cũng có những vấn đề của nó, nhưng nó chưa có vấn đề thay đổi văn bản kiểu như tôi vừa nói. Có lẽ với những tác phẩm của các nhà văn thời cũ như VTP chẳng hạn thì một trong những yêu cầu là khi sưu tầm và tái xuất bản thì giữ nguyên trạng như lúc đầu, là một vấn đề đặt ra.”

 

Giáo sư Phong Lê đã ví von, số phận tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như thân phận nàng Kiều. Qua 30 năm chìm nổi (nếu tính từ năm 1959, Viện văn học phát động “Vấn đề Vũ Trọng Phụng” – cho đến năm 1989, Viện Văn học chủ trì cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng), phải đến thời điểm đó, những giá trị mà Vũ Trọng Phụng để lại, chính thức được người đời nhìn nhận với con mắt cởi mở và đổi mới hơn. Giáo sư Phong Lê nhận định, giá trị hiện thực lớn của Vũ Trọng Phụng là giá trị tố cáo một cách quyết liệt nhất, sắc sảo nhất, không thỏa hiệp nhất. Cũng không ngạc nhiên khi Số đỏ, Giông tố, Cơm thầy cơm cô được chuyển thể vào điện ảnh, Làm đĩ được tái hiện trên sân khấu kịch mà không một buổi diễn nào không cháy vé…Gần một thế kỷ, cho đến nay, những câu chuyện của Vũ Trọng Phung để lại vẫn hiện đại, vẫn tươi mới và sắc nét những hỉ nộ ái ố của dòng dời đang cuồn cuộn chảy./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác