Ngày Thế giới nhận thức về người tự kỷ: Trẻ tự kỷ cần có cơ hội hòa nhập và hướng nghiệp

(VOV5) – Tại ngày hội, các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi sôi động, được thực hiện test sàng lọc và tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ, được khám và tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng. 

Nhân Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ (2/4), sáng 2/4, Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức Ngày hội “Vòng tay yêu thương” lần thứ 3. Ngày hội có sự tham gia cùa hàng trăm trẻ bị mắc chứng tự kỷ đến từ 21 trường, trung tâm đang can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An…  Ngày hội “Vòng tay yêu thương” là nơi gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về cách chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về hội chứng tự kỷ, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đến trẻ em mắc chứng tự kỷ. Tại ngày hội, các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi sôi động, được thực hiện test sàng lọc và tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ, được khám và tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng. 

Ngày Thế giới nhận thức về người tự kỷ: Trẻ tự kỷ cần có cơ hội hòa nhập và hướng nghiệp - ảnh 1
Vào ngày này rất nhiều tòa nhà lớn tại hơn 130 nước cùng thắp nên ngọn đèn màu xanh dương (biểu tượng của hi vọng)


Sáng 2/4, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về chứng tự kỷ. Chương trình “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ” do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức được đông đảo gia đình có người thân mắc chứng tự kỷ hưởng ứng, tham gia. Tại chương trình, hơn 300 trẻ em và 300 phụ huynh, giáo viên, tình nguyện viên tổ chức hội thao thân thiện với các môn thi bơi, chạy, nhảy bao bố, bật xa, kéo co…nhằm tạo ra sân chơi cho những người mắc chứng tự kỷ, khuyến khích người tự kỷ tự tin hoà nhập với cộng đồng.

Ngày Thế giới nhận thức về người tự kỷ: Trẻ tự kỷ cần có cơ hội hòa nhập và hướng nghiệp - ảnh 2
Nhiều hoạt động hưởng ứng Chương trình nâng cao nhận thức về ngày tự kỷ ở Việt Nam.


Trước đó, ngày 1/4, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Tự kỷ - Vấn đề, nhu cầu và giải pháp” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức. Nhiều chuyên gia cho rằng ở Việt Nam, mô hình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ còn rất ít và chủ yếu là ở các nhóm do phụ huynh lập ra. Các đại biểu đề xuất cần có những chính sách hỗ trợ lương cho người hướng dẫn trẻ tự kỷ học nghề, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của người tự kỷ làm ra. Chính phủ cần vận động doanh nghiệp sử dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật nói chung và người tự kỷ nói riêng để họ có công việc làm phù hợp, có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam cho biết: qua các hoạt động của sự kiện, các chuyên gia, những bậc phụ huynh, các tổ chức sẽ phát hiện nhu cầu liên quan đến trẻ tự kỷ để đề xuất các chính sách phù hợp: “Việc đầu tiên mà chúng tôi đề nghị với Bộ Lao động đưa dạng khuyết tật này vào luật. Tại vì trong luật mình có thể liệt kê ra. Trong luật có cái khác thì điểm khác đó là mình có thể bổ sung trẻ tự kỷ vào trẻ khuyết tật, để các em có thể hưởng những quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế, lao động việc làm”.

 Ngày 2/4 là ngày Liên hợp quốc chọn là ngày “Thế giới nhận thức chứng tự kỷ”, với mục đích kêu gọi các nước tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Với chủ đề “ Hướng tới tự chủ và tự quyết” ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ nhấn mạnh quyền được tôn trọng của người khuyết tật dựa trên nguyên tắc bình đẳng với những người khác trong xã hội.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, nhiều nơi trên thế giới đều có các hoạt động vì người tự kỷ. Đặc biệt, vào ngày này rất nhiều tòa nhà lớn tại hơn 130 nước cùng thắp ngọn đèn màu xanh dương (biểu tượng của hi vọng) để kêu gọi nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỳ. Chiến dịch Thắp đèn xanh do tổ chức hoạt động vì người tự kỷ phát động từ 8 năm qua.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác