Việt Nam là thành viên tích cực của APEC

(VOV5) -Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc sáng 18/11 tại Thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị với chủ đề “Tận dụng các cơ hội bao trùm, phát huy tương lai số”, đề cao vai trò của APEC tiếp tục là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Các nhà lãnh đạo APEC đã tham gia Đối thoại với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagard về những cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với kinh tế thế giới và khu vực cũng như các đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm trong kỷ nguyên số.

Việt Nam là thành viên tích cực của APEC - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) -Ảnh: TTXVN 

Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh APEC cần tăng cường phối hợp với các cơ chế đa phương, nhất là với IMF, để đẩy mạnh liên kết kinh tế, quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu cân bằng, tăng trưởng bao trùm và đổi mới sáng tạo.

Các nhà lãnh đạo APEC đã tham gia Phiên họp quan trọng về “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số”. Hội nghị nhất trí thông qua Chương trình hành động về kinh tế số, đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, tiếp cận cơ sở hạ tầng số nhằm thu hẹp khoảng cách số; nhấn mạnh sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vì tăng trưởng bền vững, chất lượng. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối APEC đến năm 2025, chú trọng trao đổi chính sách, thuận lợi hóa thương mại, giao lưu nhân dân, kết nối tiểu vùng, vùng sâu vùng xa, nông thôn - thành thị.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế APEC, tích hợp Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu vào chương trình nghị sự của các thành viên, bảo đảm các lợi ích của sáng tạo và công nghệ lan tỏa trong nền kinh tế, đến với mọi người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa. APEC cần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả sáng kiến về thương mại điện tử qua biên giới, kinh tế mạng và kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng APEC cần tiếp tục phát huy vai trò động lực cho các liên kết khu vực và toàn cầu. Thủ tướng đề nghị APEC cần tiếp tục chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò tiên phong của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, dựa trên các luật lệ và quy tắc thế hệ mới, đề cao hơn nữa vai trò trung tâm là WTO. APEC cũng cần đóng vai trò điều phối, thúc đẩy hợp tác với Cộng đồng kinh tế ASEAN, G20, ASEM, các tổ chức liên kết ở Châu Phi, Mỹ La tinh... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11. Đây là bước đi cụ thể để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định qua 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia đề xuất ý tưởng, chủ động thực hiện các sáng kiến APEC và tiếp tục có nhiều đóng góp cùng vun đắp tương lai chung về tầm nhìn của một Cộng đồng Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trưa cùng ngày, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục Phiên làm việc về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”. Các thành viên cam kết thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách; triển khai Chương trình hành động APEC 2017 về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đến năm 2030 gắn với thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đưa châu Á - Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Các thành viên APEC cần tận dụng cơ hội to lớn của kỷ nguyên số đặt người dân vào trung tâm của phát triển, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật. APEC cần đóng góp tích cực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là an ninh lương thực. APEC cũng cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển ứng dụng công nghệ cao giảm rủi ro, cảnh báo sớm và phục hồi sau thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, chú trọng tăng trưởng bền vững, bao trùm, khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC trong nỗ lực chung hướng tới một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác