Ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn: Nội dung trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng của cử tri

(VOV5)- Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung vào giải pháp kiểm soát lạm phát, quản lý thuỷ điện, quy hoạch khu công nghiệp lọc dầu, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật.

  

Phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định phiên chất vấn đạt nhiều kết quả. Những vấn đề chất vấn phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri, không khí chất vấn thẳng thắn, mang tính xây dựng. Trước đó, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung vào giải pháp kiểm soát lạm phát, quản lý thuỷ điện, quy hoạch khu công nghiệp lọc dầu, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật.


Ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn: Nội dung trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng của cử tri - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 21/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Mở đầu phần trả lời chất vấn, Thủ tướng cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng ước cả năm tăng 6,2 – 6,3%. Đây là mức tăng thấp nhấp trong 10 năm qua. Dư nợ tín dụng có khả năng đạt 11 – 12%. Nhập siêu gần 290 triệu USD, bằng 0,24% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về công tác điều hành trong năm 2014, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, giải quyết nợ xấu, sử dụng hợp lý nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Thủ tướng cũng khẳng định nợ công trong những năm tới vẫn trong giới hạn an toàn. Về giảm nghèo, cùng với việc tăng khả năng tiếp cận một  số dịch vụ cơ bản, phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, Chính phủ sẽ có chính sách đặc thù để giảm nghèo cho vùng dân tộc.

 

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc lạm phát quay trở lại khi tăng bội chi ngân sách và phát hành bổ sung thêm trái phiếu Chính  phủ, Thủ tướng khẳng định: “Việc tăng bộ chi ngân sách từ 4,8 lên 5,3% GDP và phát hành 170 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 và 2015, kiểm soát lạm phát khoảng 7% đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, là khả thi.”  

 

Đề cập tình hình xây dựng và vận hành thuỷ điện, Thủ tướng khẳng định tiềm năng thuỷ điện là lợi thế lớn của Việt Nam cần phải khai thác và sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó còn những tồn tại, hạn chế cả trong quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt, thi công, di dân, bảo đảm môi trường sinh thái. Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục với tinh thần đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và an toàn: “Đối với các  nhà máy thủy điện đang vận hành thì rà soát, đánh giá lại kỹ sự an toàn của hồ đập, cái nào không an toàn phải ngừng hoạt động. Thứ 2 là phải rà soát, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa để phù hợp với diễn biến thực tế; phải công khai cho dân biết quy trình vận hành; UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình. Thứ 3 là nghiên cứu đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở các vùng thuỷ điện. Thứ 4 là rà soát và bổ sung cơ chế để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại diện tích rừng đã mất do làm thuỷ điện.”

 

Về quy hoạch nhà máy lọc dầu, Thủ tướng cho biết đây là lĩnh vực Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả.

 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Đây là phiên chất vấn có kết quả, bầu không khí thẳng thắn, xây dựng. Sau phiên chất vấn này, theo yêu cầu của Quốc hội, đề nghị chính phủ, Thủ tướng, các bộ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến 3 kỳ họp trước. Cố gắng phát huy tinh thần tiếp thu, lắng nghe, giải quyết và kiểm tra kết quả thực hiện. Tôi đề nghị Quốc hội cho phép Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị Nghị quyết và trình Quốc hội ban hành nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 6.”

Theo chương trình dự kiến, sáng mai, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác