Bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 sau ba ngày làm việc

(VOV5) - Sáng 28/11, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 đã bế mạc sau ba ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, hiệu quả trên tinh thần học thuật cao. Hội thảo tập hợp được hơn 2.000 tham luận, trong đó gần 1.000 tham luận có chất lượng, được tuyển chọn, để trình bày và trao đổi những vấn đề nghiên cứu mới nhất về đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. 

Bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 sau ba ngày làm việc - ảnh 1

Các cuộc thảo luận tại 15 tiểu ban đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Hội thảo đánh dấu một bước phát triển về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, và cách tiếp cận của ngành Việt Nam học trên toàn thế giới.

Hội thảo đã bổ sung những tiếp cận mới về địa chính trị; nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững nhân học văn hóa và nhân học phát triển; quản lý xã hội và quản lý quá trình phát triển; đào tạo và phát huy vai trò của nguồn nhân lực và nguồn trí tuệ… Nhiều khám phá khoa học đã được ghi nhận tại hội thảo bao gồm: chiến lược phát triển, chiến lược an ninh quốc gia, và quan hệ quốc tế, cho đến việc nhận diện rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội".

Về tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, GS Oscar Salemink, Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đưa ra nhận định đối với người Việt Nam ở nước ngoài: "Trên phương diện hội nhập, người Việt không chỉ có mặt ở Việt Nam mà có mặt ở khắp nơi. Người Việt Nam liên quốc gia hóa, giao lưu văn hóa đã diễn ra mạnh mẽ cả hai chiều cả trong nước và nước ngoài. Đó là dấu hiệu rất mừng mà thảo luận này là một diễn đàn quan trọng. Về văn hóa ẩm thực Việt ở nước ngoài, thông qua ẩm thực để nói về hội nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam ở nước ngoài dùng ẩm thực để đối thoại văn hóa, để hội nhâp và khẳng định bản sắc Việt ở nước ngoài".

Các kết quả nghiên cứu tại hội thảo nhìn chung có giá trị ứng dụng cao với những diện mạo mới trong phát triển ngành Việt Nam học. Đây là xu hướng mới của ngành Việt Nam học và là điểm khác biệt quan trọng của kỳ hội thảo này so với ba kỳ hội thảo trước./.

 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác