Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử" nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tưởng

(VOV5) - Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) diễn ra sáng 3/5/2012 tại Hà Nội do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội nhà văn Hà Nội và Thư viện Hà Nội tổ chức.


15 tham luận và những ý kiến đóng góp khác của các nhà nghiên cứu, phê bình... tại hội thảo, khẳng định nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành phần tâm huyết nhất của mình cho đề tài lịch sử. Từ mảnh đất quê hương Cổ Loa, ông đã hướng ngòi bút của mình đến những trang sử vẻ vang bi tráng của dân tộc, trải theo chiều dài lịch sử từ “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Cột đồng Mã Viện”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “An Tư”, “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “Kể chuyện Quang Trung” cho đến những trang sử hiện đại cách mạng và kháng chiến như: “Bắc Sơn”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Kí sự Cao Lạng”, “Gặp Bác”…

Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử

Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá tổng kết hội thảo: "15 bản báo cáo khẳng định nhiều vấn đề lịch sử Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong các tác phẩm cách đây nửa thế kỉ vẫn nguyên vẹn ý nghĩa thời sự. Đó là cái lớn của Nguyễn Huy Tưởng. Hội thảo còn gợi mở ra nhiều vấn đề, một mặt tìm tư liệu, tài liệu, rồi nghiên cứu sâu thêm về Nguyễn Huy Tưởng, đặt Nguyễn Huy Tưởng trong bối cảnh thời kỳ ông xuất hiện với tư cách một tác giả." Trong tạp chí văn nghệ chương trình thứ bảy 5/5, chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị và các bạn những nội dung, những giọng nói đặc sắc nhất về Ngyễn Huy Tưởng tại hội thảo này, mời quý vị và các bạn chú ý đón nghe.


Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội). Từ một người tự học, tự đào luyện mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hóa có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực văn học và sân khấu với tư cách tác giả của những tác phẩm đỉnh cao: “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”, “Đêm hội Long Trì”, “Sống mãi với Thủ đô”… Từ trước cách mạng ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đồng thời là giám đốc đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.

Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử

Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Huy Tưởng đã dành cho thiếu nhi vị trí quan trọng. Với quan niệm “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau” (Nhật kí, 9/1/1932), ông đã khéo léo chuyển tải đề tài lịch sử cho đối tượng bạn đọc trẻ. Và từ đó, ông đã viết nên những tác phẩm đỉnh cao của mình nói riêng và của văn học thiếu nhi Việt Nam nói chung.


Tác phẩm đầu tiên của nhà văn nguyễn Huy Tưởng in tại NXB Kim Đồng - một trong tám tác phẩm in ngay khi NXB được thành lập cách đây 55 năm (1957) là “An Dương Vương xây thành Ốc”. Tác phẩm cuối cùng của ông, được viết và chữa trên giường bệnh, cũng in tại NXB Kim Đồng là “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.


Năm 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi” (Nhật kí, 19/12/1930). Sự nghiệp lớn lao mà ông để lại đã chứng tỏ điều đó, không những thế còn có tác dụng nuôi dưỡng trong mỗi người đọc tình yêu đối với đất nước, đối với tiếng Việt.


Là một đồng nghiệp sau ông nửa thế kỉ, họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng khẳng định: “Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn gắn liền với NXB Kim Đồng và NXB Kim Đồng luôn tự hào có ông là vị giám đốc đầu tiên. Không chỉ để lại cho NXB một tư cách văn chương cao đẹp, với cương vị người chăm lo gây dựng cơ quan từ những viên gạch gắn kết đầu tiên, ông còn để lại một di sản tinh thần to lớn, có dấu ấn đến tận ngày nay. Đó là truyền thống gắn bó không gì lay chuyển của những người làm sách cho thiếu nhi, gắn bó trọn vẹn cả tâm hồn, tình cảm, trí tuệ cho sự nghiệp sáng tác cho các em, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục các em bằng những ấn phẩm của mình”.


Phản hồi

Các tin/bài khác