Quốc hội hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp và Luật thuế thu nhập cá nhân

(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, chiều 15/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Quốc hội hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp và Luật thuế thu nhập cá nhân  - ảnh 1


Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bản hiến pháp đang có hiệu lực là bản năm 1992, được Quốc hội khóa 8, kỳ họp thứ 11 thông qua, nay cần phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Về chế độ chính trị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền tự do con người, tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với bản chất nền kinh tế đất nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tăng thêm quyền cho Chủ tịch nước cũng là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Theo ông Triệu Là Pham, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, trong tình hình mới hiện nay, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này phải đề cao vị trí, vai trò biển, đảo Tổ quốc: Tôi đề nghị Quốc hội bổ sung thêm một điều riêng để quy định đối với tài nguyên biển, đảo bởi Việt Nam là quốc gia có biển lớn, chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng quy mô lớn, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực quan trọng, góp phần lớn cho nền kinh tế quốc dân. Hiến pháp và pháp luật cần đảm bảo việc khai thác có hiệu quả vùng kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, quy hoạch, khai thác theo quy trình nguồn tài nguyên biển, ưu tiên phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh cũng như chủ quyền về biển, đảo.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới đây sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào tháng 10/2013.

Sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về việc nâng mức khởi điểm chịu thuế cá nhân từ 4 triệu hiện nay lên 9 triệu đồng; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu hiện nay lên 3,6 triệu đồng là phù hợp với thực tiễn. Bởi trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn hiện nay cần tạo điều kiện chia sẻ khó khăn cho người dân nhằm khuyến khích lao động, tiêu dùng. Về thời điểm thi hành Luật, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (từ 1/7/2013) nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để Chính phủ triển khai xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Quốc hội cũng thông qua 2 Nghị quyết quan trọng. Đó là Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013 và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác