Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền

(VOV5)- Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 2 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền - ảnh 1
Đại biểu phát biểu tại nghị trường (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Có 6 vấn đề được nêu ra bàn thảo, cần chỉnh sửa, trong đó có phạm vi điều chỉnh Luật; các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật và quy định mức giá trị giao dịch đáng nghi ngờ là rửa tiền.


Theo các đại biểu, trước những yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là rất cấp thiết. Đa số các ý kiến cho rằng việc quy định các hành vi bị cấm là cần thiết, vì đây là cơ sở để quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như xử lý trách nhiệm hành chính, hình sự, hoặc kỷ luật tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Về quy định mức giao dịch đáng nghi ngờ là rửa tiền, các đại biểu cho rằng quy định trước đây giao dịch tiền bạc có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo Thủ tướng là không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay.


Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: “Tôi nhất trí phải bổ sung khái niệm về tài sản và rửa tiền, phải đưa các điều cấm vào nội dung đều cấm vào Luật và quy định vợ, con, chị em ruột là các cá nhân có ảnh hưởng chính trị. 3 điều này là rất cần thiết vừa phù hợp với thông lệ và Công ước quốc tế vừa phản ánh thực tế đất nước. Tôi không tán thành việc giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch đáng ngờ. Tôi thấy giao cho Ngân hàng là hợp lý vì ngân hàng là cơ quan chức năng, theo dõi, tham mưu giao dịch, có thể quyết định vấn đề.”

Trước đó, buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đa số các đại biểu cho rằng cần sớm thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, người sử dụng thuốc lá, tạo điều kiện xã hội hóa việc phòng chống tác hại thuốc lá. Một số ý kiến đề nghị nên ra quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên bao bì thuốc lá và thay đổi định kỳ 2 năm/lần, phù hợp với Công ước khung của Liên Hiệp quốc về kiểm soát thuốc lá
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác