Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOV5) - Bộ tài nguyên sẽ phối hợp với Bộ nông nghiệp chú ý đến trồng rừng, phục hồi rừng và phát triển rừng; quy hoạch lại nguồn nước ngầm, tính toán hồ nhân tạo. Các ngành kinh tế triển khai ở Tây nguyên phải là ngành sản xuất có công nghệ cao.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đã có nhiều giải pháp cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở 3 vùng: đồng bằng sông Cửu Long, nam Trung bộ và Tây nguyên:Ở đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh chủ trương rõ ràng thì chính phủ đã huy động các quốc gia khác tham gia xây dựng kế hoạch phát triển châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những thay đổi rất cơ bản, phát triển kinh tế dựa theo 3 hướng: hệ sinh thái nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Đối với Nam Trung Bộ, Chính phủ ưu tiên phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, quan tâm đến quy hoạch và phát triển nguồn tài nguyên nước thông qua xây dựng hồ. Ở Tây nguyên, sau khi Thủ tướng quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, Bộ tài nguyên sẽ phối hợp với Bộ nông nghiệp chú ý đến trồng rừng, phục hồi rừng và phát triển rừng; quy hoạch lại nguồn nước ngầm, tính toán hồ nhân tạo. Các ngành kinh tế triển khai ở Tây nguyên phải là ngành sản xuất có công nghệ cao.


Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đề cập giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường ở nông thôn, Bộ trưởng cho biết Bộ tài nguyên và môi trường, Bộ xây dựng, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phải cùng đưa ra tiêu chí trong quy hoạch hạ tầng nông thôn. Sắp tới Bộ tài nguyên và môi trường sẽ xây dựng quy hoạch chung về môi trường, xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại có tính liên tỉnh, liên vùng. Trên bình diện chung, để ngăn chặn không để xảy ra các dự án gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Sắp tới Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh lại bộ luật bảo vệ môi trường, có thể điều chỉnh một số quy định trong luật đầu tư, kinh doanh. Những dự án mà có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì cơ chế và điều kiện giám sát phải khác trước. Đó là trong quá trình đánh giá tác động môi trường, phải mời các nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia. Bên cạnh công cụ đánh giá tác động môi trường thì còn thanh tra, kiểm tra và có cơ chế giám sát thường xuyên.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ tài nguyên và môi trường đang thiết kế một hệ thống giám sát toàn bộ môi trường biển đối với 4 tỉnh miền Trung để kiểm soát được khí thải, chất thải, nước thải của nhà máy Formusa (Hà Tĩnh);  thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải ở khu vực này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác