Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị CLMV và ACMECS

(VOV5) - Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất quan trọng về nâng cao hiệu quả hợp tác, mở rộng không gian phát triển kinh tế.

Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong quá trình chuẩn bị và phối hợp với nước chủ nhà Myanmar xây dựng các văn kiện cho Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) lần thứ bảy và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ sáu, diễn ra trong hay ngày 22-23/6. Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị CLMV lần thứ bảy và Hội nghị ACMECS lần thứ sáu với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất quan trọng về nâng cao hiệu quả hợp tác, mở rộng không gian phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nước thành viên và được Hội nghị đánh giá cao. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mê Công bên lề hai Hội nghị Cấp cao CLMV và ACMECS năm 2016.  


Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị CLMV và ACMECS - ảnh 1
Các ý kiến chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại 2 hội nghị luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


 Tại các Hội nghị, Lãnh đạo của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, giúp các nước thành viên tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu; tranh thủ cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do mang lại, trên cơ sở này thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Hội nghị Cấp cao CLMV 7 và Hội nghị Cấp cao ACMECS 6 cũng là dịp để Lãnh đạo cấp cao các nước khẳng định quyết tâm chính trị trong phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, củng cố và phát triển hơn nữa tình đoàn kết, quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống. Các Hội nghị đánh giá cao và nhất trí sẽ nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” đã được áp dụng hiệu quả giữa Việt Nam và Lào. Sự thành công của mô hình này sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam với các nước. Lĩnh vực nông nghiệp - một trong những thế mạnh của Việt Nam, cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nước thành viên CLMV và ACMECS trong định hướng phát triển các hoạt động hợp tác song phương với Việt Nam. Vai trò của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cũng được coi trọng và đánh giá cao, tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với các nước.  

 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác