Việt Nam đề nghị Trung Quốc sớm xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về các dự án điện hạt nhân

(VOV5) -  Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam cho rằng việc các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần đảm bảo và tuân thủ Công ước an toàn hạt nhân và các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 13/10, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm. 



Việt Nam đề nghị Trung Quốc sớm xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về các dự án điện hạt nhân - ảnh 1
Vị trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam. Ảnh: TTO



 Trả lời câu hỏi về việc truyền thông của Trung Quốc có đưa thông tin, ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động và gần với đường biên giới Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam cho rằng việc các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần đảm bảo và tuân thủ Công ước an toàn hạt nhân và các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bảo đảm không ảnh hưởng an toàn môi trường của các nước láng giềng. Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân này. 

Trước việc truyền thông Nga vừa qua cho biết Nga đang cân nhắc việc quay trở lại Cam Ranh, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.

Về quan điểm của Việt Nam về những diễn biến gần đây tại đường biên giới giữa hai nước Ấn Độ - Pakistan, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam mong muốn giữa Ấn Độ và Pakistan giải quyết vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác