Đưa hát xẩm đến gần với công chúng hơn

(VOV5) - Chương trình nghệ thuật “Xẩm và Đời” vừa diễn ra tại Hà Nội, đã đem đến cho khán giả thủ đô cơ hội được đắm mình trong dòng chảy của nghệ thuật hát xẩm, từ những bài xẩm cổ như Lỡ bước sang ngang, Cô hàng nước, Quyết chí tu thân… đến bài xẩm lời mới về nhiều vấn đề thời sự của đất nước như Tiễu trừ cướp biển… Sân khấu hóa hát xẩm đang mở ra một đời sống mới cho loại hình nghệ thuật này, cũng như đưa xẩm đến gần với công chúng hơn.

Đưa hát xẩm đến gần với công chúng hơn - ảnh 1
Một dòng chảy thực sự của Xẩm âm thầm trong cuộc sống từ quá khứ tới hiện tại, đã phần nào được tái hiện khá rõ nét trên sân khấu “Xẩm và Đời”


Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Đêm nhạc “Xẩm và Đời” với 19 bài xẩm nổi tiếng, được chia làm 3 phần chính: Xẩm xưa, Xẩm đương đại và Xẩm thử nghiệm kết hợp với âm nhạc hiện đại. Một tiếng trước giờ diễn Đêm nhạc “Xẩm và Đời”, đã có khá nhiều khán giả tới Nhà hát Lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội để chờ nghe hát xẩm. Khán giả đến với đêm trình diễn này thuộc nhiều lứa tuổi, từ các bạn trẻ đến những cụ già ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Một cụ bà cho biết:  “Lúc chúng tôi ở Hà Nội, xẩm là tuổi thơ, là nét văn hóa của dân tộc. Tôi đi xem để sống lại ký ức ngày xưa”.

 Trong khi đó, một khán giả trẻ cho biết: “Nghe vừa thấy xúc động, vừa thú vị. Có một cái gì đấy lắng đọng trong tim. Em thích nhất bài “Cô hàng nước” và “Quyết trí tu thân”. Tại vì bài đấy nói về quyết trí của người con trai để làm người tài. Còn bài “Cô hàng nước” nói về vấn đề của đất nước, nghe rất lắng đọng, nghe rất cảm động”.

Trong bối cảnh nhiều môn nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, sự quan tâm của khán giả thủ đô đối với Đêm nhạc “Xẩm và Đời” là một tín hiệu vui đối với những nghệ sĩ hát xẩm. Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa, thành viên Ban tổ chức chương trình, khẳng định: lời hát xẩm không quá cổ, ngay cả một người hiện đại nghe cũng hiểu được. Đây là một thế mạnh của xẩm hiện đại: “Ca từ cũng như là âm nhạc của xẩm sẽ đi vào lòng người ngay lập tức. Nếu như quan họ, hát ca trù, chúng ta phải ngẫm ngợi, chúng ta phải nghiên cứu về Hán Nôm chúng ta mới hiểu các nhà thơ người ta nói gì thì trong hát xẩm, chúng ta cần gì, yêu gì, thích gì chúng ta có thể nói thẳng với nhau ngay, mộc mạc, rất đơn giản”.

Không chỉ thu hút khán giả trẻ, nghệ thuật hát xẩm cũng đang đem đến cảm hứng sáng tác cho một số nghệ sĩ trẻ theo phong cách trình diễn hiện đại. Nghệ sĩ Minh Kiên, người đã kết hợp hát xẩm và nghệ thuật beatbox chia sẻ, beatbox là văn hóa đường phố của Mỹ, xẩm là văn hóa đường phố của Việt Nam, văn hóa đường phố với nhau sẽ có sự gần gũi: “Khi đến với xẩm, tôi có nghe cách gõ nhịp của xẩm. Nó rất đơn giản thôi nhưng mình học được nhiều cách rất hay mà những  nghệ sỹ beatbox họ không nghe, không làm bao giờ. Khi nghe, người ta thấy ngay sắc màu đường phố Hà Nội ngày xưa. Nó không phải là một cái trống dày nhưng mà rất sôi động, nghe người ta có thể nhún nhẩy. Khi kết hợp thế thì tôi thấy vừa giúp beatbox đến gần hơn với người khác, vừa giúp xẩm có sắc thái hiện đại”.

Nghệ thuật hát xẩm đang nhận được sự quan tâm của một lớp khán giả trẻ và nghệ sĩ trẻ hiện nay. Nhưng những chương trình dành riêng cho hát xẩm lại chưa có nhiều. Bạn Lê Minh Hiếu, sinh viên trường đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ: “Kể từ lần đầu em nghe đến giờ, em nghe xẩm không nhiều lắm. Cơ hội đi nghe hát xẩm thật ra không nhiều, bởi vì là các cái chương trình đấy chỉ có một tiết mục hát xẩm thôi, chứ còn chuyên về xẩm thế này rất là ít, thế nên em mới chỉ được tiếp xúc qua đài, báo, truyền hình thôi”.

Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên ban tổ chức, chia sẻ những khó khăn khi tổ chức một chương trình nghệ thuật hát xẩm như “Xẩm và Đời”: “Chúng tôi đã từng làm một chương trình hát xẩm như thế này vào tháng 1 năm 2011. Lúc đó chúng tôi hy vọng mỗi năm chúng tôi sẽ làm một lần vào trước hoặc sau Tết. Thế nhưng phải đến tận năm nay chúng tôi mới biến được ước mơ thành hiện thực. Nói thế để thấy được rằng sẽ rất khó để làm được một chương trình lớn như vậy”. 

Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả đối với xẩm sau một thời gian dài vắng bóng trên các sân khấu nghệ thuật đã cho thấy sức hút của loại hình âm nhạc này với công chúng. Đây là động lực để lưu giữ, phổ biến xẩm trong dòng chảy âm nhạc dân gian Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác