Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế

(VOV5)- Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn. Điều này đặt ra cho công tác đào tạo nghề nhiều đòi hỏi cấp thiết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động phong phú, đa dạng.


Tính đến hết năm 2015, cả nước có gần 1.500 cơ sở dạy nghề. Đó là chưa kể đến hơn 700 cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc khối trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tham gia dạy nghề. Trước những nhu cầu mới, hình thức cũng như mô hình dạy nghề cũng phát triển đa dạng, góp phần cung cấp cho thị trường một lực lượng lao động có tay nghề. Việt Nam có chính sách ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo nghề. Cùng với đó, Nhà nước có những cơ chế chính sách đồng bộ đi kèm, tập trung làm tốt công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp và quản lý tốt các cơ sở dạy nghề. Hoạt động đào tạo nghề dần chuyển đổi phương thức dạy theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường; chuyển hệ thống dạy nghề được quản lý tập trung, đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước sang hệ thống dạy nghề được quản lý phi tập trung, phân cấp mạnh cho cơ sở.

Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế - ảnh 1
Một cơ sở dạy nghề - Ảnh minh họa/Báo Hà Nội mới



Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Đối với các cơ sở đại học hay giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề, kiến thức ở trong nhà trường cần đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhưng cần phải rút ngắn được thời gian làm quen với công việc tại doanh nghiệp. Rút ngắn để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cũng là một việc mà Luật Giáo dục nghề nghiệp đã nêu ra. Trong thời gian này thì Bộ cũng đặt ra định hướng tuyển sinh cho lĩnh vực dạy nghề đồng thời tăng cường triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai công tác dạy nghề trong thực tiễn”.


5 năm qua, cả nước dạy nghề cho khoảng 8,6 triệu người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70%. Điều này cho thấy dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động. Tuy nhiên, để người lao động có thể tìm được việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước khu vực và trên thế giới, không chỉ dạy kiến thức nghề cho người lao động mà còn trang bị cho người học nghề những kỹ năng mềm. Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới, phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa và chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường, đầu tư cho dạy nghề theo hướng tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và gắn với thị trường lao động.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác