Nguyễn Ngọc Đào Uyên và những sáng tác về nông thôn đương đại

(VOV5) - Mới đây, cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức, đã thành công tốt đẹp, khẳng định tên tuổi của nhiều cây bút trẻ. Một trong số đó là Nguyễn Ngọc Đào Uyên, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, vừa đoạt 2 giải tại cuộc thi.

Nguyễn Ngọc Đào Uyên và những sáng tác về nông thôn đương đại - ảnh 1
Ảnh minh họa: theo tuoitre.vn

Nghe âm thanh tại đây:



Nguyễn Ngọc Đào Uyên năm nay 33 tuổi và là giáo viên trường Trung học phổ thông Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Cô theo nghiệp giáo viên của mẹ và đam mê đọc sách như cha. Từ mê sách đến việc tập tành viết văn đã rèn luỵên cho cô khả năng nhìn cuộc sống bằng chiều sâu của một tâm hồn nhạy cảm.  Nguyễn Ngọc Đào Uyên cho biết:“Ở nhà, cha tôi có 1 tủ sách nên tôi hay đọc sách từ nhỏ. Cha tôi cũng chọn lọc cho tôi loại sách nào đọc được, loại nào lớn lên tôi mới được đọc. Khi đi theo mẹ đến trường, tôi cũng lên thư viện đọc sách. Tự mình cảm, tự mình thấy thích. Từ nhỏ tôi cũng xác định lớn lên sẽ làm giáo viên theo mẹ, theo truyền thống gia đình, chị gái tôi cũng làm giáo viên rồi tới tôi.” 

 

Đào Uyên tham gia viết văn và đoạt giải từ rất sớm. Năm lớp 9, cô tham gia giải văn chương Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và giành giải nhất. Sau đó, cô được mời tham gia viết cho tạp chí Áo Trắng, được giao lưu với các cây bút dày dạn kinh nghiệm ở phía Nam. Được đội ngũ nhà văn, nhà thơ giỏi nghề của tỉnh An Giang khuyến khích phát huy sở trường, Đào Uyên càng yêu văn và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Nhà văn Trần Tùng Chinh, giảng viên trường Đại học An Giang, một trong những người có công lớn đào tạo các cây bút trẻ, cho biết:“Trường Đại học An Giang có Câu lạc bộ văn thơ hoạt động thường xuyên, có các hoạt động liên quan đến sân chơi văn thơ nhưng quan trọng nhất vẫn là sáng tác. Bắt đầu từ những tuyển tập sau đó là 1 diễn đàn, 1 trang trên báo sinh viên điện tử, từ đó nhiều cây bút trẻ đã được biết đến. Đào Uyên trước đây cũng sinh hoạt ở Câu lạc bộ Văn thơ khóa 2. Câu lạc bộ này do Bộ môn Ngữ văn phụ trách, truyền thêm cảm hứng cho các em, có nhiều góp ý chân thành để các em thêm tự tin. Câu lạc bộ cũng kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật để có những chuyến đi thực tế. Đó là những điều kiện thuận lợi để những em có năng khiếu, có đam mê với văn chương phát huy được tình yêu của mình”.

 

Ở 2 tác phẩm đạt giải ba “Lặng lẽ bến bờ” và giải khuyến khích “Còn đâu mái ấm” tại cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V của Nguyễn Ngọc Đào Uyên, người đọc có thể thấy nét văn phong và tư duy đã định hình của cây bút trẻ này. Cách nhìn cuộc đời, lý giải thực tại và hướng tới cái kết tốt đẹp hơn của cô khá sâu sắc, tự nhiên và thuyết phục. Ở cả 2 tác phẩm này, Đào Uyên đều đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ nội tại trong các gia đình nông thôn trước ảnh hưởng của cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa. Những cảnh đời tưởng chừng bế tắc chỉ vì những suy nghĩ lệch hướng, ứng xử sai lầm mà đánh mất hạnh phúc. 2 câu chuyện buồn nhưng đều có kết cục hé mở một trang tươi mới hơn sau những nhìn nhận lý giải sâu sắc. Thực tế sẽ khác đi nếu nhân vật biết tìm kiếm sự ấm áp đang tồn tại dưới mái nhà thực tại. Nguyễn Ngọc Đào Uyên chia sẻ:“Chắc tại tôi gắn bó với quê hương nên thấy việc bỏ quê đi làm xa là rất đau lòng. Truyện “Mái ấm còn đâu” giống như trút tâm sự của mình với mảnh đất quê mình, với những người tha phương. Tôi nghĩ rằng gia đình nào cũng có vấn đề, vì mỗi người không biết cách giải quyết với nhau mới xảy ra bi kịch cho nên cuối cùng có những ngôi nhà không còn là mái ấm nữa. Truyện được giải ba là “Lặng lẽ bến chờ” nói nhiều về tình nghĩa chung thủy trong cuộc sống. Tôi nghĩ điều quan trọng trong cuộc sống này là tình cảm con người dành cho nhau. Có những lúc người ta yếu lòng, có những lúc phản bội nhưng cuối cùng thì tình nghĩa con người, tình yêu dành cho nhau sẽ chiến thắng hết.”

 

Qua các tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Đào Uyên đã mạnh dạn thể hiện cách nhìn và sự phân tích đa chiều để hướng độc giả đến cách giải quyết mâu thuẫn gia đình ở nông thôn một cách nhẹ nhàng, hợp lý và tốt đẹp hơn.

Phản hồi

Các tin/bài khác