Sắc phong và việc tìm về với nguồn cội văn hóa

(VOV5) - Với những giá trị của tư liệu cổ, thời gian gần đây, nhiều nhóm các nhà nghiên cứu, những người sưu tầm cổ vật đã thực hiện việc tìm, sưu tập và dịch lại các bản sắc phong trao trả về cho các làng.

Sắc phong là di sản văn hóa tinh thần của người Việt. Đối với mỗi làng, xã, đây là tư liệu linh thiêng vì là văn bản của nhà vua, phong chức tước cho những người có công lao đóng góp cho địa phương. Với những giá trị của tư liệu cổ, thời gian gần đây, nhiều nhóm các nhà nghiên cứu, những người sưu tầm cổ vật đã thực hiện việc tìm, sưu tập và dịch lại các bản sắc phong trao trả về cho các làng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một trong 7 thành viên của nhóm nhân sĩ Hà Đông đã thực hiện ý tưởng tìm Sắc phong trả về cho các làng quê Việt từ năm 2015, sau khi  thu thập được hơn 200 đạo Sắc phong. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, câu chuyện tìm và trao trả Sắc phong bắt đầu từ một người bạn của ông là Trịnh Hữu Sỹ, một người đam mê văn hóa truyền thống và đã sưu tầm được nhiều tranh thờ, tranh dân gian và các bản sắc phong. Sau đó, ông Trịnh Hữu Sỹ đề nghị nhóm Nhân sĩ Hà Đông ủng hộ việc dịch các đạo sắc phong để hiểu rõ về lai lịch. Từ việc tìm hiểu được lai lịch, nhóm nhân sĩ Hà Đông đã thực hiện bước tiếp theo là trao trả những bản Sắc phong về đúng địa chỉ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cảm thấy vô cùng tự hào vì ông và các bạn đã làm được một việc ý nghĩa, qua đó, đánh thức người dân ở các vùng, miền về việc gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc: “Khi mà trao trả, chúng tôi trực tiếp trao trả, trừ những nơi nào xa quá. Khi trao tôi thấy một sự tôn kính, thiêng liêng đặc biệt. Người dân địa phương khi nhận bản Sắc phong cảm thấy một sự an bình, một niềm hứng khởi, cho học hành, có thể là điều gì khó lý giải nhưng thiêng liêng, truyền thống nguồn cội quan trọng như thế nào…”.

Tìm, sưu tập, gìn giữ và sau đó dịch và trao trả lại cho các địa phương, những người tham gia làm công việc này ngày càng nhiều bởi với họ nhận thức được rằng, sắc phong là di sản vô cùng quý giá, là căn cước của một làng, thể hiện sự gắn kết của mỗi làng, xã với triều đình. Những người được vua phong thần thông qua sắc phong đã được người dân thờ cúng như một vị thần, thánh  ở trong các đình, chùa, đền đài, miếu mạo.

Sắc phong và việc  tìm về với  nguồn cội văn hóa - ảnh 1 Nhóm Nhân sỹ Hà Đông trao trả 7 đạo sắc phong cho làng Gòi Thượng, Hà Nam. Ảnh: ANTD.vn

Cũng là một người từng tham gia sưu tập và trao trả đạo sắc phong cho các địa phương, nhà sử học Dương Trung Quốc cho tới giờ vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở vì nhiều bản gốc sắc phong vẫn chưa tìm về được đúng nơi, đúng chốn: “  Nhiều người nước ngoài sang Việt Nam  sưu tầm đồ cổ. Họ thấy tấm giấy rất đẹp bền cổ chữ đẹp. Khi về họ nhờ dịch ra giảng giải thì họ cho rằng mình đang giữ một thứ đồ không phải của mình và khi thấy giá trị thiêng liêng nên họ nhờ  trả lại. Nhưng chúng tôi không làm tốt được vì địa danh thay đổi nhiều quá nên chúng tôi gửi lại thư viên. Nếu các bạn trẻ dịch được đi nhiều thì trao trả lại thì tốt nhất”.

Đối với các làng quê Việt, những tế bào sống trong xã hội truyền thống thì những bản sắc phong chính là thể hiện những giá trị về văn hóa tinh thần. Vì vậy, nhiều nơi, khi bị mất đi sắc phong thì họ cảm thấy như mất đi phần hồn của làng và đời sống tâm linh bị ảnh hưởng. Chính vì thế, việc trao trả  sắc phong cho người dân các địa phương là việc làm nhằm gắn kết tinh thần của mỗi người thông qua những giá trị lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc làm này cần phải được sự quan tâm hỗ trợ từ ngành văn hóa: “Và việc trao trả lại là việc làm tốt đẹp. Nhiều yếu tố có  thể phát huy được. Muốn khôi phục là trung tâm nhà văn hóa xã nhưng đình vẫn là thiêng liêng nên việc trao trả thì địa phương lưu giữ thì tốt. Ngành văn hóa nên quan tâm. Làng nào có nhà truyền thống thì trả lại hoặc giữ tại ủy ban các xã còn có đình làng trả lại là tốt nhất”.

Khá nhiều người trẻ đã xung phong dịch các bản Sắc phong miễn phí hoặc nhiều người tình nguyện cung tiến các đạo Sắc phong đang gìn giữ để trả về cho các địa phương. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, làm việc này vì cái tâm, vì muốn lưu giữ truyền thống văn hóa bởi nền văn hóa hiện đại muốn phát triển cũng  không thể tách rời những giá trị truyền thống. Và phải làm sao để việc làm này lan tỏa trong cộng đồng: “ Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương tây, để phát triển nền văn hóa tiên tiến hiện đại, không thể tách rời văn hóa nguồn cội. Không chỉ đạo Sắc phong mà các ngành nghề khác với những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. Việc chúng tôi làm không phải âm thầm  mua Sắc phong, dịch rồi trao trả mà còn  lan tỏa trong cộng đồng. Lan tỏa không phải để quảng bá cho cá nhân nào mà để quảng bá cho văn hóa nguồn cội. Có thể tổ chức tọa đàm, in sách bàn luận về vấn đề này”

Mong muốn có nhiều hoạt động cụ thể hơn để đưa Sắc phong về với nguồn cội như ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đang mở ra một hướng đi cho sắc phong. Song để làm được cần sự hỗ trợ của ngành văn hóa và cần hơn nỗ lực  của những người yêu lịch sử và văn hóa Việt.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác