Sống động âm nhạc dân tộc trong đêm phố cổ Hà Nội

(VOV5) - Vào cuối tuần, trên nhiều con phố của Hà Nội 36 phố phường, các loại hình âm nhạc dân tộc như chèo, tuồng, dân ca và âm nhạc nghi lễ hầu đồng được biểu diễn trực tiếp, sinh động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Các hoạt động âm nhạc truyền thống được biểu diễn ở không gian đường phố này không chỉ làm phong phú và hấp dẫn cho cảnh và người Hà Nội, mà còn tham gia hữu hiệu vào công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá các loại hình âm nhạc di sản văn hóa của dân tộc Việt. 

Sống động âm nhạc dân tộc trong đêm phố cổ Hà Nội - ảnh 1
Vào 3 buổi tối cuối tuần, tại góc phố Lương Ngọc Quyến - Hàng Giầy đều có các ban nhạc thay nhau mỗi tối biểu diễn miễn phí.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



“Trấn thủ Nghệ An ông Hoàng Mười. Trấn thủ Nghệ An. Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Dày...Nghe thường hội nghị quân viên mà nghe tin ông Mười tới yên viên chảnh lòng vấn tiên…” - Những ca từ của loại hình âm nhạc hát văn của nghi lễ hầu đồng này không phải chỉ thực hành ở các điện thờ mà đã trở nên quen thuộc với khách du lịch và người dân ở khu phố cổ Hà Nội. Ca từ của hát văn đã vượt ra khỏi không gian của nghi lễ tín ngưỡng tâm linh đi vào đời sống hằng ngày. Cuối tuần, nhiều con phố trở nên rộn ràng, khách du lịch dừng chân để lắng nghe các giai điệu âm nhạc, tiếng đàn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ sĩ dân gian biểu diễn. Lời ca, tiếng hát từ các giai điệu âm nhạc tạo được những ấn tượng văn hóa tốt đẹp về văn hóa nghệ thuật dân gian.

Với dòng nhạc hát văn, trước đây đối tượng thưởng thức không nhiều, chủ yếu là người đã có tuổi  và yêu nghệ thuật dân ca cổ truyền. Nhưng hát văn được biểu diễn ở phố cổ mang lại sức hút lạ thường. Khách đến dự thưởng thức đủ độ tuổi, từ trẻ em tới những cụ già cao tuổi. Sau buổi diễn hát hầu văn ở phố cổ, nghệ sĩ dân gian Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết bằng thực tế biểu diễn đã thu hút lượng khán giả trẻ tuổi đến với loại hình nghệ thuật này: “Mình thì mình nghĩ là cái vũ điệu này vốn rất là thần thánh rồi. Và các bạn trẻ cũng rất dễ yêu thích nó, không riêng gì lớp già đâu mà bây giờ tất cả những bạn trẻ thế hệ 9X này rồi có thể là những bạn trẻ hơn nữa cũng rất là thích".

Sống động âm nhạc dân tộc trong đêm phố cổ Hà Nội - ảnh 2
Buổi biểu diễn hát chầu văn, loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam thu hút khá dông người xem.

Chỉ bằng những sân khấu nhỏ dựng ngoài trời, những nghệ sĩ hát xẩm khi ngồi, khi đứng tay đàn miệng hát hết sức tự nhiên và đam mê. Một chiếc đàn nhị và bộ gõ, qua các ca từ của những bài xẩm như: Xẩm anh Khóa, Xẩm tàu điện,  Xẩm Lỡ bước sang ngang, xẩm Thập ân … người nghệ sĩ dân gian đã hút người xem trở về với cuộc sống của Hà Nội những năm thời đầu thế kỉ 20. Tiếng xẩm giữa phố phường Hà thành đông đúc hiện đại đã cho người xem cảm giác gợi nhớ về cảnh người hát xẩm ở cây đa, cổng chợ tại các miền quê thời chưa xa. Chị Cao Thu Hà, một du khách tham quan phố cổ cho biết: “Những âm thanh sống động và rất thật. Những âm thanh này thực sự là những âm thanh như trống, kè, .. từ các nhạc cụ truyền thống của mình phát ra và mình được trực tiép nghe âm thanh đấy thì nó là cảm giác hoàn toàn khác”.

Hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc tại khu phố cổ ban đầu manh nha bởi các nhóm yêu nhạc dân tộc, yêu Hà Nội với mục đích phi lợi nhuận và cổ súy cho tinh hoa âm nhạc dân tộc. Càng về sau, hoạt động được hưởng ứng và cổ vũ không chỉ người đến xem đông đảo mà các tổ chức khác cũng góp tiếng nói vào hoạt động này. Năm 2015 nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã hợp tác với Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” nhằm giới thiệu đến công chúng tổng quan về âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Chương trình đã mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đầu ngành âm nhạc dân tộc như nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam về đàn đáy, nguyệt, tam, nghệ sĩ ưu tú Đặng Công Hưng về đàn nguyệt, nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài về hát chèo, ngâm thơ. Chương trình hoàn toàn tuân thủ  lối diễn cổ truyền. Các nghệ sĩ, nhạc công ngồi chiếu cói, đàn và hát mộc, không micrô, không loa phóng thanh. Những phương cách này được biểu diễn giữa phố cổ trầm mặc càng làm các nghệ sĩ có cơ hội và cảm xúc phô diễn nét đẹp tinh khiết của các làn điệu âm nhạc dân tộc. Anh Đặng Xuân Khuê, một người mê nhạc dân tộc, say Hà Nội tâm sự : “Khi người ta nghe nghệ sĩ nhân dân biểu diễn thực sự thì người ta thấy cái hồn trong lời hát, lời ca, những tiết mục biểu diễn của họ”.

Nếu âm nhạc nói chung là nghệ thuật dùng ngôn từ là âm thanh để diễn đạt những tình cảm, cảm xúc của con người thì âm nhạc dân tộc là âm thanh diễn tả tâm hồn, văn hóa, trí tuệ của dân tộc. Âm nhạc dân tộc ấy càng say đắm lòng người khi được các nghệ sĩ dân gian, nghệ sĩ nhân dân trình diễn nó trong một không gian của phố cổ của đô thành Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến đang hiện đại hóa. Đến Thăng Long- Hà Nội dù có “rủ nhau đi 36 phố phường” như câu ca dao xưa mô tả thì coi như vẫn còn thiếu nếu như chưa một lần được xem, chứng kiến một buổi diễn âm nhạc dân tộc giữa phố phường Thăng Long của thế kỉ 21.

Phản hồi

Các tin/bài khác