Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

(VOV5) - Sáng 14/4, Phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là phiên họp quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Trong thời gian 10 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các Dự án Luật, cũng như rà soát để các Dự án luật trình lên Quốc hội đạt chất lượng cao nhất.

Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa - ảnh 1
(Ảnh: nhandan.com.vn)


Tiếp đó, các đại biểu cho ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có báo cáo tổng kết, đánh giá cả định tính và định lượng đối với Nghị quyết số 40 của Quốc hội ban hành năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Từ kết quả đánh giá để có cơ sở cho việc về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định chương trình đổi mới sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” có tính khả thi và cần 35.000 tỷ đồng đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý góp ý:  “Đề án đổi mới sách giáo khoa liên quan, tác động rất lớn tới đời sống của nhân dân. Để Quốc hội xem xét và thông qua, tôi đề nghị chuẩn bị đầy đủ hơn. Lấy ý kiến rộng hơn, nhất là các chuyên gia về giáo dục, cần lấy ý kiến nhân dân.”

Để Đề án trình Quốc hội đạt chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện nội dung, trong đó cần có đánh giá tác động việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.


Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều 14/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề. Đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi lần này phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề, khắc phục được những bất cập, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Các đại biệu cũng đề nghị Dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng quy định rõ về đào tạo nghề của các nhà trường. Về chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề, một số ý kiến cho rằng cần quan tâm, ưu tiên phụ nữ và lao động nông thôn, đồng thời hỗ trợ cơ sở doanh nghiệp dạy nghề ở khu vực nông thôn, miền núi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác