Việt Nam giảm nghèo bền vững, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ

(VOV5) - Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 6% năm. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Việt Nam giảm nghèo bền vững, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí gần 48.400 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Chương trình đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Điểm mới của Chương trình là hợp nhất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là chương trình 30a) Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135). Chuẩn nghèo được đánh giá theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính. Đặc biệt, chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định:
 “Giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều là một trong những chủ trương lớn hiện nay của  Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích đồng bào nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các tầng lớp nhân dân. Sự nghiệp này chỉ thành công khi huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực kết hợp với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”.

Giai đoạn 2011-2015, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Chính phủ Việt Nam cũng được ban hành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Nhiều mô hình sản xuất giúp người dân thoát nghèo được thực hiện rộng khắp cả nước. Bà Triệu Thị Hường, một nông dân tham gia chương trình trồng rau sạch để xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ:
 “Chương trình nhằm giảm nghèo cho gia đình mình trước, sau đó là cộng đồng và góp phần giảm nghèo ở địa phương. Khi nhóm trồng rau sạch được Dự án giảm nghèo hỗ trợ, chúng tôi thấy không phải trồng loại rau gì xa lạ mà chính là rau ở địa phương mình. Giá bán rau cao hơn, đầu ra được bao tiêu rất yên tâm, thu nhập cải thiện. Từ nội lực của chính mình để giảm nghèo bền vững hơn”.

Nguồn lực thực hiện chính sách và Chương trình giảm nghèo là yếu tố quan trọng để giảm nghèo nhanh, bền vững. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, cho biết: 
“Chúng tôi có bản đồ mô phỏng mức độ nghèo của từng vùng, từng tỉnh. Đây là cơ sở để các cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu để có những giải pháp hợp lý. Vấn đề phân bổ nguồn lực cần được tính toán để làm sao nhìn thấy vùng nào còn trũng trong cách tiếp cận thì phải có giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hiểm y tế”.

Thời gian qua, việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa giữa các vùng, miền. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo bền vững thể hiện quyết tâm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác