Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trên thế giới

(VOV5) - Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. 


Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Đây là số liệu được công bố tại buổi họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam trong thời gian qua do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay (31/03), nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn (04/04). Theo kết quả của Dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc”, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,8 triệu ha, chiếm 20,7% tổng diện tích cả nước. Số bom mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Hiện trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. 


Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trên thế giới - ảnh 1

Ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm xử lý bom mìn sau chiến tranh Việt Nam thông tin tại buổi họp báo


Ước tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh làm hơn 40 nghìn người chết và trên 60 nghìn người bị thương. Việt Nam đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu tấn bom mìn, giải phóng hàng trăn ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ. Cùng với đó, việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương… 


Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: "Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các bộ ngành và địa phương phát triển hệ thống dịch vụ đối với người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn, trong đó phát triển hệ thống phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn dựa vào cộng đồng. Trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ kịp thời và toàn diện. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực cho địa phương trong việc chỉ đạo điều hành và thực hiện quy trình trợ giúp cho nạn nhân bom mìn theo quy trình thống nhất và chuyên nghiệp".

Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để làm sạch hết bom mìn con sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn. Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đang tích cực kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác