Báu vật của nữ nhà báo phát thanh

Bà kể chuyện Trường Sa, những tình cảm của bà dành cho lính đảo… Và bà coi đó là báu vật của đời mình.


Lần đầu tiên tôi gặp bà trong một quán cà phê gần Đài. Có thể bà không nhớ nhưng tôi thật khó quên. Quán này nằm hút sâu trong ngõ. Dân Đài rất hay ngồi lúc rảnh rỗi, sau giờ thu âm. Lúc đó là buổi chiều. Cậu phóng viên trẻ măng là tôi rụt rè kéo chiếc ghế gỗ ngồi lại gần bà, sau giọng nói vang, chắc, đài từ sắc nét: "Ngồi đây em".

Tôi là lính mới của Tạp chí truyền thanh, một chương trình vào loại hiện đại nhất Đài bấy giờ, khai tử lối làm phát thanh "cắt báo". Tôi mới nhập nghề, mới ra ràng vài ba bài viết còi. Bà đã sừng sừng là cây bình luận thời sự sắc sảo.

Suốt cả buổi, bà say sưa kể về những chuyến đi, về những vụ việc bà và các đồng nghiệp đã lôi ra ánh sáng. Điển hình là vụ án cái chết oan uổng của em học sinh lớp 5 Nguyễn Văn Thanh, ở Vĩnh Phúc. Sau phóng sự điều tra của bà, kẻ thủ ác đã phải cúi đầu nhận bản án nghiêm khắc...

Báu vật của nữ nhà báo phát thanh - ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc


Thật khó hình dung đôi bàn chân bé nhỏ đó đã băng qua biết bao nẻo đường. Không chịu dừng lại phút nào, ngay cả khi đang ngồi nghỉ nơi quán cà phê yên tĩnh, giữa mấy đứa em đứa cháu phóng viên trẻ, bà vẫn không ngừng say sưa phác thảo về con đường phía trước của nghề báo nói.

Cả một đời lúc nào cũng nghĩ tới nghề, không, mà phải gọi là nghiệp mới đúng. Lúc nào cũng đau đáu với số phận nhân dân, với những vùng quê còn khó nhọc. Mỗi trang viết, mỗi lời bình luận sắc bén đều được sưởi bằng cái tình nhân ái, lòng yêu thương con người.

Lần thứ hai, trong nhiều nỗi xúc động của đời làm báo, tôi có được một nguồn hạnh phúc thật lớn. Giao thừa một năm trời buốt rét. Sau chuyến đi miền núi dài ngày, nạp tư liệu viết bài cho những ngày tết, tôi cũng kịp góp vài phóng sự thu thanh cố gắng khắc hoạ những mảnh đời nghèo, lam lũ mà ấm áp tình người. Bà hồi đó đã là Phó Tổng Giám đốc Đài. Bà lên chức (là trường hợp duy nhất ở Đài từ phó trưởng ban lên thẳng phó Tổng Giám đốc), còn lũ chúng tôi vẫn còn nhỏ bé lắm, mãi chập chững xanh non. Và chẳng bao giờ, dám bén mảng lại gần những "Cây cao bóng cả". Đang bắt tay mấy bác bảo vệ cơ quan thời khắc chờ năm mới, bất ngờ một người phụ nữ dáng thâm thấp lướt đến trước mặt, nhẹ đưa bàn tay về phía tôi: "Chúc mừng em, chiều nay chị vừa nghe bài của em, chị rất xúc động".

Đó là lần đầu tiên, tôi nhận cùng lúc hai bất ngờ: bài viết non nớt của mình hoá ra không bị lọt thỏm vào không trung; sự gần gũi, dễ mến của một vị lãnh đạo không phải dễ thấy ở những người có quyền chức... Cái chất phóng viên thời sự vẫn còn nguyên trong vị lãnh đạo nữ.

Mùa xuân năm đó, tôi ăn Tết trong niềm vui khó tả. Cứ thế tôi mang theo lời động viên trìu mến, cái bắt tay thân ái của vị lãnh đạo đến tận ngày hôm nay.

Lần gần đây nhất, cách đây vài tháng, vẫn lối kể chuyện hấp dẫn, giàu chi tiết của một nhà báo phát thanh với kinh nghiệm hàng chục năm ngồi trước micro, bà thu hút sự lắng nghe của hàng chục phóng viên các đài phát thanh khu vực miền Trung trong một buổi hội thảo nghiệp vụ. Bà kể chuyện Trường Sa, về lá thư của một người lính Trường Sa (đại tá Nguyễn Thuận) gửi cho bà, cảm ơn bà về những bài báo và những tình cảm của bà dành cho lính đảo. Và bà coi đó là báu vật của đời mình. Vẫn lối diễn đạt mạch lạc,  tràn cảm xúc, bà nói về vốn sống của nghề báo, những cảm xúc, trải nghiệm trong các chuyến đi, không quên kể về chú cún yêu mà lính đảo lấy tên bà đặt cho nó. Bà trẻ hơn nhiều so với cái tuổi ngấp nghé 70 của mình. Rồi cuối buổi, một lần nữa tôi gặp lại hình ảnh của đêm 30 tết cách đây gần 20 năm. Bắt chặt tay tôi, bà dành cho bút ký Trường Sa của tôi lời động viên thật chân tình. Đọc và chịu nghe cánh trẻ, tôi học thêm ở bà một đức tính ít gặp ở những vị lãnh đạo quan cách. Cái bắt tay thật nồng ấm của người lãnh đạo lặng thầm theo suốt đời làm báo, có sức động viên lớn, hơn cả những giải thưởng xủng xoảng, những danh hiệu ồn ào tôn vinh trên sân khấu...

Nghĩ về bà, tôi chợt nghĩ thế này: dẫu mai này, phát thanh có đi về đâu, phát triển như thế nào thì đó cũng chỉ là câu chuyện của công nghệ, kỹ thuật. Điều luôn cần là một tấm lòng với thính giả, một suy nghĩ đầy lương tâm về công việc thầm lặng của nghề báo nói. Đó chính là thứ báu vật không gì mua nổi. Ở đời để được làm tấm gương soi cho những người đến sau đâu phải dễ dàng. Nó không tự đến và sẽ chẳng bao giờ mất đi, kính thưa nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác