Cảng hàng không quốc tế Long Thành, động lực phát triển kinh tế

(VOV5) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp...

Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một dự án nhiều tham vọng của Chính phủ Việt Nam, đang được nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự án, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. 

Cảng hàng không quốc tế Long Thành, động lực phát triển kinh tế - ảnh 1

Sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Sân bay Long Thành được quy hoạch tại vị trí nằm trên 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành (Đồng Nai), nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về hướng đông.

Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, hiện các quốc gia đều đã lần lượt quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn, có tính cạnh tranh để đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia. Có thể kể đến như Suvarnabhumi của Thái Lan, Kuala Lumpur của Malaysia, hay Changi của Singapore. Do cơ sở hạ tầng hàng không chưa đáp ứng, Việt Nam hiện nay mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm hàng không trong khu vực của các hãng hàng không lớn của châu Âu, Bắc Mỹ. Vì thế, một dự án cảng hàng không quốc tế ở khu vực phía Nam, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất là vô cùng cần thiết.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cảng hàng không Việt Nam cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2025 khu vực thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 40 triệu hành khách thông qua, đến 2030 là khoảng 50 triệu hành khách. Dự án sân bay Long Thành được nghiên cứu, triển khai, nhằm mục đích giải quyết vấn đề quá tải và cũng để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải".

Theo tính toán, sân bay Long Thành được thiết kế đạt mức độ tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Dự kiến sau năm 2035, tổng công suất đạt 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế có quy mô trung chuyển tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, dần hình thành một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Bộ và cả nước nói chung. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam cho rằng: "Một trăm triệu hành khách/năm, năm triệu tấn hàng hóa/năm. Đây là cảng hàng không trọng yếu nhất của quốc gia. Với vị trí vai trò như vậy, thì việc phải đảm bảo áp dụng kỹ thuật khoa học hiện đại tiên tiến nhất, ngang bằng các cảng lớn của khu vực cũng như của thế giới".

Theo nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia, Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp, đi đến các châu lục như Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương. Sân bay Long Thành còn thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả.

Vị trí lựa chọn tại Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai (5 nghìn ha) để phát triển thành một cảng hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ phi hàng không đa dạng, phong phú, đặc biệt là có thể phát triển thành mô hình thành phố sân bay (Airport City) bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cảng hàng không Việt Nam cho biết: "Dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn cho đất nước. Khi thực hiện dự án này sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa cho không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, ước tính trên 200 ngàn người có thêm việc làm từ dự án này, đồng thời tạo nguồn thu, đảm bảo khả năng hoàn vốn sau này".

Được quy hoạch cách thành phố Hồ Chí Minh 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận. Sân bay Long Thành cũng sẽ giúp kích thích phát triển của ngành vận tải hàng không, giúp tăng cạnh tranh quốc tế, tăng kết nối Việt Nam với thế giới, tạo đà phát triển du lịch của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác