Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức người lính Trường Sơn

(VOV5) -  Với những người lính Trường Sơn, ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vẫn nguyên vẹn dù 40 năm đã trôi qua. Đó là ký ức về những ngày hào hùng, từng đoàn xe chở bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn. Đó là khí thế hừng hực của niềm vui chiến thắng và niềm xúc động vỡ òa khi đặt chân vào Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh đã được giải phóng. 


Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức người lính Trường Sơn - ảnh 1

Thiếu tướng Phan Khắc Hy


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm nay đã gần 90 tuổi nhưng khi nhắc lại Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông vẫn nhớ như in từng thời điểm, từng đoàn quân, mắt ông ánh lên niềm tự hào, niềm vui. Ông kể, tháng 2 năm 1975, nhiều đoàn của Trung ương vào kiểm tra công tác chuẩn bị cho đánh lớn tại Trường Sơn. Lúc bấy giờ, bộ đội Trường Sơn với 2 Sư đoàn xe ô tô vận tải đủ cơ động các quân đoàn chủ lực, 4 sư đoàn công binh, đường ống xăng dầu đã sẵn sàng đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các binh chủng bước vào trận đánh lớn. Trong chiến dịch này, lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội Việt Nam được “cơ giới hóa”. Nghĩa là, chấm dứt hành quân bộ, gùi cõng hành lý, thay vào đó, các đoàn quân, khí tài được chở bằng xe cơ giới. Tất cả phần vận tải cơ động lực lượng, tiếp tế  vũ khí đạn dược lớn đều do Bộ đội Trường Sơn đảm nhiệm. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại: Lúc đó Bộ đội Trường Sơn đảm nhận những nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định trong thắng lợi của chiến dịch. Hai sư đoàn vận tải ô tô, cõng trên lưng các quân đoàn chủ lực, trở thành bộ binh cơ giới hóa. Do đó, tốc độ tấn công tăng lên, tạo nên sức đột biến mà Đại tướng- Tổng Tư lệnh nhận định là: Nhờ thế trận của Bộ đội Trường Sơn mà các đơn vị chủ lực có vị trí tập kết, có điểm xuất phát tấn công, đồng thời được cơ giới hóa, tạo nên sức đột kích trong đòn quyết định. Vì vậy mà vai trò của 2 sư đoàn vận tải ô tô của Bộ đội Trường Sơn đóng góp rất lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.Thiếu tướng Phan Khắc Hy


Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức người lính Trường Sơn - ảnh 2



Hơn 5 ngàn chiếc xe thuộc hai Sư đoàn 471 và 571 của Bộ đội Trường Sơn chở quân của các Quân đoàn 1, 2, 3 tham gia các trận đánh từ Huế- Đà Nẵng, Tây Nguyên cho đến miền Đông Nam bộ và cuối cùng là giải phóng Sài Gòn. Đi đến đâu, thắng đến đấy. Từ chỗ thực hiện nhiệm vụ vừa đánh vừa mở mà bảo vệ đường Hồ Chí Minh, đường ống dẫn xăng dầu, đến việc cùng bộ binh và các quân chủng khác tham gia trực tiếp vào các trận đánh, tiến công giải phóng miền Nam, bộ đội Trường Sơn khi đó ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, dồn sức cho chiến thắng. Đại tá Đinh Công Ty khi đó là Chính ủy Trung đoàn vận tải ô tô 11, Sư đoàn 571, Bộ đội Trường Sơn kể: Lái xe nói chung rất phấn khởi. Bây giờ mình là cái ô tô, mà lâu nay chỉ chở hàng hóa, vũ khí từ Bắc vào Nam trong điều kiện địch đánh, khó khăn. Bây giờ lại chạy trên đường 1, quốc lộ, lại chở bộ đội bộ binh nữa nên không gì sung sướng bằng. Cho nên anh em quyết tâm đảm bảo an toàn, thay nhau lái không ngừng, đáp ứng yêu cầu của bộ binh, không cần cơm nước cũng được, cứ phát lương khô đi. Phấn khởi đến mức như thế. Địch rút chạy ào ào, mình phải nhờ cơ giới, lái xe của bội đội Trường Sơn chở các quân đoàn chủ lực mới kịp được.


Ngày chiến thắng đến gần rồi, đặt chân đến Sài Gòn, cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời đối với những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn, người lính Trường Sơn có thêm một trách nhiệm, đó là tham gia tiếp quản và bảo vệ thành phố với mong muốn xây dựng cho to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại ngày đặt chân đến Sài Gòn vừa giải phóng ngay sáng ngày 1 tháng 5:  Khi đó tôi và ông Đinh Đức Thiện- Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tư lệnh chiến dịch, hai thầy trò đi vào thành phố Sài Gòn, anh Thiện nói với tôi là “Kỳ này tiếp quản Sài Gòn, phải khác, phải khác, không được như trước.”. Sài Gòn nguyên vẹn như thế, phải duy trì được các hoạt động của nó. Tôi và anh Thiện đi vào các cửa hàng, đi hết tất cả các ngõ phố, đồng bào vui mừng lắm, nhìn bộ đội rất thân thiện. Hạnh phúc của ngày giải phóng, một ngày mà ai cũng chảy nước mắt cả, một mong mỏi mấy chục năm. Cho nên có thể nói chúng tôi lúc đó không nói nên lời được cảm xúc của mình.

Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử kéo dài 16 năm của Bộ đội Trường Sơn, kể từ khi được thành lập vào tháng 5 năm 1959 lực lượng các binh chủng hợp thành quân đội và thanh niên xung phong có mặt trên mặt trận này có lúc lên đến gần 12 vạn người. Trong 16 năm ấy, Bộ đội Trường Sơn đã lập những “kỳ tích” mang tính huyền thoại, đó là xây dựng hàng chục ngàn km đường mòn, đường ống, đó là đó còn là niềm tin chiến thắng vượt lên trên tất cả những gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Chiến dịch Hồ Chí Minh- giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam còn có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với Bộ đội Trường Sơn. Chiến thắng thực sự là một dấu son sáng chói ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong chiến thắng chung của dân tộc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác