Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, nhà tư sản yêu nước gắn với vận mệnh quốc gia

(VOV5) - Gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ có thể coi là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người bạn đời của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ra đi. Di sản lớn nhất cụ để lại cho mọi người là một tinh thần dân tộc ngời sáng, sự cống hiến hết mình cho đất nước, và lòng tin yêu cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cao cả.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, nhà tư sản yêu nước gắn với vận mệnh quốc gia - ảnh 1 Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. (Ảnh: Linh Tâm)

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, thuộc dòng họ khá nổi tiếng tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, ngay từ nhỏ, cụ Hoàng Thị Minh Hồ được người cha là Hoàng Đạo Phương vun đắp tinh thần yêu nước, yêu cách mạng. Cha cụ và thân sinh nhà tư sản Trịnh Văn Bô là Trịnh Phúc Lợi đều là những người có chung lý tưởng yêu nước. Trong quá trình gây dựng sự nghiệp kinh doanh, cụ Hoàng Thị Minh Hồ cùng chồng là Trịnh Văn Bô luôn chia sẻ với người nghèo và người kém may mắn, còn đối với cách mạng, đó là sự hy sinh, không giữ lại gì riêng mình.

Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có những đóng góp to lớn cho cách mạng. Thời điểm đó, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ gần 5.150 lượng vàng, đồng thời vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ trên 1.000 lạng nữa. Nạn đói năm 1945, gia đình cụ còn mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo cho người đói ngoài đường. Với số tài sản lớn ủng hộ cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ chỉ có một tâm nguyện để giữ được chính quyền, đất nước mới được độc lập, nhân dân mới được tự do. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: “Vàng cũng quý thật nhưng tấm lòng của Bác vì dân, vì nước còn quý hơn vàng”.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, nhà tư sản yêu nước gắn với vận mệnh quốc gia - ảnh 2Đoàn Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ. 

Nhớ lại thời điểm khó khăn đó của đất nước, ông Đinh Quang Thiều, 90 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội, bồi hồi chia sẻ: "Hồi ấy, niềm tin tưởng dành cho đất nước, dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối lắm. Đó là sự nguyện. Ai cũng dám hy sinh không quản gì. Nên lời kêu gọi của Chủ tịch hồ Chí Minh đều được mọi người hưởng ứng tích cực, dù có khó khăn cũng không phàn nàn. Tin bà Minh Hồ quyên góp như thế ai nấy đều rất cảm động, thấy được tình cảm đối với tổ quốc, với nhân dân. Tôi càng thấy yêu nhân dân Việt Nam nhiều hơn".

Không chỉ đóng góp lớn lao cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và gia đình còn vinh dự chăm sóc, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đến ở và làm việc tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình. Tại đây Người đã viết khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945, cụ Hoàng Thị Minh Hồ mới xúc động nhận ra người mà cụ chăm sóc, bảo vệ bấy lâu trong thời gian qua chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ hiến cho Nhà nước làm di tích lịch sử quốc gia, trưng bày lưu niệm những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại đây.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, nhà tư sản yêu nước gắn với vận mệnh quốc gia - ảnh 3 Chình quyền và nhân dân Hà Nội và gia đình đưa cụ Hoàng Thị Minh Hồ về nơi an nghỉ cuối cùng

Giáo sư sử học, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh cho rằng cống hiến của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cho cách mạng là vô cùng ý nghĩa bởi họ không những tự mình đóng góp cho đất nước mà còn vận động nhiều nhà tư sản khác cùng tham gia. Với lượng vàng như vậy đã cứu nguy tình hình vô cùng khó khăn của cuộc cách mạng. Không chỉ vậy, suốt cả quá trình sau này cụ còn vận động người dân tham gia hoạt động yêu nước. Giáo sư Vũ Dương Ninh chia sẻ: "Gia đình cụ là gia đình tư sản yêu nước, có cả quá trình kinh doanh lâu đời và đã đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế đất nước. Đó là tấm gương về kinh doanh, xây dựng nền kinh tế dân tộc. Ngay bây giờ chúng ta đang khuyến khích các nhà doanh nghiệp phát triển kinh tế công nghiệp, thương nghiệp để hòa vào nền kinh tế thế giới, thì nên lấy tấm gương của gia đình cụ Trịnh Văn Bô động viên, khuyến khích các nhà doanh nghiệp để mang hết công sức xây dựng một nền kinh tế vững vàng Việt Nam trong hội nhập quốc tế".

Năm 1988, cụ ông Trịnh Văn Bô qua đời. Cả hai cụ đã vinh dự được Chính phủ trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý, ghi nhận xứng đáng những đóng góp của gia đình cho Tổ quốc. 

Ngày 5/11 vừa qua, do tuổi cao, Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô từ trần, hưởng thọ 104 tuổi. Với  những cống hiến lớn cho các mạng, lễ tang cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sẽ được tổ chức theo nghi thức cấp cao vào ngày 14/11. Chị Nguyễn Thị Xuân Hà, người con dâu thứ 6 trong gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ, chia sẻ: "Gia đình rất cảm động đối với sự quan tâm đó. Tôi nghĩ rằng, mẹ tôi đã mỉm cười. Đối với mẹ tôi, tiền bạc không phải là điều quan trọng. Bà từng nói, bà cho đi thì không muốn nhận lại, mà cho đi là để làm gương, làm phúc đức cho con cháu".

Thành phố Hà Nội cũng thống nhất sẽ đặt tên một con đường ở thủ đô mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Đây là niềm động viên, là sự ghi nhận của Nhà nước Việt Nam với những đóng góp có ý nghĩa cho đất nước của gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác